Nội dung của kế hoạch lựa chọn nhà thầu

Tôi tìm hiểu về kế hoạch lựa chọn nhà thầu và muốn biết nội dung của kế hoạch lựa chọn nhà thầu gồm những gì? - Thái Tú (Trà Vinh)

Nội dung của kế hoạch lựa chọn nhà thầu

Tôi tìm hiểu về kế hoạch lựa chọn nhà thầu và muốn biết nội dung của kế hoạch lựa chọn nhà thầu gồm những gì? - Thái Tú (Trà Vinh)

1. Nguyên tắc lập kế hoạch lựa chọn nhà thầu

Nguyên tắc lập kế hoạch lựa chọn nhà thầu gồm:

- Kế hoạch lựa chọn nhà thầu được lập cho toàn bộ dự án, dự toán mua sắm. Trường hợp chưa đủ điều kiện lập kế hoạch lựa chọn nhà thầu cho toàn bộ dự án, dự toán mua sắm thì lập kế hoạch lựa chọn nhà thầu cho một hoặc một số gói thầu để thực hiện trước.

- Trong kế hoạch lựa chọn nhà thầu phải ghi rõ số lượng gói thầu và nội dung của từng gói thầu.

- Việc phân chia dự án, dự toán mua sắm thành các gói thầu phải căn cứ theo tính chất kỹ thuật, trình tự thực hiện; bảo đảm tính đồng bộ của dự án, dự toán mua sắm và quy mô gói thầu hợp lý.

(Điều 33 Luật Đấu thầu 2013)

2. Căn cứ lập kế hoạch lựa chọn nhà thầu

2.1. Căn cứ lập kế hoạch lựa chọn nhà thầu đối với dự án

- Quyết định phê duyệt dự án hoặc Giấy chứng nhận đầu tư và các tài liệu có liên quan. Đối với gói thầu cần thực hiện trước khi có quyết định phê duyệt dự án thì căn cứ theo quyết định của người đứng đầu chủ đầu tư hoặc người đứng đầu đơn vị được giao nhiệm vụ chuẩn bị dự án trong trường hợp chưa xác định được chủ đầu tư;

- Nguồn vốn cho dự án;

- Điều ước quốc tế, thỏa thuận quốc tế đối với các dự án sử dụng vốn hỗ trợ phát triển chính thức, vốn vay ưu đãi;

- Các văn bản pháp lý liên quan.

(Khoản 1 Điều 34 Luật Đấu thầu 2013)

2.2. Căn cứ lập kế hoạch lựa chọn nhà thầu đối với gói thầu mua sắm thường xuyên

Căn cứ lập kế hoạch lựa chọn nhà thầu đối với gói thầu mua sắm thường xuyên như sau:

- Tiêu chuẩn, định mức trang thiết bị, phương tiện làm việc của cơ quan, tổ chức, đơn vị và cán bộ, công chức, viên chức;

Trang thiết bị, phương tiện làm việc hiện có cần thay thế, mua bổ sung, mua sắm mới phục vụ cho công việc;

- Quyết định mua sắm được phê duyệt;

- Nguồn vốn, dự toán mua sắm thường xuyên được phê duyệt;

- Đề án mua sắm trang bị cho toàn ngành được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt (nếu có);

- Kết quả thẩm định giá của cơ quan, tổ chức có chức năng cung cấp dịch vụ thẩm định giá hoặc báo giá (nếu có).

Lưu ý: Kế hoạch lựa chọn nhà thầu được lập sau khi có quyết định phê duyệt dự án, dự toán mua sắm hoặc đồng thời với quá trình lập dự án, dự toán mua sắm hoặc trước khi có quyết định phê duyệt dự án đối với gói thầu cần thực hiện trước khi có quyết định phê duyệt dự án.

(Khoản 2, 3 Điều 34 Luật Đấu thầu 2013)

3. Nội dung kế hoạch lựa chọn nhà thầu đối với từng gói thầu

Nội dung kế hoạch lựa chọn nhà thầu đối với từng gói thầu quy định về tên gói thầu như sau:

- Tên gói thầu:

Tên gói thầu thể hiện tính chất, nội dung và phạm vi công việc của gói thầu, phù hợp với nội dung nêu trong dự án, dự toán mua sắm. Trường hợp gói thầu gồm nhiều phần riêng biệt, trong kế hoạch lựa chọn nhà thầu cần nêu tên thể hiện nội dung cơ bản của từng phần.

