Có bắt buộc tham gia BHXH khi đã mua Bảo hiểm nhân thọ không?

Hiện nay, Bảo hiểm nhân thọ và Bảo hiểm xã hội (BHXH) là những loại hình bảo hiểm khá phổ biến tại Việt Nam. Theo đó, người lao động có bắt buộc tham gia BHXH khi đã mua Bảo hiểm nhân thọ không?

BHXH

Có bắt buộc tham gia BHXH khi đã mua Bảo hiểm nhân thọ không? (Ảnh minh họa)

Theo quy định hiện hành, bảo hiểm xã hội bao gồm bảo hiểm xã hội bắt buộc và bảo hiểm xã hội tự nguyện. Theo đó, tại Điều 4 Quyết định 595/QĐ-BHXH quy định người lao động là công dân Việt Nam thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc, bao gồm:

  • Người làm việc theo HĐLĐ không xác định thời hạn, HĐLĐ xác định thời hạn, HĐLĐ theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn từ đủ 03 tháng đến dưới 12 tháng (từ ngày 01/01/2021, hĐLĐ mùa vụ sẽ bị bãi bỏ), kể cả HĐLĐ được ký kết giữa đơn vị với người đại diện theo pháp luật của người dưới 15 tuổi theo quy định của pháp luật về lao động;

  • Người làm việc theo HĐLĐ có thời hạn từ đủ 01 tháng đến dưới 03 tháng (thực hiện từ ngày 01/01/2018);

  • Cán bộ, công chức, viên chức;

  • Công nhân quốc phòng, công nhân công an, người làm công tác khác trong tổ chức cơ yếu;

  • Người quản lý doanh nghiệp, người quản lý điều hành hợp tác xã có hưởng tiền lương;

  • Người hoạt động không chuyên trách ở xã, phường, thị trấn;

  • Người lao động thuộc các trường hợp nêu trên được cử đi học, thực tập, công tác trong và ngoài nước mà vẫn hưởng tiền lương ở trong nước;

  • Người đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng;

  • Người hưởng chế độ phu nhân hoặc phu quân tại cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài.

Mặt khác, tại Điều 2 Nghị định 134/2015/NĐ-CP quy định người tham gia BHXH tự nguyện là công dân Việt Nam từ đủ 15 tuổi trở lên và không thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc.

Như vậy, căn cứ theo quy định trên, người lao động là công dân Việt Nam thuộc một trong những đối tượng nêu trên phải tham gia BHXH bắt buộc dù đã mua Bảo hiểm nhân thọ. Đồng thời, trường hợp người lao động đã mua bảo hiểm nhân thọ và không thuộc các đối tượng tham gia BHXH bắt buộc thì tuỳ vào điều kiện và nhu cầu của người lao động để cân nhắc có nên tham gia BHXH tự nguyện hay không. Tuy nhiên, cần lưu ý, người lao động tham gia BHXH (BHXH bắt buộc hoặc BHXH tự nguyện) khi hưởng lương hưu được hưởng rất nhiều quyền lợi và chính lương hưu mới là cứu cánh cho người lao động khi về già, khi mà không còn khả năng để lao động tạo thu nhập. Đây là ưu điểm vượt trội của BHXH so với bảo hiểm nhân thọ.

Cụ thể, tại Công văn 3758/BHXH-TT đã quy định 03 điểm khác nhau giữa bảo hiểm xã hội và bảo hiểm nhân thọ như sau:

Thứ nhất, sự khác biệt lớn nhất là ở mục đích:

- BHXH là loại hình bảo hiểm phi lợi nhuận.

- Bảo hiểm nhân thọ nhằm mục đích là sinh lời.

Như vậy, khoản lời của bảo hiểm nhân thọ được lấy từ chính tiền của người tham gia. Cần lưu ý là thù lao cho đại lý của bảo hiểm nhân thọ là rất lớn (từ 20 đến 25% trong năm đầu và giảm dần trong các năm về sau nhưng không dưới 5%).

