Trợ cấp thất nghiệp là khoản tiền cần thiết với người lao động sau khi nghỉ việc. Vậy tại những nơi đang giãn cách xã hội, người lao động làm thế nào để nộp hồ sơ và hưởng trợ cấp thất nghiệp?
- Tổng hợp các chính sách hỗ trợ, khắc phục khó khăn do Covid-19
- Hướng dẫn cập nhật thông tin chứng nhận tiêm vắc xin COVID-19 online
- Thỏa thuận nghỉ việc không lương qua tin nhắn có được nhận tiền hỗ trợ Covid-19?
- Lộ trình tiêm vắc xin từ ngày 01/9 - 15/9 tại TP. HCM
- Lùi thời điểm bắt đầu năm học mới ở nơi có dịch COVID-19 phức tạp
- Quyền lợi của người tham gia BHYT khi thực hiện giãn cách xã hội
Hướng dẫn nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp khi giãn cách xã hội (Ảnh minh họa)
Theo quy định pháp luật, trong thời hạn 3 tháng kể từ ngày chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc, người lao động chưa có việc làm và có nhu cầu hưởng trợ cấp thất nghiệp nộp 1 bộ hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp cho Trung tâm dịch vụ việc làm tại địa phương nơi người lao động muốn nhận trợ cấp thất nghiệp.
Thành phần hồ sơ:
Hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp được quy định tại Điều 16 Nghị định 28/2015/NĐ-CP bao gồm các loại giấy tờ sau:
- Đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp theo Mẫu số 03 ban hành kèm theo Thông tư 28/2015/TT-BLĐTBXH
Mẫu số 03 |
- Bản chính hoặc bản sao có chứng thực của một trong các giấy tờ sau đây xác nhận về việc chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc:
+ Hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc đã hết hạn hoặc đã hoàn thành công việc theo hợp đồng lao động;
+ Quyết định thôi việc;
+ Quyết định sa thải;
+ Quyết định kỷ luật buộc thôi việc;
+ Thông báo hoặc thỏa thuận chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc.
- Sổ bảo hiểm xã hội.
Hình thức nộp hồ sơ:
Theo quy định tại Điều 17 Nghị định 28/2015/NĐ-CP, người lao động phải trực tiếp nộp hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp cho Trung tâm dịch vụ việc làm nơi người lao động muốn hưởng trợ cấp thất nghiệp hoặc được ủy quyền cho người khác nộp hồ sơ.
Việc gửi hồ sơ qua đường bưu điện chỉ áp dụng đối với các trường hợp sau: Ốm đau, thai sản có xác nhận của cơ sở y tế có thẩm quyền; Bị tai nạn có xác nhận của cảnh sát giao thông hoặc cơ sở y tế có thẩm quyền; Hỏa hoạn, lũ lụt, động đất, sóng thần, địch họa, dịch bệnh có xác nhận của Chủ tịch UBND xã, phường, thị trấn.
Để tạo điều kiện cho người lao động trong việc hưởng trợ cấp thất nghiệp, hạn chế lây lan dịch bệnh, ngày 9/4/2020, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 42/NQ-CP, trong đó cho phép người lao động được gửi hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp qua đường bưu điện, thông báo về việc tìm kiếm việc làm hàng tháng được thực hiện dưới hình thức gián tiếp (gửi thư điện tử, fax, qua đường bưu điện,...) trong thời gian từ ngày 1/4/2020 đến khi công bố hết dịch mà không phải xin xác nhận của UBND xã, phường, thị trấn về việc xảy ra dịch bệnh trên địa bàn.
Như vậy, khi địa phương nơi người lao động cư trú đang trong thời gian thực hiện các biện pháp giãn cách xã hội, người lao động muốn nhận trợ cấp thất nghiệp hoàn toàn có thể thực hiện việc nộp Hồ sơ đề nghị được hưởng trợ cấp thất nghiệp qua đường bưu điện.
Ngoài ra, hiện nay Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội (Cục Việc làm) đang nghiên cứu, đề xuất phương án cho phép người lao động thực hiện thủ tục nộp hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp qua Cổng dịch vụ công quốc gia nhằm tạo điều kiện cho người lao động trong giai đoạn đại dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp.
Bảo Ngọc
- Từ khóa:
- Trợ cấp thất nghiệp