Hiện nay, việc tham gia bảo hiểm bắt buộc TNDS với chủ xe cơ giới được pháp luật quy định như thế nào? - Trà Vinh (Diệu Nhi)
04 điều cần biết về bảo hiểm bắt buộc TNDS với chủ xe cơ giới (Hình từ Internet)
1. Nguyên tắc tham gia bảo hiểm bắt buộc TNDS với chủ xe cơ giới
Theo Điều 4 Nghị định 03/2021/NĐ-CP quy định về nguyên tắc tham gia bảo hiểm bắt buộc TNDS với chủ xe cơ giới như sau:
- Doanh nghiệp bảo hiểm và bên mua bảo hiểm triển khai Bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới theo điều kiện, mức phí bảo hiểm, mức trách nhiệm bảo hiểm quy định.
- Đối với mỗi xe cơ giới, trách nhiệm bồi thường bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới chỉ phát sinh theo một hợp đồng bảo hiểm duy nhất.
- Ngoài việc tham gia hợp đồng bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới theo điều kiện, mức phí bảo hiểm, mức trách nhiệm bảo hiểm quy định thì:
Chủ xe cơ giới và doanh nghiệp bảo hiểm có thể thỏa thuận tại hợp đồng bảo hiểm về mở rộng điều kiện bảo hiểm, mức trách nhiệm bảo hiểm tăng thêm và mức phí bảo hiểm bổ sung tương ứng.
Trong trường hợp này, doanh nghiệp bảo hiểm có trách nhiệm tách riêng phần bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới trong Giấy chứng nhận bảo hiểm.
2. Phạm vi bồi thường thiệt hại với bảo hiểm bắt buộc TNDS với chủ xe cơ giới
Phạm vi bồi thường thiệt hại với bảo hiểm bắt buộc TNDS với chủ xe cơ giới theo Điều 5 Nghị định 03/2021/NĐ-CP như sau:
- Thiệt hại ngoài hợp đồng về sức khỏe, tính mạng và tài sản đối với bên thứ ba do xe cơ giới gây ra.
- Thiệt hại về sức khỏe, tính mạng của hành khách do xe cơ giới gây ra.
3. Giấy chứng nhận bảo hiểm bắt buộc TNDS với chủ xe cơ giới
Giấy chứng nhận bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự với chủ xe cơ giới quy định tại Điều 6 Nghị định 03/2021/NĐ-CP như sau:
(1) Giấy chứng nhận bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới là bằng chứng giao kết hợp đồng bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự giữa chủ xe cơ giới với doanh nghiệp bảo hiểm.
Mỗi xe cơ giới được cấp 1 Giấy chứng nhận bảo hiểm. Chủ xe cơ giới bị mất Giấy chứng nhận bảo hiểm phải có văn bản đề nghị doanh nghiệp bảo hiểm (nơi đã cấp Giấy chứng nhận bảo hiểm) cấp lại Giấy chứng nhận bảo hiểm.
(2) Khi mua bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới, chủ xe cơ giới được doanh nghiệp bảo hiểm cấp Giấy chứng nhận bảo hiểm.
Doanh nghiệp bảo hiểm chỉ cấp Giấy chứng nhận bảo hiểm cho chủ xe cơ giới khi chủ xe cơ giới đã đóng đủ phí bảo hiểm hoặc có thỏa thuận với chủ xe cơ giới về thời hạn thanh toán phí bảo hiểm theo quy định của Bộ Tài chính.
(3) Giấy chứng nhận bảo hiểm do doanh nghiệp bảo hiểm chủ động thiết kế và phải bao gồm các nội dung sau đây:
- Tên, địa chỉ, số điện thoại (nếu có) của chủ xe cơ giới.
- Số biển kiểm soát hoặc số khung, số máy.
- Loại xe, trọng tải, số chỗ ngồi, mục đích sử dụng đối với xe ô tô.
- Tên, địa chỉ, số điện thoại đường dây nóng của doanh nghiệp bảo hiểm.
- Mức trách nhiệm bảo hiểm dân sự đối với bên thứ ba và hành khách.
- Trách nhiệm của chủ xe cơ giới, người lái xe khi xảy ra tai nạn.
- Thời hạn bảo hiểm, phí bảo hiểm, thời hạn thanh toán phí bảo hiểm.
- Ngày, tháng, năm cấp Giấy chứng nhận bảo hiểm.
- Mã số, mã vạch được đăng ký, quản lý và sử dụng theo quy định của Bộ Khoa học và Công nghệ để lưu trữ, chuyển tải và truy xuất thông tin định danh doanh nghiệp Bảo hiểm và nội dung cơ bản của Giấy chứng nhận Bảo hiểm.
(4) Trường hợp cấp Giấy chứng nhận bảo hiểm điện tử, doanh nghiệp bảo hiểm phải tuân thủ các quy định của Luật Giao dịch điện tử và các văn bản hướng dẫn thi hành; Giấy chứng nhận bảo hiểm điện tử phải tuân thủ đầy đủ các quy định hiện hành và phản ánh đầy đủ các nội dung quy định tại (3) mục này.
4. Phí bảo hiểm và thanh toán phí bảo hiểm bắt buộc TNDS với chủ xe cơ giới
Theo Điều 7 Nghị định 03/2021/NĐ-CP quy định về phí bảo hiểm và thanh toán phí bảo hiểm bắt buộc TNDS với chủ xe cơ giới như sau:
- Phí bảo hiểm là khoản tiền mà chủ xe cơ giới phải thanh toán cho doanh nghiệp bảo hiểm khi mua bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới.
- Bộ Tài chính quy định phí bảo hiểm dựa trên số liệu thống kê, bảo đảm khả năng thanh toán của doanh nghiệp bảo hiểm, tương ứng với điều kiện bảo hiểm, mức trách nhiệm bảo hiểm, mức độ rủi ro theo loại xe cơ giới và mục đích sử dụng.
- Căn cứ vào lịch sử tai nạn của từng xe cơ giới và năng lực chấp nhận rủi ro của mình, doanh nghiệp bảo hiểm chủ động xem xét, điều chỉnh tăng phí bảo hiểm. Mức tăng phí bảo hiểm tối đa là 15% tính trên phí Bảo hiểm do Bộ Tài chính quy định.
- Đối với các xe cơ giới được phép mua bảo hiểm có thời hạn khác 1 năm, phí bảo hiểm được tính dựa trên phí bảo hiểm do Bộ Tài chính quy định và tương ứng với thời hạn được bảo hiểm. Cách tính cụ thể như sau:
Phí bảo hiểm phải nộp = (Phí bảo hiểm năm theo loại xe cơ giới/ 365 (ngày)) x (Thời hạn được bảo hiểm (ngày))
Trường hợp thời hạn được bảo hiểm từ 30 ngày trở xuống, phí bảo hiểm phải nộp được tính bằng phí bảo hiểm năm theo loại xe cơ giới/(chia) cho 12 tháng.
Quốc Đạt
- Từ khóa:
- bảo hiểm bắt buộc TNDS
- xe cơ giới