Hướng dẫn chi tiết 10 nội dung chủ yếu của hợp đồng lao động từ 2021

Mới đây, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội dã ban hành Thông tư 10/2020/TT-BLĐTBXH quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Bộ luật Lao động , có hiệu lực từ ngày 01/01/2021.

Hướng dẫn chi tiết 10 nội dung chủ yếu của HĐLĐ

Mới: Hướng dẫn chi tiết 10 nội dung chủ yếu của HĐLĐ (Ảnh minh họa)

Theo đó, tại Điều 3 Thông tư 10/2020/TT-BLĐTBXH quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Bộ luật Lao động về nội dung của HĐLĐ, Hội đồng thương lượng tập thể và nghề, công việc có ảnh hưởng xấu tới chức năng sinh sản, nuôi con quy định 10 nội dung chủ yếu phải có của hợp đồng lao động theo khoản 1 Điều 21 của Bộ luật Lao động bao gồm:

1. Thông tin về tên, địa chỉ của NSDLĐ và họ tên, chức danh của người giao kết HĐLĐ bên phía NSDLĐ được quy định như sau:

- Tên của NSDLĐ:

  • Lấy theo tên trong giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã hoặc giấy chứng nhận đăng ký đầu tư hoặc văn bản chấp thuận chủ trương đầu tư hoặc quyết định thành lập cơ quan, tổ chức;

  • Đối với tổ hợp tác thì lấy theo tên tổ hợp tác ghi trong hợp đồng hợp tác;

  • Đối với hộ gia đình, cá nhân thì lấy theo họ tên của người đại diện hộ gia đình, cá nhân ghi trong CCCD hoặc CMND hoặc hộ chiếu được cấp;

- Địa chỉ của NSDLĐ:

  • Lấy theo địa chỉ ghi trong giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã hoặc giấy chứng nhận đăng ký đầu tư hoặc văn bản chấp thuận chủ trương đầu tư hoặc quyết định thành lập cơ quan, tổ chức;

  • Đối với tổ hợp tác thì lấy theo địa chỉ trong hợp đồng hợp tác;

  • Đối với hộ gia đình, cá nhân thì lấy theo địa chỉ nơi cư trú của hộ gia đình, cá nhân đó;

  • Số điện thoại, địa chỉ thư điện tử (nếu có);

- Họ tên, chức danh của người giao kết HĐLĐ bên phía NSDLĐ: ghi theo họ tên, chức danh của người có thẩm quyền giao kết HĐLĐ theo quy định tại khoản 3 Điều 18 của BLLĐ, cụ thể:

  • Người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp hoặc người được ủy quyền theo quy định của pháp luật;

  • Người đứng đầu cơ quan, tổ chức có tư cách pháp nhân theo quy định của pháp luật hoặc người được ủy quyền theo quy định của pháp luật;

  • Người đại diện của hộ gia đình, tổ hợp tác, tổ chức khác không có tư cách pháp nhân hoặc người được ủy quyền theo quy định của pháp luật;

  • Cá nhân trực tiếp sử dụng lao động.

2. Thông tin về họ tên, ngày tháng năm sinh, giới tính, nơi cư trú, số thẻ CCCD hoặc CMND hoặc hộ chiếu của người giao kết HĐLĐ bên phía NLĐ và một số thông tin khác, gồm:

- Họ tên, ngày tháng năm sinh, giới tính, địa chỉ nơi cư trú, số điện thoại, địa chỉ thư điện tử (nếu có), số thẻ CCCD hoặc CMND hoặc hộ chiếu do cơ quan có thẩm quyền cấp của người giao kết HĐLĐ bên phía NLĐ là người thuộc một trong các trường hợp sau đây:

  • Người lao động từ đủ 18 tuổi trở lên;

  • Người lao động từ đủ 15 tuổi đến chưa đủ 18 tuổi khi có sự đồng ý bằng văn bản của người đại diện theo pháp luật của người đó;

  • Người chưa đủ 15 tuổi và người đại diện theo pháp luật của người đó;

  • Người lao động được những người lao động trong nhóm ủy quyền hợp pháp giao kết hợp đồng lao động.

- Số giấy phép lao động hoặc văn bản xác nhận không thuộc diện cấp giấy phép lao động do cơ quan có thẩm quyền cấp đối với NLĐ là người nước ngoài;

- Họ tên, địa chỉ nơi cư trú, số thẻ CCCD hoặc CMND hoặc hộ chiếu, số điện thoại, địa chỉ thư điện tử (nếu có) của người đại diện theo pháp luật của người chưa đủ 15 tuổi.

3. Công việc và địa điểm làm việc được quy định như sau:

  • Công việc: những công việc mà NLĐ phải thực hiện;

  • Địa điểm làm việc của NLĐ: địa điểm, phạm vi NLĐ làm công việc theo thỏa thuận; trường hợp NLĐ làm việc có tính chất thường xuyên ở nhiều địa điểm khác nhau thì ghi đầy đủ các địa điểm đó.

4. Thời hạn của HĐLĐ:

  • Thời gian thực hiện HĐLĐ (số tháng hoặc số ngày)

  • Thời điểm bắt đầu và thời điểm kết thúc thực hiện HĐLĐ (đối với HĐLĐ xác định thời hạn);

  • Thời điểm bắt đầu thực hiện HĐLĐ (đối với HĐLĐ không xác định thời hạn).

