Không còn hồ sơ gốc thể hiện thời gian làm việc trước ngày 01/01/1995, NLĐ được giải quyết hưởng chế độ BHXH thế nào? Đây là câu hỏi Thư Ký Luật nhận được từ bạn Hồ Cẩm V** ngày 02/11/2020.
- Những đối tượng nào phải đóng BHXH bắt buộc năm 2021?
- Hướng dẫn tính thời gian công tác đối với NLĐ không còn hồ sơ gốc trước 01/01/1995
Không còn hồ sơ gốc, NLĐ được giải quyết hưởng chế độ BHXH thế nào? (Ảnh minh họa)
Về vấn đề này của bạn cần căn cứ vào Công văn hướng dẫn mới nhất của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, cụ thể là Công văn 3595/LĐTBXH-BHXH về việc hướng dẫn tính thời gian công tác đối với người lao động không còn hồ sơ gốc thể hiện thời gian làm việc trước ngày 01/01/1995 được ban hành ngày 18/9/2020.
Theo đó, tại Công văn 3595/LĐTBXH-BHXH, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội hướng dẫn như sau:
- Cơ quan bảo hiểm xã hội căn cứ vào hồ sơ gốc thể hiện thời gian làm việc trong khu vực nhà nước trước ngày 01 tháng 01 năm 1995 để xem xét tính thời gian công tác trước ngày 01 tháng 01 năm 1995 đối với người lao động, bao gồm các giấy tờ sau:
-
Hợp đồng lao động hoặc Quyết định tuyển dụng;
-
Các Quyết định nâng lương, chuyển xếp lương;
-
Quyết định điều động hoặc Quyết định chuyển công tác;
-
Quyết định phục viên xuất ngũ, chuyển ngành;
-
Quyết định nghỉ chờ việc;
-
Quyết định nghỉ việc hoặc chấm dứt Hợp đồng lao động;
-
Lý lịch gốc và lý lịch bổ sung (nếu có).
- Trường hợp người lao động không còn hồ sơ gốc thể hiện thời gian làm việc trong khu vực nhà nước trước ngày 01 tháng 01 năm 1995 thì việc xem xét, quyết định tính hoặc không tính thời gian công tác trước ngày 01 tháng 01 năm 1995 là thời gian công tác đã đóng bảo hiểm xã hội đối với người lao động do Bảo hiểm xã hội Việt Nam quyết định, dựa trên các cơ sở:
-
Đơn đề nghị của người lao động;
-
Văn bản xác nhận của cơ quan quản lý người lao động; và
-
Các giấy tờ có liên quan đến thời gian công tác đề nghị tính hưởng bảo hiểm xã hội để đối chiếu.
Trong đó:
+ Văn bản xác nhận của cơ quan quản lý người lao động bao gồm các thông tin:
-
Lý do không còn hồ sơ gốc của người lao động, thời điểm tuyển dụng, diễn biến quá trình công tác, diễn biến tiền lương của người lao động;
-
Việc người lao động chưa được giải quyết trợ cấp thôi việc hoặc trợ cấp một lần, lý do chưa được giải quyết;
-
Lý do gián đoạn hoặc nghỉ việc và trách nhiệm của cơ quan, đơn vị quản lý trong việc giải quyết chế độ tại thời điểm nghỉ việc đối với người lao động có thời gian công tác gián đoạn hoặc đã nghỉ việc trước ngày 01 tháng 01 năm 1995.
Lưu ý: Văn bản xác nhận phải được lập bởi cơ quan tuyển dụng và quản lý người lao động (trường hợp cơ quan quản lý đã giải thể thì cơ quan quản lý cấp trên thực hiện việc xác nhận) và phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về nội dung xác nhận.
+ Các giấy tờ có liên quan đến thời gian công tác đề nghị tính hưởng bảo hiểm xã hội để đối chiếu có thể là:
-
Lý lịch Đảng viên;
-
Lý lịch đoàn viên;
-
Sổ lao động;
-
Danh sách lao động;
-
Sổ theo dõi;
-
Danh sách chi trả lương;
-
Sổ lương thực,
-
Giấy khen;
-
Bằng khen;
-
Kỷ niệm chương;
-
Văn bằng;
-
Chứng chỉ;
-
Hồ sơ giải quyết chế độ của người lao động khi thực hiện cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước.
Việc tính thời gian công tác trước ngày 01 tháng 01 năm 1995 để hưởng bảo hiểm xã hội đối với người không còn hồ sơ gốc sẽ được thực hiện kể từ ngày Bảo hiểm xã hội Việt Nam có văn bản đồng ý. Như vậy, trường hợp người lao động không còn hồ sơ gốc thể hiện thời gian làm việc trước ngày 01/01/1995 vẫn được xem xét giải quyết hưởng chế độ BHXH nếu được sự chấp thuận của Bảo hiểm xã hội Việt Nam dựa trên cơ sở đề nghị của người lao động đó theo hướng dẫn tại Công văn 3595/LĐTBXH-BHXH.
Thùy Trâm
- Từ khóa:
- Công văn 3595/LĐTBXH-BHXH