Đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện, người không đi làm vẫn hưởng lương hưu

Mọi người nghĩ rằng chỉ khi đi làm trong công ty và đóng bảo hiểm xã hội đầy đủ thì mới được hưởng lương hưu. Tuy nhiên, khi đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện, người không đi làm vẫn được hưởng lương hưu.

 lương hưu

Đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện, người không đi làm vẫn hưởng lương hưu (Ảnh minh họa)

Bảo hiểm xã hội tự nguyện là gì?

Tại khoản 3 Điều 3 Luật Bảo hiểm xã hội quy định bảo hiểm xã hội tự nguyện là loại hình bảo hiểm xã hội do Nhà nước tổ chức mà người tham gia được lựa chọn mức đóng, phương thức đóng phù hợp với thu nhập của mình và Nhà nước có chính sách hỗ trợ tiền đóng bảo hiểm xã hội để người tham gia hưởng chế độ hưu trí và tử tuất.

Khoản 4 Điều 2 Luật Bảo hiểm xã hội cũng quy định đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện là công dân Việt Nam từ đủ 15 tuổi trở lên và không thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc.

Theo đó, khi đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện, người không đi làm vẫn hưởng lương hưu.

Phương thức đóng Bảo hiểm xã hội tự nguyện

Theo Điều 87 Luật BHXH, Điều 9 Nghị định 134/2015/NĐ-CP, Điều 8 Thông tư 01/2016/TT-BLĐTBXH quy định chi tiết một số điều của Luật BHXH về bảo hiểm xã hội tự nguyện, người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện được chọn một trong các phương thức đóng sau đây để đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất:

  • Đóng hằng tháng;

  • Đóng 03 tháng một lần;

  • Đóng 06 tháng một lần;

  • Đóng 12 tháng một lần;

  • Đóng một lần cho nhiều năm về sau nhưng không quá 5 năm một lần;

Riêng đối với người tham gia bảo hiểm xã hội đã đủ điều kiện về tuổi để hưởng lương hưu nhưng thời gian đóng bảo hiểm xã hội còn thiếu không quá 10 năm (120 tháng), ngoài lựa chọn một trong các phương thức đóng trên còn được lựa chọn phương thức đóng một lần cho đủ 20 năm đóng để hưởng lương hưu.

Mức đóng Bảo hiểm xã hội tự nguyện

Theo khoản 1 Điều 87 Luật BHXH, mức đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện hằng tháng đóng bằng 22% mức thu nhập tháng do người lao động lựa chọn để đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất.

Lưu ý: Mức thu nhập tháng làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội thấp nhất bằng mức chuẩn hộ nghèo của khu vực nông thôn và cao nhất bằng 20 lần mức lương cơ sở.

Điều kiện hưởng lương hưu khi đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện

Theo Điều 73 Luật BHXH được sửa đổi bởi điểm c khoản 1 Điều 219 Bộ luật Lao động 2019 quy định NLĐ hưởng lương hưu khi có đủ các điều kiện sau đây:

  • Người lao động trong điều kiện lao động bình thường được điều chỉnh theo lộ trình cho đến khi đủ 62 tuổi đối với lao động nam vào năm 2028 và đủ 60 tuổi đối với lao động nữ vào năm 2035;

  • Kể từ 01/01/2021, tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện lao động bình thường là đủ 60 tuổi 03 tháng đối với lao động nam và đủ 55 tuổi 04 tháng đối với lao động nữ; sau đó, cứ mỗi năm tăng thêm 03 tháng đối với lao động nam và 04 tháng đối với lao động nữ;

  • Đủ 20 năm đóng bảo hiểm xã hội trở lên.

Mức hưởng lương hưu khi đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện

Theo khoản 2 Điều 74 Luật BHXH, khoản 2 Điều 3 Nghị định 134/2015/NĐ-CP, khoản 2 Điều 3 Thông tư 01/2016/TT-BLĐTBXH quy định mức hường lương hưu cụ thể như sau:

- Người nghỉ hưu từ ngày 01/01/ 2016 đến trước ngày 01/01/2018, tỷ lệ hưởng lương hưu hằng tháng được tính bằng 45% tương ứng với 15 năm đóng bảo hiểm xã hội, sau đó cứ thêm mỗi năm đóng bảo hiểm xã hội thì tính thêm 2% đối với nam và 3% đối với nữ; mức tối đa bằng 75%;

- Nữ nghỉ hưu từ ngày 01/01/2018 trở đi, tỷ lệ hưởng lương hưu hằng tháng được tính bằng 45% tương ứng với 15 năm đóng bảo hiểm xã hội, sau đó cứ thêm mỗi năm đóng bảo hiểm xã hội thì tính thêm 2%; mức tối đa bằng 75%;

- Nam nghỉ hưu từ ngày 01/01/2018 trở đi, tỷ lệ hưởng lương hưu hằng tháng được tính bằng 45% tương ứng với số năm đóng bảo hiểm xã hội theo bảng dưới đây, sau đó cứ thêm mỗi năm đóng bảo hiểm xã hội, được tính thêm 2%; mức tối đa bằng 75%:

Năm nghỉ hưu

Số năm đóng bảo hiểm xã hội tương ứng với tỷ lệ hưởng lương hưu 45%

2018

16 năm

2019

17 năm

2020

18 năm

2021

19 năm

Từ 2022 trở đi

20 năm

 

Lưu ý: Khi tính tỷ lệ hưởng lương hưu hằng tháng nếu thời gian đóng bảo hiểm xã hội có tháng lẻ từ 01 tháng đến 6 tháng tính là 1/2 năm; từ 7 tháng đến 11 tháng tính là 01 năm.

Ví dụ: Ông A hưởng lương hưu từ tháng 10/2016, thời gian đóng bảo hiểm xã hội là 28 năm 3 tháng, mức bình quân thu nhập tháng đóng bảo hiểm xã hội là 5.000.000 đồng/tháng. Mức lương hưu hằng tháng của ông A được tính như sau:

- Tỷ lệ hưởng lương hưu hằng tháng của ông A:

  • Thời gian đóng bảo hiểm xã hội của ông A là 28 năm 3 tháng, số tháng lẻ 3 tháng được tính là nửa năm, nên số năm đóng bảo hiểm xã hội để tính hưởng lương hưu của ông A là 28,5 năm.

  • 15 năm đầu tính bằng 45%;

  • Từ năm thứ 16 đến năm thứ 28,5 là 13,5 năm, tính thêm: 13,5 x 2% = 27%;

Vậy, tỷ lệ hưởng lương hưu hằng tháng của ông A là: 45% + 27% = 72%.

- Mức lương hưu hằng tháng của ông A là: 72% x 5.000.000 đồng/tháng = 3.600.000 đồng/tháng.

Mọi người không thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc vẫn được hưởng lương hưu nếu tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện. Mọi người cần chú ý quy định này để thụ hưởng các chính sách phúc lợi cũng như bảo vệ lợi ích của mình.

Lê Vy

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của LawNet. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email: info@lawnet.vn
2355 lượt xem
Liên quan Văn bản
  • Địa chỉ: 19 Nguyễn Gia Thiều, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP Hồ Chí Minh
    Điện thoại: (028) 7302 2286
    E-mail: info@lawnet.vn
Đơn vị chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT.
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3935 2079
P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;