Sử dụng thẻ BHYT: Những quy định cần biết

Thư Ký Luật xin gửi đến Quý khách hàng và Thành viên một số lưu ý khi sử dụng thẻ BHYT để khám, chữa bệnh.

 

Sử dụng thẻ BHYT: Những quy định cần biết

Sử dụng thẻ BHYT: Những quy định cần biết (Ảnh minh họa)

Các đối tượng tham gia BHYT

Tại Điều 12 Luật Bảo hiểm y tế 2008, sửa đổi bổ sung năm 2014 và Nghị định 146/2018/NĐ-CP quy định rõ 06 nhóm đối tượng tham gia BHYT:

- Nhóm do người lao động và người sử dụng lao động đóng;

- Nhóm do tổ chức bảo hiểm xã hội đóng;

- Nhóm do ngân sách nhà nước đóng;

- Nhóm được ngân sách nhà nước hỗ trợ mức đóng;

- Nhóm tham gia BHYT theo hộ gia đình

- Nhóm đối tượng khác do Chính Phủ quy định:

Thời hạn sử dụng của thẻ BHYT

Tùy vào từng loại thẻ BHYT tương ứng với từng đối tượng mà xác định giá trị sử dụng của thẻ BHYT.

Tại khoản 3 Điều 16 Luật Bảo hiểm y tế 2008, sửa đổi bổ sung năm 2014 và Điều 13 Nghị định 146/2018/NĐ-CP quy định về thời hạn thẻ bảo hiểm y tế có giá trị sử dụng như sau:

- Thẻ bảo hiểm y tế có giá trị sử dụng kể từ ngày đóng bảo hiểm y tế đối với các nhóm đối tượng gồm: Nhóm do người lao động và người sử dụng lao động đóng; Nhóm do tổ chức xã hội đóng; Nhóm do ngân sách nhà nước đóng mà tham gia bảo hiểm y tế lần đầu.

- Thẻ bảo hiểm y tế có giá trị sử dụng sau 30 ngày, kể từ ngày đóng bảo hiểm y tế đối với các nhóm đối tượng gồm: Nhóm được ngân sách nhà nước hỗ trợ mức đóng; Nhóm tham gia bảo hiểm y tế theo hộ gia đình mà tham gia bảo hiểm y tế từ ngày Luật này có hiệu lực thi hành hoặc tham gia không liên tục từ 3 tháng trở lên trong năm tài chính;

- Thẻ bảo hiểm y tế có giá trị sử dụng đến ngày trẻ đủ 72 tháng tuổi đối với trẻ em dưới 6 tuổi. Trường hợp trẻ đủ 72 tháng tuổi mà chưa đến kỳ nhập học thì thẻ bảo hiểm y tế có giá trị sử dụng đến ngày 30 tháng 9 của năm đó.

- Thẻ bảo hiểm y tế có giá trị sử dụng ngay sau khi hiến bộ phận cơ thể đối với người hiến bộ phận cơ thể.

- Đối với nhóm học sinh, sinh viên:

+ Thẻ bảo hiểm y tế được cấp hằng năm cho học sinh của cơ sở giáo dục phổ thông, trong đó:

  • Đối với học sinh lớp 1: Giá trị sử dụng bắt đầu từ ngày 01 tháng 10 năm đầu tiên của cấp tiểu học;

  • Đối với học sinh lớp 12: Thẻ có giá trị sử dụng đến hết ngày 30 tháng 9 của năm đó.

+ Thẻ bảo hiểm y tế được cấp hằng năm cho học sinh, sinh viên của cơ sở giáo dục đại học, cơ sở giáo dục nghề nghiệp, trong đó:

  • Đối với học sinh, sinh viên năm thứ nhất của khóa học: Thẻ có giá trị sử dụng từ ngày nhập học, trừ trường hợp thẻ của học sinh lớp 12 đang còn giá trị sử dụng;
  • Đối với học sinh, sinh viên năm cuối của khóa học: Thẻ có giá trị sử dụng đến ngày cuối của tháng kết thúc khóa học.

Lưu ý:

  • Đối với nhóm người đang hưởng trợ cấp thất nghiệp thì thẻ bảo hiểm y tế có giá trị sử dụng từ tháng đầu tiên hưởng trợ cấp thất nghiệp ghi trong quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp của cơ quan nhà nước cấp có thẩm quyền.

  • Đối với nhóm trẻ em dưới 6 tuổi : Trường hợp trẻ em sinh trước ngày 30 tháng 9: Thẻ bảo hiểm y tế có giá trị sử dụng đến hết ngày 30 tháng 9 của năm trẻ đủ 72 tháng tuổi; Trường hợp trẻ sinh sau ngày 30 tháng 9: Thẻ bảo hiểm y tế có giá trị sử dụng đến hết ngày cuối của tháng trẻ đủ 72 tháng tuổi.

  • Người thuộc diện hưởng trợ cấp bảo trợ xã hội hằng tháng theo quy định của pháp luật về người cao tuổi, người khuyết tật, đối tượng bảo trợ xã hội thì thẻ bảo hiểm y tế có giá trị sử dụng từ ngày được hưởng trợ cấp xã hội tại quyết định của Ủy ban nhân dân cấp huyện.

