Các biện pháp thay thế xử lý vi phạm hành chính đối với người chưa thành niên

Cho hỏi hiện nay có những biện pháp nào thay thế cho việc xử lý vi phạm hành chính đối với người chưa thành niên? - Thùy Trang (Bình Phước)

Các biện pháp thay thế xử lý vi phạm hành chính đối với người chưa thành niên

Các biện pháp thay thế xử lý vi phạm hành chính đối với người chưa thành niên (Hình từ Internet)

1. Các biện pháp thay thế xử lý vi phạm hành chính

Các biện pháp thay thế xử lý vi phạm hành chính đối với người chưa thành niên theo quy định tại Điều 138 Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012 (sửa đổi 2020) bao gồm:

(1) Nhắc nhở;

(2) Quản lý tại gia đình;

(3) Giáo dục dựa vào cộng đồng.

2. Biện pháp thay thế xử lý vi phạm hành chính nhắc nhở

Điều 139 Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012 (sửa đổi 2020) quy định về biện pháp thay thế xử lý vi phạm hành chính nhắc nhở như sau:

- Nhắc nhở là biện pháp thay thế xử lý vi phạm hành chính để chỉ ra những vi phạm do người chưa thành niên thực hiện, được thực hiện đối với người chưa thành niên vi phạm hành chính mà theo quy định của pháp luật phải bị xử phạt vi phạm hành chính.

- Biện pháp nhắc nhở được áp dụng khi có đủ các điều kiện sau:

+ Vi phạm hành chính theo quy định bị phạt cảnh cáo;

+ Người chưa thành niên vi phạm đã tự nguyện khai báo, thành thật hối lỗi về hành vi vi phạm của mình.

- Căn cứ quy định nêu trên, người có thẩm quyền xử phạt quyết định áp dụng biện pháp nhắc nhở.

- Nhắc nhở được thực hiện bằng lời nói, ngay tại chỗ.

3. Biện pháp quản lý tại gia đình

Căn cứ Điều 140 Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012 (sửa đổi 2020), quản lý tại gia đình là biện pháp thay thế xử lý vi phạm hành chính áp dụng đối với người chưa thành niên thuộc đối tượng quy định tại khoản 3, khoản 4 và người từ đủ 14 tuổi đến dưới 18 tuổi sử dụng trái phép chất ma túy quy định tại khoản 5 Điều 90 Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012 (sửa đổi 2020) như sau:

+ Người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi đã 02 lần bị xử phạt vi phạm hành chính và bị lập biên bản vi phạm hành chính tại lần vi phạm thứ ba trong thời hạn 06 tháng về một trong các hành vi gây rối trật tự công cộng, trộm cắp tài sản, đánh bạc, lừa đảo, đua xe trái phép.

+ Người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi đã 02 lần bị xử phạt vi phạm hành chính và bị lập biên bản vi phạm hành chính tại lần vi phạm thứ ba trong thời hạn 06 tháng về một trong các hành vi xúc phạm nhân phẩm, danh dự của người khác, gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác, chiếm giữ trái phép tải sản, hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản của người khác, gây rối trật tự công cộng, trộm cắp tài sản, đánh bạc, lừa đảo, đua xe trái phép nhưng không phải là tội phạm.

+ Người từ đủ 14 tuổi đến dưới 18 tuổi đã 02 lần bị xử phạt vi phạm hành chính và bị lập biên bản vi phạm hành chính tại lần vi phạm thứ ba trong thời hạn 06 tháng về hành vi sử dụng trái phép chất ma túy.

- Biện pháp quản lý tại gia đình khi có đủ các điều kiện sau:

+ Đã tự nguyện khai báo, thành thật hối lỗi về hành vi vi phạm của mình;

+ Có môi trường sống thuận lợi cho việc thực hiện biện pháp này;

+ Cha mẹ hoặc người giám hộ có đủ điều kiện thực hiện việc quản lý và tự nguyện nhận trách nhiệm quản lý tại gia đình.

- Căn cứ quy định nêu trên, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã quyết định áp dụng biện pháp quản lý tại gia đình.

- Thời hạn áp dụng biện pháp quản lý tại gia đình từ 03 tháng đến 06 tháng.

- Trong thời hạn 03 ngày, kể từ ngày quyết định áp dụng biện pháp quản lý tại gia đình có hiệu lực, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã nơi đã ra quyết định phải gửi quyết định cho gia đình và phân công tổ chức, cá nhân nơi người đó cư trú để phối hợp, giám sát thực hiện.

Người chưa thành niên đang quản lý tại gia đình được đi học hoặc tham gia các chương trình học tập hoặc dạy nghề khác; tham gia các chương trình tham vấn, phát triển kỹ năng sống tại cộng đồng.

- Trong thời gian quản lý tại gia đình, nếu người chưa thành niên tiếp tục vi phạm pháp luật thì Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã quyết định chấm dứt việc áp dụng biện pháp này và xử lý theo quy định của pháp luật.

4. Biện pháp giáo dục dựa vào cộng đồng

- Giáo dục dựa vào cộng đồng là biện pháp thay thế xử lý vi phạm hành chính áp dụng đối với người từ đủ 12 tuổi đến dưới 14 tuổi thực hiện hành vi có dấu hiệu của một tội phạm đặc biệt nghiêm trọng quy định tại Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi 2017) có nơi cư trú ổn định, đang theo học tại cơ sở giáo dục và cha mẹ, người giám hộ cam kết bằng văn bản về việc quản lý, giáo dục.

- Căn cứ quy định nêu trên, Tòa án nhân dân quyết định áp dụng biện pháp giáo dục dựa vào cộng đồng.

- Thời hạn áp dụng biện pháp giáo dục dựa vào cộng đồng từ 06 tháng đến 24 tháng.

- Trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày quyết định áp dụng biện pháp giáo dục dựa vào cộng đồng có hiệu lực, Tòa án nhân dân nơi đã ra quyết định phải gửi quyết định cho cha mẹ hoặc người giám hộ của người chưa thành niên và Ủy ban nhân dân cấp xã nơi người đó cư trú hoặc cơ sở trợ giúp trẻ em, cơ sở bảo trợ xã hội để phối hợp, giám sát thực hiện.

Người chưa thành niên bị áp dụng biện pháp giáo dục dựa vào cộng đồng được đi học hoặc tham gia các chương trình học tập hoặc dạy nghề khác; tham gia các chương trình tham vấn, phát triển kỹ năng sống tại cộng đồng.

(Điều 140a Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012 (sửa đổi 2020)

Văn Trọng

>> XEM BẢN TIẾNG ANH CỦA BÀI VIẾT NÀY TẠI ĐÂY

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của LawNet. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email: info@lawnet.vn
3819 lượt xem
Liên quan Văn bản
  • Địa chỉ: 19 Nguyễn Gia Thiều, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP Hồ Chí Minh
    Điện thoại: (028) 7302 2286
    E-mail: info@lawnet.vn
Đơn vị chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT.
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3935 2079
P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;