- Giá gói thầu:

+ Giá gói thầu được xác định trên cơ sở tổng mức đầu tư hoặc dự toán (nếu có) đối với dự án; dự toán mua sắm đối với mua sắm thường xuyên.

Giá gói thầu được tính đúng, tính đủ toàn bộ chi phí để thực hiện gói thầu, kể cả chi phí dự phòng, phí, lệ phí và thuế.

Giá gói thầu được cập nhật trong thời hạn 28 ngày trước ngày mở thầu nếu cần thiết;

+ Đối với gói thầu cung cấp dịch vụ tư vấn lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, báo cáo nghiên cứu khả thi, giá gói thầu được xác định trên cơ sở các thông tin về giá trung bình theo thống kê của các dự án đã thực hiện trong khoảng thời gian xác định; ước tính tổng mức đầu tư theo định mức suất đầu tư; sơ bộ tổng mức đầu tư;

+ Trường hợp gói thầu gồm nhiều phần riêng biệt thì ghi rõ giá ước tính cho từng phần trong giá gói thầu.

- Nguồn vốn:

Đối với mỗi gói thầu phải nêu rõ nguồn vốn hoặc phương thức thu xếp vốn, thời gian cấp vốn để thanh toán cho nhà thầu; trường hợp sử dụng vốn hỗ trợ phát triển chính thức, vốn vay ưu đãi thì phải ghi rõ tên nhà tài trợ và cơ cấu nguồn vốn, bao gồm vốn tài trợ, vốn đối ứng trong nước.

- Hình thức và phương thức lựa chọn nhà thầu:

Đối với mỗi gói thầu phải nêu rõ hình thức và phương thức lựa chọn nhà thầu; lựa chọn nhà thầu trong nước hay quốc tế.

- Thời gian bắt đầu tổ chức lựa chọn nhà thầu:

Thời gian bắt đầu tổ chức lựa chọn nhà thầu được tính từ khi phát hành hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu, được ghi rõ theo tháng hoặc quý trong năm. Trường hợp đấu thầu rộng rãi có áp dụng thủ tục lựa chọn danh sách ngắn, thời gian bắt đầu tổ chức lựa chọn nhà thầu được tính từ khi phát hành hồ sơ mời quan tâm, hồ sơ mời sơ tuyển.

- Loại hợp đồng:

Trong kế hoạch lựa chọn nhà thầu phải xác định rõ loại hợp đồng theo quy định tại Điều 62 Luật Đấu thầu để làm căn cứ lập hồ sơ mời quan tâm, hồ sơ mời sơ tuyển, hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu; ký kết hợp đồng.

- Thời gian thực hiện hợp đồng:

Thời gian thực hiện hợp đồng là số ngày tính từ ngày hợp đồng có hiệu lực đến ngày các bên hoàn thành nghĩa vụ theo quy định trong hợp đồng, trừ thời gian thực hiện nghĩa vụ bảo hành (nếu có).

(Điều 35 Luật Đấu thầu 2013)

4. Trình duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu

Trình duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu quy định về kế hoạch lựa chọn nhà thầu quy định như sau:

- Trách nhiệm trình duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu:

+ Chủ đầu tư đối với dự án, bên mời thầu đối với mua sắm thường xuyên có trách nhiệm trình kế hoạch lựa chọn nhà thầu lên người có thẩm quyền xem xét, phê duyệt;

+ Đối với gói thầu cần thực hiện trước khi có quyết định phê duyệt dự án, trường hợp xác định được chủ đầu tư thì đơn vị thuộc chủ đầu tư có trách nhiệm trình kế hoạch lựa chọn nhà thầu lên người đứng đầu chủ đầu tư để xem xét, phê duyệt. 

Trường hợp chưa xác định được chủ đầu tư thì đơn vị được giao nhiệm vụ chuẩn bị dự án có trách nhiệm trình kế hoạch lựa chọn nhà thầu lên người đứng đầu đơn vị mình để xem xét, phê duyệt.