  • Người tham gia bảo hiểm y tế liên tục kể từ lần thứ hai trở đi thì thẻ bảo hiểm y tế có giá trị sử dụng nối tiếp với ngày hết hạn sử dụng của thẻ lần trước;

  • Giá trị sử dụng của thẻ bảo hiểm y tế sẽ tương ứng số tiền đóng bảo hiểm y tế theo quy định, trừ đối tượng là trẻ em dưới 6 tuổi.

03 trường hợp thẻ BHYT không có giá trị sử dụng

Tại khoản 4 Điều 16 Luật Bảo hiểm y tế quy định các trường hợp thẻ bảo hiểm y tế không có giá trị sử dụng:

  • Thẻ đã hết thời hạn sử dụng;

  • Thẻ bị sửa chữa, tẩy xoá;

  • Người có tên trong thẻ không tiếp tục tham gia bảo hiểm y tế.

Như vậy, nếu cá nhân tự ý tẩy xóa, sửa đổi thông tin trên thẻ BHYT hoặc không tiếp tục tham gia BHYT thì sẽ không được quỹ bảo hiểm y tế thanh toán chi phí khám chữa bệnh.

Từ ngày 01/6/2021, khám chữa bệnh không cần thẻ BHYT giấy

Theo đó, kể từ ngày 01/6/2021, người bệnh BHYT đến khám, chữa bệnh được sử dụng hình ảnh thẻ BHYT trên ứng dụng Vss-ID thay thế cho việc sử dụng thẻ BHYT giấy.

Cụ thể, người dùng phải tạo tài khoản bằng cách tải ứng dụng VssID cài đặt trên điện thoại thông minh. Sau khi tạo tài khoản có ảnh chính chủ, người dùng có thể tra cứu thông tin về thẻ bảo hiểm y tế, khám tại cơ sở nào, quá trình tham gia bảo hiểm xã hội, chế độ ốm đau, thai sản, bệnh nghề nghiệp.

Các cơ sở khám, chữa bệnh sử dụng đầu đọc để quét mã QR Code, trường hợp không có đầu đọc thì ghi trực tiếp số thẻ BHYT trên ứng dụng VssID.

Đặc biệt, cần lưu ý, đối với người dùng chưa có tài khoản trên VssID thì vẫn được khám chữa bệnh bằng thẻ BHYT giấy theo khoản 1 Điều 28 Luật Bảo hiểm y tế 2008.

Khoản 1 Điều 28 Luật Bảo hiểm y tế 2008 quy định:

Người tham gia bảo hiểm y tế khi đến khám bệnh, chữa bệnh phải xuất trình thẻ bảo hiểm y tế có ảnh; trường hợp thẻ bảo hiểm y tế chưa có ảnh thì phải xuất trình thẻ bảo hiểm y tế cùng với giấy tờ chứng minh về nhân thân của người đó; đối với trẻ em dưới 6 tuổi chỉ phải xuất trình thẻ bảo hiểm y tế.

Tuy nhiên, tại Điều 15 Nghị định 146/2018/NĐ-CP cho phép một số trường hợp không mang theo thẻ BHYT cũng được thanh toán chi phí, cụ thể như sau:

- Trường hợp trẻ chưa được cấp thẻ bảo hiểm y tế thì phải xuất trình bản sao giấy chứng sinh hoặc bản sao giấy khai sinh; trường hợp phải điều trị ngay sau khi sinh mà chưa có giấy chứng sinh thì thủ trưởng cơ sở khám bệnh, chữa bệnh và cha hoặc mẹ hoặc người giám hộ của trẻ ký xác nhận vào hồ sơ bệnh án để làm căn cứ thanh toán và chịu trách nhiệm về xác nhận này.

- Người tham gia bảo hiểm y tế trong thời gian chờ cấp lại thẻ, đổi thẻ bảo hiểm y tế khi đến khám bệnh, chữa bệnh phải xuất trình giấy hẹn cấp lại thẻ, đổi thẻ bảo hiểm y tế do cơ quan bảo hiểm xã hội hoặc tổ chức, cá nhân được cơ quan bảo hiểm xã hội ủy quyền tiếp nhận hồ sơ cấp lại thẻ, đổi thẻ cấp  và một loại giấy tờ chứng minh về nhân thân của người đó.

- Trường hợp cấp cứu: Không cần thẻ BHYT tại thời điểm làm thủ tục KCB nhưng phải xuất trình thẻ BHYT trước khi ra viện.

Bảo Ngọc

>> XEM BẢN TIẾNG ANH CỦA BÀI VIẾT NÀY TẠI ĐÂY

1162 lượt xem

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của LawNet. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email:info@lawnet.vn


  • Địa chỉ: 19 Nguyễn Gia Thiều, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP Hồ Chí Minh
    Điện thoại: (028) 7302 2286
    E-mail: info@lawnet.vn
Đơn vị chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT.
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3935 2079
P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;