Đề xuất phạt đến 500.000 đồng khi không đổi CMND/CCCD theo quy định

Hiện nay, tại điểm b khoản 1 Điều 9 Nghị định 167/2013/NĐ-CP quy định hành vi không thực hiện đúng quy định của pháp luật về cấp mới, cấp lại, đổi CMND sẽ bị phạt tiền từ 100.000 đồng đến 200.000 đồng. Tuy nhiên, mức phạt này được đề xuất thay đổi theo Dự thảo Nghị định thay thế Nghị định 167.

Đề xuất phạt đến 500.000 đồng khi không đổi CMND/CCCD theo quy định (Ảnh minh họa)

Cụ thể, tại điểm b khoản 1 Điều 10 Dự thảo Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy, chữa  cháy; cứu nạn, cứu hộ; phòng, chống bạo lực gia đình (thay thế Nghị định 167/2013/NĐ-CP) đề xuất mức phạt đối với hành vi không thực hiện đúng quy định về cấp đổi CMND/CCCD như sau:

Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 300.000 đồng đến 500.000 đồng đối với hành vi không thực hiện đúng quy định của pháp luật về cấp, đổi, cấp lại Giấy chứng minh nhân dân, Chứng minh nhân dân hoặc thẻ Căn cước công dân.

Hiện nay, tại điểm b khoản 1 Điều 9 Nghị định 167 chỉ nêu “Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 đồng đến 200.000 đồng nếu không thực hiện đúng quy định của pháp luật về cấp mới, cấp lại, đổi chứng minh nhân dân”.

Có thể thấy, Dự thảo Nghị định mới đã bổ sung áp dụng mức phạt đối với vi phạm về cấp, đổi lại Căn cước công dân (hiện nay chỉ áp dụng với CMND).

Như vậy, người nào có hành vi không đổi CMND/CCCD đối với những trường hợp bắt buộc phải đổi theo quy định thì sẽ bị phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 300.000 đồng đến 500.000 đồng.

Các trường hợp phải làm thủ tục cấp đổi, cấp lại CMND/CCCD

* Đối với người đã được cấp CMND thì theo Điều 5 Nghị định 05/1999/NĐ-CP:

- Những trường hợp phải làm thủ tục đổi Chứng minh nhân dân :

  • Chứng minh nhân dân hết thời hạn sử dụng;

  • Chứng minh nhân dân hư hỏng không sử dụng được;

  • Thay đổi họ, tên, chữ đệm, ngày, tháng, năm sinh;

  • Thay đổi nơi đăng ký hộ khẩu thường trú ngoài phạm vi tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương;

  • Thay đổi đặc điểm nhận dạng.

- Trường hợp bị mất Chứng minh nhân dân thì phải làm thủ tục cấp lại.

* Đối với người đã được cấp CCCD mã vạch hoặc CCCD gắn chíp: theo Điều 23 Luật căn cước công dân 2014, cụ thể:

- Các trường hợp được đổi thẻ CCCD:

  • Khi công dân đủ 25 tuổi, đủ 40 tuổi và đủ 60 tuổi. Lưu ý trường hợp thẻ CCCD được cấp, đổi, cấp lại trong thời hạn 2 năm trước tuổi quy định thì vẫn có giá trị sử dụng đến tuổi đổi thẻ tiếp theo;

  • Thẻ bị hư hỏng không sử dụng được;

  • Thay đổi thông tin về họ, chữ đệm, tên; đặc điểm nhân dạng;

  • Xác định lại giới tính, quê quán;

  • Có sai sót về thông tin trên thẻ Căn cước công dân;

  • Khi công dân có yêu cầu.

- Các trường hợp cấp lại thẻ CCCD:

  • Bị mất thẻ Căn cước công dân;

  • Được trở lại quốc tịch Việt Nam theo quy định của Luật quốc tịch Việt Nam.

 Bảo Ngọc

>> XEM BẢN TIẾNG ANH CỦA BÀI VIẾT NÀY TẠI ĐÂY

1812 lượt xem

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của LawNet. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email:info@lawnet.vn


  • Địa chỉ: 19 Nguyễn Gia Thiều, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP Hồ Chí Minh
    Điện thoại: (028) 7302 2286
    E-mail: info@lawnet.vn
Đơn vị chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT.
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3935 2079
P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;