Thứ hai, về điều kiện, mức phí tham gia:

- Đối tượng tham gia BHXH là công dân Việt Nam từ đủ 15 tuổi trở lên và không thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc với mức đóng xác định trước là 22% vào quỹ hưu trí, tử tuất.

- Đối với bảo hiểm nhân thọ, mặc dù nhìn thoáng qua các gói quyền lợi thì thấy có vẻ hấp dẫn nhưng họ đặt ra điều kiện khá ngặt nghèo về tuổi đời, sức khỏe tại thời điểm giao kết hợp đồng bảo hiểm để giảm thiểu rủi ro.

Thứ ba, về quyền lợi:

Đối với BHXH:

  • Tiền đóng vào quỹ BHXH đều được điều chỉnh tăng tương ứng với chỉ số giá tiêu dùng từng năm (CPI) theo quy định của Chính phủ được công bố tại năm mà người tham gia hưởng chế độ (chỉ số CPI tăng bình quân 8,1%/năm, tính từ năm 2008 đến nay);

  • Người đang tham gia BHXH khi chết hoặc bị thương tật vì bất cứ lý do gì thì thời gian đã đóng BHXH đều được ghi nhận để tính hưởng BHXH;

  • Người tham gia BHXH, khi đã hưởng lương hưu thì mức lương hưu được điều chỉnh định kỳ theo chỉ số giá tiêu dùng và mức tăng trưởng kinh tế.

  • Ngoài ra trong toàn bộ thời gian hưởng lương hưu người lao động được quỹ BHXH trả kinh phí để cấp thẻ BHYT và được hưởng các quyền lợi về khám, chữa bệnh bình đẳng với mọi người khác mà không phụ thuộc vào mức phí tham gia, loại bệnh... Khi người hưởng qua đời, người lo mai táng còn được hưởng trợ cấp mai táng bằng 10 tháng lương cơ sở tại thời điểm chết, thân nhân được hưởng chế độ tử tuất (trợ cấp hàng tháng hoặc một lần)

Đối với bảo hiểm nhân thọ:

  • Tiền đóng bảo hiểm nhân thọ thì tính theo lãi suất thị trường;

  • Doanh nghiệp không phải trả tiền bảo hiểm trong một số trường hợp (chết do tự tử trong thời hạn hai năm kể từ ngày nộp khoản phí bảo hiểm đầu tiên hoặc kể từ ngày hợp đồng bảo hiểm tiếp tục có hiệu lực; chết hoặc bị thương tật vĩnh viễn do lỗi cố ý của bên mua bảo hiểm hoặc lỗi cố ý của người thụ hưởng; người được bảo hiểm chết do bị thi hành án tử hình);

  • Quyền lợi được hưởng theo hợp đồng đã ký kết;

  • Ngoài ra, trong trường hợp rủi ro mà doanh nghiệp bảo hiểm phá sản thì người tham gia có thể mất hết quyền lợi.

Có thể thấy, khi tham gia BHXH mang lại những ưu điểm vượt trội hơn so với BHNT, thể hiện rõ nhất chính là quyền lợi về hưởng lương hưu của người tham gia BHXH vào thời điểm về già, khi mà họ không còn khả năng lao động để tạo ra thu nhập. Vì vậy, ban biên tập THƯ KÝ LUẬT khuyến khích Qúy khách hàng và Thành viên nên tham gia BHXH dù trong trường hợp đã tham gia bảo hiểm nhân thọ.

Ty Na

>> XEM BẢN TIẾNG ANH CỦA BÀI VIẾT NÀY TẠI ĐÂY

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của LawNet. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email: info@lawnet.vn
1164 lượt xem
Liên quan Văn bản
  • Địa chỉ: 19 Nguyễn Gia Thiều, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP Hồ Chí Minh
    Điện thoại: (028) 7302 2286
    E-mail: info@lawnet.vn
Đơn vị chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT.
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3935 2079
P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;