Tôi nghe nói, nếu nghỉ hưu trước tuổi thì người lao động sẽ bị trừ tỷ lệ lương hưu so với việc nghỉ hưu đúng tuổi. Vậy có trường hợp nào ngoại lệ hay không, tức dù nghỉ hưu trước tuổi nhưng vẫn được hưởng nguyên tỷ lệ lương hưu? Chị Hồ Thị Hoa Lài ở Thanh Hóa đã gửi câu hỏi cho Thư Ký Luật nhờ hỗ trợ.
- Nghỉ hưu trước tuổi từ 2021, công chức, viên chức và NLĐ chịu nhiều thiệt thòi
- Nghỉ hưu vào năm 2020, nhiều người được nhận thêm một khoản tiền
- Lương hưu năm 2020 của công chức, viên chức và NLĐ sẽ có nhiều thay đổi
- File word Bộ luật Lao động 2019 bản tiếng Anh
- Các trường hợp được nghỉ hưu trước tuổi năm 2020 của CBCCVC và NLĐ
Ảnh minh họa
Chính sách, chế độ cho người về hưu trước tuổi năm 2020
Về vấn đề này, ban biên tập THƯ KÝ LUẬT xin giải đáp như sau:
Theo quy định hiện hành thì người lao động có đủ 20 năm đóng bảo hiểm xã hội trở lên được nghỉ hưu khi có đủ 60 tuổi đối với nam , đủ 55 tuổi đối với nữ. Trường hợp người lao động nghỉ hưu trước độ tuổi quy định thì sẽ bị trừ tỷ lệ lương hưu với mức 2% cho mỗi năm nghỉ hưu trước tuổi. Tuy nhiên, pháp luật quy định một số trường nhất định mà theo đó người lao động, trong đó có cán bộ, công chức, viên chức sẽ không bị trừ tỷ lệ lương hưu khi nghỉ hưu trước tuổi. Cụ thể là các trường hợp sau đây:
1. Nam từ đủ 55 tuổi đến đủ 60 tuổi, nữ từ đủ 50 tuổi đến đủ 55 tuổi và có đủ 15 năm làm nghề hoặc công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm thuộc danh mục do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Y tế ban hành hoặc có đủ 15 năm làm việc ở nơi có phụ cấp khu vực hệ số 0,7 trở lên.
2. Người lao động từ đủ 50 tuổi đến đủ 55 tuổi và có đủ 20 năm đóng bảo hiểm xã hội trở lên mà trong đó có đủ 15 năm làm công việc khai thác than trong hầm lò.
3. Người bị nhiễm HIV/AIDS do tai nạn rủi ro nghề nghiệp.
4. Cán bộ, công chức, viên chức thuộc đối tượng tinh giản biên chế nếu đủ 50 tuổi đến dưới 55 tuổi đối với nam, đủ 45 tuổi đến dưới 50 tuổi đối với nữ, có thời gian đóng bảo hiểm xã hội đủ 20 năm trở lên, trong đó có đủ mười lăm năm làm nghề hoặc công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm thuộc danh mục do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và Bộ Y tế ban hành hoặc có đủ mười lăm năm làm việc ở nơi có phụ cấp khu vực hệ số 0,7 trở lên.
5. Cán bộ, công chức, viên chức thuộc đối tượng tinh giản biên chế nếu đủ 55 tuổi đến dưới 60 tuổi đối với nam, đủ 50 tuổi đến dưới 55 tuổi đối với nữ, có thời gian đóng bảo hiểm xã hội đủ 20 năm trở lên.
Thời điểm được dùng làm căn cứ để tính đủ tuổi đời hưởng chế độ, chính sách nghỉ hưu trước tuổi là ngày 1 tháng sau liền kề với tháng sinh của đối tượng; trường hợp trong hồ sơ của đối tượng không ghi rõ ngày, tháng sinh trong năm thì lấy ngày 1/1 của năm sinh của đối tượng.
Lưu ý: Từ năm 2021, điều kiện hưởng lương hưu của người lao động sẽ được chiết chặt hơn. Cụ thể, theo Điểm a, Khoản 1, Điều 219 Bộ Luật Lao động 2019 sửa đổi Điều 54 Luật bảo hiểm xã hội 2014 thì từ năm 2021, người lao động phải có đủ 20 năm đóng BHXH; nam đủ 60 tuổi 3 tháng; nữ đủ 55 tuổi 4 tháng (sau đó mỗi năm tăng thêm 3 tháng với nam; 4 tháng với nữ để đến năm 2028, nam nghỉ hưu khi đủ 62 tuổi và năm 2035, nữ nghỉ hưu khi đủ 60 tuổi). Theo đó, điều kiện để người lao động được nghỉ hưu trước tuổi từ năm 2021 cũng sẽ được siết chặt tương ứng.
Nguyễn Trinh