5. Mức lương theo công việc hoặc chức danh, hình thức trả lương, kỳ hạn trả lương, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác được quy định như sau:

- Mức lương theo công việc hoặc chức danh: ghi mức lương tính theo thời gian của công việc hoặc chức danh theo thang lương, bảng lương do NSDLĐ xây dựng; đối với NLĐ hưởng lương theo sản phẩm hoặc lương khoán thì ghi mức lương tính theo thời gian để xác định đơn giá sản phẩm hoặc lương khoán;

- Phụ cấp lương theo thỏa thuận của hai bên như sau:

  • Các khoản phụ cấp lương để bù đắp yếu tố về điều kiện lao động, tính chất phức tạp công việc, điều kiện sinh hoạt, mức độ thu hút lao động mà mức lương thỏa thuận trong HĐLĐ chưa được tính đến hoặc tính chưa đầy đủ;

  • Các khoản phụ cấp lương gắn với quá trình làm việc và kết quả thực hiện công việc của NLĐ.

- Các khoản bổ sung khác theo thỏa thuận của hai bên như sau:

  • Các khoản bổ sung xác định được mức tiền cụ thể cùng với mức lương thỏa thuận trong HĐLĐ và trả thường xuyên trong mỗi kỳ trả lương;

  • Các khoản bổ sung không xác định được mức tiền cụ thể cùng với mức lương thỏa thuận trong HĐLĐ, trả thường xuyên hoặc không thường xuyên trong mỗi kỳ trả lương gắn với quá trình làm việc, kết quả thực hiện công việc của NLĐ.

Lưu ý: Đối với các chế độ và phúc lợi khác như thưởng, tiền thưởng sáng kiến; tiền ăn giữa ca; các khoản hỗ trợ xăng xe, điện thoại, đi lại, tiền nhà ở, tiền giữ trẻ, nuôi con nhỏ; hỗ trợ khi NLĐ có thân nhân bị chết, NLĐ có người thân kết hôn, sinh nhật của NLĐ, trợ cấp cho NLĐ gặp hoàn cảnh khó khăn khi bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp và các khoản hỗ trợ, trợ cấp khác thì ghi thành mục riêng trong HĐLĐ.

- Hình thức trả lương do hai bên xác định, căn cứ vào tính chất công việc và điều kiện sản xuất, kinh doanh, NSDLĐ và NLĐ thỏa thuận trong hợp đồng lao động hình thức trả lương theo thời gian, theo sản phẩm và trả lương khoản như sau:

+ Tiền lương theo thời gian được trả cho NLĐ hưởng lương theo thời gian, căn cứ vào thời gian làm việc theo tháng, tuần, ngày, giờ theo thỏa thuận trong HĐLĐ, cụ thể:

  • Tiền lương tháng được trả cho một tháng làm việc;

  • Tiền lương tuần được trả cho một tuần làm việc;

  • Tiền lương ngày được trả cho một ngày làm việc;

  • Tiền lương giờ được trả cho một giờ làm việc.

+ Tiền lương theo sản phẩm được trả cho NLĐ hưởng lương theo sản phẩm, căn cứ vào mức độ hoàn thành số lượng, chất lượng sản phẩm theo định mức lao động và đơn giá sản phẩm được giao.

+ Tiền lương khoán được trả cho NLĐ hưởng lương khoán, căn cứ vào khối lượng, chất lượng công việc và thời gian phải hoàn thành.

Lưu ý: Tiền lương của NLĐ được trả bằng tiền mặt hoặc trả qua tài khoản cá nhân của NLĐ được mở tại ngân hàng. NSDLĐ phải trả các loại phí liên quan đến việc mở tài khoản và chuyển tiền lương khi chọn trả lương qua tài khoản cá nhân của NLĐ.

- Kỳ hạn trả lương do hai bên xác định, cụ thể như sau:

  • NLĐ hưởng lương theo giờ, ngày, tuần thì được trả lương sau giờ, ngày, tuần làm việc hoặc được trả gộp do hai bên thỏa thuận nhưng không quá 15 ngày phải được trả gộp một lần.

  • NLĐ hưởng lương theo tháng được trả một tháng một lần hoặc nửa tháng một lần. Thời điểm trả lương do hai bên thỏa thuận và phải được ấn định vào một thời điểm có tính chu kỳ.

  • NLĐ hưởng lương theo sản phẩm, theo khoán được trả lương theo thỏa thuận của hai bên; nếu công việc phải làm trong nhiều tháng thì hằng tháng được tạm ứng tiền lương theo khối lượng công việc đã làm trong tháng.

6. Chế độ nâng bậc, nâng lương: Theo thỏa thuận của hai bên về điều kiện, thời gian, mức lương sau khi nâng bậc, nâng lương hoặc thực hiện theo thỏa ước lao động tập thể, quy định của NSDLĐ.

7. Thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi: Theo thỏa thuận của hai bên hoặc thỏa thuận thực hiện theo nội quy lao động, quy định của NSDLĐ, thỏa ước lao động tập thể và quy định của pháp luật.

8. Trang bị bảo hộ lao động cho NLĐ: Những loại phương tiện bảo vệ cá nhân trong lao động theo thỏa thuận của hai bên hoặc theo thỏa ước lao động tập thể hoặc theo quy định của NSDLĐ và quy định của pháp luật về an toàn, vệ sinh lao động.

9. Bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế và bảo hiểm thất nghiệp: theo quy định của pháp luật về lao động, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế và bảo hiểm thất nghiệp.

10. Đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ, kỹ năng nghề: quyền, nghĩa vụ và lợi ích của NSDLĐ và NLĐ trong việc bảo đảm thời gian, kinh phí đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ, kỹ năng nghề.

Lê Vy

>> XEM BẢN TIẾNG ANH CỦA BÀI VIẾT NÀY TẠI ĐÂY

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của LawNet. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email: info@lawnet.vn
2429 lượt xem
Liên quan Văn bản
  • Địa chỉ: 19 Nguyễn Gia Thiều, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP Hồ Chí Minh
    Điện thoại: (028) 7302 2286
    E-mail: info@lawnet.vn
Đơn vị chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT.
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3935 2079
P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;