Nội dung thực hiện kiểm tra, đánh giá trong kiểm định xe cơ giới

Xin hỏi việc kiểm định xe cơ giới được thực hiện tại địa điểm nào? Và nội dung thực hiện kiểm định được quy định thế nào? - Minh Ánh (Long An)

Nội dung thực hiện kiểm tra, đánh giá trong kiểm định xe cơ giới

Nội dung thực hiện kiểm tra, đánh giá trong kiểm định xe cơ giới (Hình từ Internet)

1. Kiểm định xe cơ giới là gì?

Theo khoản 1 Điều 3 Thông tư 16/2021/TT-BGTVT, kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường xe cơ giới (gọi tắt là kiểm định) là việc kiểm tra, đánh giá lần đầu và định kỳ tình trạng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường của xe cơ giới theo các tiêu chuẩn, quy chuẩn, quy định.

2. Địa điểm thực hiện kiểm định xe cơ giới

- Việc lập Hồ sơ phương tiện, kiểm định (kể cả khi bổ sung, sửa đổi Hồ sơ phương tiện) đối với xe cơ giới được thực hiện tại bất kỳ đơn vị đăng kiểm nào trên cả nước.

- Xe cơ giới phải được kiểm định trên dây chuyền kiểm định. 

Trường hợp xe cơ giới quá khổ, quá tải không vào được dây chuyền kiểm định thì được kiểm tra sự làm việc và hiệu quả phanh trên đường thử ngoài dây chuyền. 

* Lưu ý: Đối với xe cơ giới hoạt động tại các vùng đảo không có đường bộ để di chuyển đến đơn vị đăng kiểm; xe cơ giới hoạt động tại các khu vực bảo đảm về an toàn, an ninh, quốc phòng không đủ điều kiện đưa xe tới đơn vị đăng kiểm; xe cơ giới đang thực hiện các nhiệm vụ cấp bách (phòng chống thiên tai, dịch bệnh) thì được kiểm định ngoài đơn vị đăng kiểm theo quy định tại khoản 3 Điều 8 Thông tư 16/2021/TT-BGTVT.

(Điều 5 Thông tư 16/2021/TT-BGTVT)

3. Nội dung thực hiện kiểm tra, đánh giá trong kiểm định xe cơ giới

Theo khoản 1 Điều 7 Thông tư 16/2021/TT-BGTVT, nội dung kiểm tra, phương pháp kiểm tra và khiếm khuyết, hư hỏng của xe cơ giới khi kiểm định được quy định tại Bảng 1 Phụ lục II ban hành kèm theo Thông tư 16/2021/TT-BGTVT.

* Các mức độ khiếm khuyết, hư hỏng của xe cơ giới trong kiểm định xe cơ giới

Các khiếm khuyết, hư hỏng của xe cơ giới trong kiểm định được phân thành 3 mức theo khoản 2 Điều 7 Thông tư 16/2021/TT-BGTVT như sau:

- Khiếm khuyết, hư hỏng không quan trọng (MINOR DEFECTS - MiD) là hư hỏng không gây mất an toàn kỹ thuật, ô nhiễm môi trường khi xe cơ giới tham gia giao thông. 

Xe cơ giới vẫn được cấp Giấy chứng nhận kiểm định;

- Khiếm khuyết, hư hỏng quan trọng (MAJOR DEFECTS - MaD) là hư hỏng có thể gây mất an toàn kỹ thuật, ô nhiễm môi trường khi xe cơ giới tham gia giao thông. 

Xe cơ giới không được cấp Giấy chứng nhận kiểm định, phải sửa chữa các hư hỏng để kiểm định lại;

- Khiếm khuyết, hư hỏng nguy hiểm (DANGEROUS DEFECTS - DD) là hư hỏng gây nguy hiểm trực tiếp và tức thời khi xe cơ giới tham gia giao thông. 

Xe cơ giới không được cấp Giấy chứng nhận kiểm định, không được tham gia giao thông và phải sửa chữa các hư hỏng để kiểm định lại.

