Bảo hiểm bắt buộc là sản phẩm bảo hiểm nhằm mục đích bảo vệ lợi ích công cộng, môi trường và an toàn xã hội.
Bảo hiểm bắt buộc là gì?
Theo quy định tại Khoản 1 Điều 8 Luật Kinh doanh bảo hiểm 2022 thì bảo hiểm bắt buộc là sản phẩm bảo hiểm nhằm mục đích bảo vệ lợi ích công cộng, môi trường và an toàn xã hội.
Các loại bảo hiểm bắt buộc
Theo quy định tại Khoản 2 Điều 8 Luật Kinh doanh bảo hiểm 2022 thì bảo hiểm bắt buộc bao gồm:
- Bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới;
- Bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc;
- Bảo hiểm bắt buộc trong hoạt động đầu tư xây dựng;
- Bảo hiểm bắt buộc quy định tại luật khác đáp ứng quy về bảo hiểm bắt buộc nêu trên.
Tổ chức, cá nhân thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm bắt buộc có nghĩa vụ mua bảo hiểm bắt buộc và được lựa chọn tham gia bảo hiểm bắt buộc tại doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài được phép triển khai.
Doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài được phép triển khai bảo hiểm bắt buộc không được từ chối bán khi tổ chức, cá nhân đáp ứng đủ điều kiện mua bảo hiểm bắt buộc theo quy định của pháp luật.
Bảo hiểm bắt buộc là gì? (Hình từ internet)
Các hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động kinh doanh bảo hiểm
Hoạt động kinh doanh bảo hiểm bao gồm kinh doanh bảo hiểm, kinh doanh tái bảo hiểm, nhượng tái bảo hiểm và các hoạt động có liên quan đến hoạt động kinh doanh bảo hiểm bao gồm đại lý bảo hiểm, môi giới bảo hiểm, dịch vụ phụ trợ bảo hiểm.
Nghiêm cấm tổ chức, cá nhân hoạt động kinh doanh bảo hiểm thực hiện các hành vi sau đây:
- Hoạt động kinh doanh bảo hiểm, kinh doanh tái bảo hiểm, nhượng tái bảo hiểm, môi giới bảo hiểm khi không có giấy phép thành lập và hoạt động.
- Hoạt động kinh doanh bảo hiểm, kinh doanh tái bảo hiểm, nhượng tái bảo hiểm, môi giới bảo hiểm không đúng phạm vi được cấp phép.
- Hoạt động đại lý bảo hiểm, hoạt động dịch vụ phụ trợ bảo hiểm khi không đáp ứng điều kiện hoạt động theo quy định của pháp luật.
- Thực hiện các hành vi gian lận bao gồm:
+ Thông đồng với người thụ hưởng để giải quyết bồi thường, trả tiền bảo hiểm trái pháp luật;
+ Giả mạo tài liệu, cố ý làm sai lệch thông tin trong hồ sơ yêu cầu bồi thường, trả tiền bảo hiểm.
+ Giả mạo tài liệu, cố ý làm sai lệch thông tin để từ chối bồi thường, trả tiền bảo hiểm khi sự kiện bảo hiểm đã xảy ra;
+ Tự gây thiệt hại về tài sản, sức khỏe của mình để hưởng quyền lợi bảo hiểm.
- Đe dọa, cưỡng ép giao kết hợp đồng bảo hiểm.
Mai Thanh Lợi
- Từ khóa:
- Kinh doanh bảo hiểm