Pháp luật hiện hành đã có quy định xử lý về tội gian lận và trốn đóng BHXH, BHYT, BH thất nghiệp tại Bộ luật Hình sự 2015, tuy nhiên để có cơ sở pháp lý rõ ràng hơn nữa trong việc xử lý tội phạm này thì Tòa án nhân dân tối cao đã xây dựng Dự thảo Nghị quyết hướng dẫn chi tiết về các tội danh gian lận, trốn đóng BHXH, BHYT, BH thất nghiệp.
Theo đó, nhằm giải quyết các vướng mắc trong quá trình xử lý đối với các doanh nghiệp có hành vi gian lận và trốn đóng BHXH, BHYT, BH thất nghiệp, Tòa án nhân dân tối cao đã xây dựng Dự thảo Nghị quyết nêu rõ khái niệm của một số tình tiết định định tội tại các Điều từ 213 - 216 Bộ luật Hình sự 2015, đơn cử là một số tình tiết như:
- Gian dối để không đóng, đóng không đầy đủ tiền bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp quy định tại khoản 1 Điều 216 của Bộ luật Hình sự là trường hợp kê khai, báo cáo với các cơ quan có thẩm quyền việc đóng bảo hiểm bắt buộc không đúng thực tế. Trường hợp người có nghĩa vụ đóng bảo hiểm xác định rõ, đầy đủ các khoản đóng bảo hiểm, nhưng do điều kiện khách quan, hoàn cảnh khó khăn của mình mà không thể đóng bảo hiểm đầy đủ hoặc không đóng bảo hiểm theo đúng quy định thì không xác định là hành vi trốn đóng bảo hiểm.
- Không đóng tiền bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp quy định tại khoản 1 Điều 216 của Bộ luật Hình sự là việc người sử dụng lao động đã xác định rõ, đầy đủ các khoản đóng bảo hiểm, lập chứng từ, hồ sơ quyết toán lương cho người lao động, thu nhập doanh nghiệp nhưng không đóng tiền bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp đã trích nộp cho cơ quan bảo hiểm xã hội, y tế, lao động thương binh và xã hội theo quy định.
- Đóng không đầy đủ theo quy tại khoản 1 Điều 216 của Bộ luật Hình sự là việc người sử dụng lao động đã xác định rõ, đầy đủ các khoản đóng bảo hiểm, lập chứng từ, hồ sơ quyết toán lương cho người lao động, thu nhập doanh nghiệp đầy đủ nhưng chỉ đóng một phần tiền bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp đã trích nộp cho cơ quan bảo hiểm xã hội, y tế, lao động thương binh và xã hội theo quy định.
- Thủ đoạn khác theo quy định tại khoản 1 Điều 216 của Bộ luật Hình sự là trên cơ sở các quy định của nhà nước về chính sách ưu đãi đối với doanh nghiệp hoặc người lao động để lập hồ sơ, tài liệu không đúng tình hình thực tế của doanh nghiệp, người lao động trong doanh nghiệp để không đóng hoặc đóng bảo hiểm thấp hơn quy định một cách hợp pháp mà chỉ qua thanh tra, kiểm tra hoặc giám định mới phát hiện được.
- Lợi dụng quy định người lao động không làm việc và không hưởng tiền lương từ 14 ngày làm việc trở lên trong một tháng thì không đóng bảo hiểm tháng đó quy định tại khoản 3 Điều 85 của Bộ luật lao động, người sử dụng lao động đã áp dụng quy định này cho các lao động của mình trong công ty để không phải đóng bảo hiểm.
Xem nội dung chi tiết tại Dự thảo Nghị quyết hướng dẫn áp dụng các Điều từ 213 - 216 của Bộ luật Hình sự 2015.
Duy Thịnh
- Từ khóa:
- Bảo hiểm xã hội