- Văn bản trình duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu bao gồm những nội dung sau đây:

+ Phần công việc đã thực hiện, bao gồm nội dung công việc liên quan đến chuẩn bị dự án, các gói thầu thực hiện trước với giá trị tương ứng và căn cứ pháp lý để thực hiện;

+ Phần công việc không áp dụng được một trong các hình thức lựa chọn nhà thầu, bao gồm:

Hoạt động của ban quản lý dự án, tổ chức đền bù giải phóng mặt bằng, khởi công, khánh thành, trả lãi vay và các công việc khác không áp dụng được các hình thức lựa chọn nhà thầu;

+ Phần công việc thuộc kế hoạch lựa chọn nhà thầu, bao gồm nội dung công việc và giá trị tương ứng hình thành các gói thầu được thực hiện theo một trong các hình thức lựa chọn nhà thầu quy định tại các điều 20, 21, 22, 23, 24, 25, 26 và 27 Luật Đấu thầu 2013.

Trong phần này phải nêu rõ cơ sở của việc chia dự án, dự toán mua sắm thành các gói thầu.

Đối với từng gói thầu, phải bảo đảm có đủ các nội dung quy định tại Điều 35 Luật Đấu thầu 2013.

Đối với gói thầu không áp dụng hình thức đấu thầu rộng rãi, trong văn bản trình duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu phải nêu rõ lý do áp dụng hình thức lựa chọn khác;

+ Phần công việc chưa đủ điều kiện lập kế hoạch lựa chọn nhà thầu (nếu có), trong đó nêu rõ nội dung và giá trị của phần công việc này;

+ Phần tổng hợp giá trị của các phần công việc quy định tại các điểm a, b, c và d khoản này. Tổng giá trị của phần này không được vượt tổng mức đầu tư của dự án hoặc dự toán mua sắm được phê duyệt.

- Tài liệu kèm theo văn bản trình duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu:

Khi trình duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu phải gửi kèm theo bản chụp các tài liệu làm căn cứ lập kế hoạch lựa chọn nhà thầu theo quy định tại Điều 34 Luật Đấu thầu 2013.

(Điều 36 Luật Đấu thầu 2013)

5. Thẩm định và phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu

Tại Điều 37 Luật Đấu thầu 2013 quy định về thẩm định và phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu như sau:

-Thẩm định kế hoạch lựa chọn nhà thầu:

+ Thẩm định kế hoạch lựa chọn nhà thầu là việc tiến hành kiểm tra, đánh giá các nội dung theo quy định tại các điều 33, 34, 35 và 36 Luật Đấu thầu 2013;

+ Tổ chức được giao thẩm định kế hoạch lựa chọn nhà thầu lập báo cáo thẩm định trình người có thẩm quyền phê duyệt;

+ Tổ chức được giao thẩm định kế hoạch lựa chọn nhà thầu lập báo cáo thẩm định trình người đứng đầu chủ đầu tư hoặc người đứng đầu đơn vị được giao nhiệm vụ chuẩn bị dự án phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu đối với trường hợp gói thầu cần thực hiện trước khi có quyết định phê duyệt dự án.

- Phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu:

+ Căn cứ báo cáo thẩm định, người có thẩm quyền phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu bằng văn bản để làm cơ sở tổ chức lựa chọn nhà thầu sau khi dự án, dự toán mua sắm được phê duyệt hoặc đồng thời với quyết định phê duyệt dự án, dự toán mua sắm trong trường hợp đủ điều kiện;

+ Căn cứ báo cáo thẩm định, người đứng đầu chủ đầu tư hoặc người đứng đầu đơn vị được giao nhiệm vụ chuẩn bị dự án phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu đối với gói thầu cần thực hiện trước khi có quyết định phê duyệt dự án.

Ngọc Nhi

>> XEM BẢN TIẾNG ANH CỦA BÀI VIẾT NÀY TẠI ĐÂY

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của LawNet. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email: info@lawnet.vn
1877 lượt xem
Liên quan Văn bản
  • Địa chỉ: 19 Nguyễn Gia Thiều, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP Hồ Chí Minh
    Điện thoại: (028) 7302 2286
    E-mail: info@lawnet.vn
Đơn vị chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT.
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3935 2079
P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;