Lưu ý: 

- Xe cơ giới đồng thời có những hư hỏng ở các mức khác nhau sẽ bị đánh giá ở mức hư hỏng cao nhất trong các hư hỏng.

- Xe cơ giới có nhiều hư hỏng cùng một mức sẽ bị đánh giá vào mức hư hỏng cao hơn kế tiếp nếu như sự kết hợp các hư hỏng gây nguy hiểm hơn cho xe cơ giới.

- Xe cơ giới kiểm định lại ngay trong ngày tại cùng một đơn vị đăng kiểm. đơn vị đăng kiểm chỉ cần kiểm định lại các hạng mục khiếm khuyết, hư hỏng. 

Riêng đối với các hạng mục liên quan đến hệ thống phanh, hệ thống lái nếu có hạng mục không đạt, phải kiểm tra lại toàn bộ hệ thống phanh, hệ thống lái. 

Trường hợp kiểm định lại vào ngày khác hoặc tại đơn vị khác thì phải kiểm định lại tất cả các hạng mục;

(Khoản 3, 4, 5 Điều 7 Thông tư 16/2021/TT-BGTVT)

* Các công đoạn trong kiểm định xe cơ giới

Theo khoản 6 Điều 7 Thông tư 16/2021/TT-BGTVT, việc kiểm tra, đánh giá tình trạng ATKT và BVMT của xe cơ giới phải do các đăng kiểm viên thực hiện; mỗi xe cơ giới có thể phân công một hoặc nhiều đăng kiểm viên. 

Việc kiểm tra, đánh giá tình trạng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường của xe cơ giới được chia làm 05 công đoạn, nội dung kiểm tra của mỗi công đoạn được quy định tại Bảng 2 Phụ lục II ban hành kèm theo Thông tư 16/2021/TT-BGTVT, 05 công đoạn bao gồm:

- Công đoạn 1: kiểm tra nhận dạng, tổng quát;

- Công đoạn 2: kiểm tra phần trên của phương tiện;

- Công đoạn 3: kiểm tra hiệu quả phanh và trượt ngang;

- Công đoạn 4: kiểm tra môi trường;

- Công đoạn 5: kiểm tra phần dưới của phương tiện.

* Về chụp ảnh xe cơ giới tại đơn vị đăng kiểm

Xe cơ giới vào kiểm định phải được chụp ảnh tại đơn vị đăng kiểm, cụ thể như sau.

- Chụp ảnh tổng thể xe và ảnh biển số đăng ký của xe cơ giới để in trên Phiếu kiểm định: Ảnh chụp thể hiện được tổng thể xe và biển số xe, phần ảnh xe cơ giới chiếm khoảng 75% diện tích của ảnh.

- Chụp ảnh xe cơ giới để in trên Giấy chứng nhận kiểm định: Ảnh chụp ở góc chéo khoảng 45 độ từ phía sau bên phải theo chiều tiến của xe, thể hiện được tổng thể xe và biển số xe, phần ảnh xe cơ giới chiếm khoảng 75% diện tích của ảnh.

-Chụp ảnh khoang hành lý (hầm hàng); chụp ảnh khoang hành khách từ đầu xe và từ cuối xe đối với ô tô chở người trên 09 chỗ kể cả người lái.

- Ảnh chụp rõ nét (độ phân giải tối thiểu 1280 x 720), thể hiện thời gian chụp đầy đủ về ngày, tháng, năm, giờ và phút chụp ảnh.

(Khoản 7 Điều 7 Thông tư 16/2021/TT-BGTVT)

Văn Trọng

>> XEM BẢN TIẾNG ANH CỦA BÀI VIẾT NÀY TẠI ĐÂY

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của LawNet. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email: info@lawnet.vn
1320 lượt xem
Liên quan Văn bản
  • Địa chỉ: 19 Nguyễn Gia Thiều, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP Hồ Chí Minh
    Điện thoại: (028) 7302 2286
    E-mail: info@lawnet.vn
Đơn vị chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT.
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3935 2079
P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;