Điểm tin văn bản nổi bật tuần vừa qua (từ ngày 25/10 – 30/10/2021)

Điểm tin văn bản nổi bật tuần vừa qua (từ ngày 25/10 – 30/10/2021)
Bảo Ngọc

Trong tuần vừa qua (từ ngày 25/10 – 30/10/2021), Thư Ký Luật đã cập nhật được một số văn bản nổi bật sau đây:

Điểm tin văn bản nổi bật tuần vừa qua (từ ngày 25/10 – 30/10/2021)

1. Nộp 30% tiền phí thẩm định đánh giá trữ lượng khoáng sản vào NSNN

Đây là nội dung đáng chú ý tại Thông tư 91/2021/TT-BTC sửa đổi, bổ sung Thông tư 191/2016/TT-BTC quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí thẩm định đánh giá trữ lượng khoáng sản và lệ phí cấp giấy phép hoạt động khoáng sản và Thông tư 56/2018/TT-BTC về phí thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường.

Cụ thể, tổ chức thu phí được để lại 70% số tiền phí thu được để trang trải chi phí cho hoạt động cung cấp dịch vụ, thu phí và nộp 30% vào NSNN.

(Hiện hành quy định tổ chức thu phí được giữ lại 90% số tiền phí thu được và nộp 10% vào NSNN).

Trường hợp tổ chức thu phí là cơ quan nhà nước không thuộc diện được khoán chi phí hoạt động từ nguồn thu phí theo quy định thì phải nộp 100% tiền phí thu được vào NSNN.

Tiền phí được để lại được quản lý và sử dụng theo quy định tại Điều 5 Nghị định 120/2016/NĐ-CP; trong đó các khoản chi khác liên quan đến thực hiện công việc, dịch vụ và thu phí, bao gồm cả:

Chi phí cho hoạt động kiểm tra thực địa khu vực thăm dò khoáng sản, kiểm tra, đánh giá và tổ chức họp thẩm định, họp Hội đồng thẩm định, đánh giá trữ lượng khoáng sản.

Thông tư 91/2021/TT-BTC có hiệu lực từ ngày 15/12/2021.

2. Đã có Nghị định 92 hướng dẫn miễn giảm thuế cho DN ảnh hưởng COVID-19

Chính phủ đã ban hành Nghị định 92/2021/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành Nghị quyết 406/NQ-UBTVQH15 về một số giải pháp nhằm hỗ trợ doanh nghiệp , người dân chịu tác động của dịch COVID-19.

Theo đó, về giảm thuế TNDN, giảm 30% số thuế TNDN phải nộp của năm 2021 đối với trường hợp người nộp thuế là tổ chức hoạt động sản xuất kinh doanh hàng hóa, dịch vụ có thu nhập chịu thuế, có doanh thu năm 2021 không quá 200 tỉ đồng và doanh thu năm 2021 giảm so với doanh thu năm 2019.

Cụ thể,  số thuế TNDN được giảm của kỳ tính thuế năm 2021 được tính trên toàn bộ thu nhập của doanh nghiệp (bao gồm cả các khoản thu nhập theo khoản 3 Điều 18 Luật Thuế TNDN.

Số thuế TNDN được giảm được tính trên số thuế TNDN phải nộp của kỳ tính thuế năm 2021, sau khi đã trừ đi số thuế TNDN mà doanh nghiệp đang được hưởng ưu đãi theo quy định của Luật Thuế TNDN và các văn bản hướng dẫn thi hành.

Căn cứ doanh thu trong kỳ tính thuế năm 2019 và dự kiến doanh thu năm 2021, doanh nghiệp tự xác định số thuế được giảm khi tạm nộp thuế TNDN hàng quý và kê khai giảm thuế theo mẫu tờ khai ban hành kèm Thông tư 80/2021/TT-BTC và trên Phụ lục thuế TNDN được giảm tại Phụ lục II ban hành kèm Nghị định 92/2021.

Nghị định 92/2021/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 19/10/2021.

3. Cá nhân vận động từ thiện phải mở tài khoản riêng

Đây là nội dung tại Nghị định 93/2021/NĐ-CP về vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng các nguồn đóng góp tự nguyện hỗ trợ khắc phục khó khăn do thiên tai, dịch bệnh, sự cố; hỗ trợ bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo.

Theo đó, quy định rõ cá nhân mở tài khoản riêng tại ngân hàng thương mại theo từng cuộc vận động để tiếp nhận, quản lý toàn bộ tiền đóng góp tự nguyện, bố trí địa điểm phù hợp để tiếp nhận, quản lý, bảo quản hiện vật đóng góp tự nguyện trong thời gian tiếp nhận.

Đồng thời, có biên nhận các khoản đóng góp tự nguyện bằng tiền mặt, hiện vật tiếp nhận được khi tổ chức, cá nhân đóng góp yêu cầu.

Đặc biệt lưu ý, cá nhân không được tiếp nhận thêm các khoản đóng góp tự nguyện sau khi kết thúc thời gian tiếp nhận đã cam kết và có trách nhiệm thông báo đến nơi mở tài khoản về việc dừng tiếp nhận các khoản đóng góp tự nguyện.

Ngoài ra, khi vận động, tiếp nhận, phân phối nguồn đóng góp tự nguyện, cá nhân có trách nhiệm thông báo trên các phương tiện thông tin truyền thông về mục đích, phạm vi, phương thức, hình thức vận động, tài khoản tiếp nhận (đối với tiền), địa điểm tiếp nhận (đối với hiện vật), thời gian cam kết phân phối và gửi bằng văn bản đến UBND cấp xã nơi cư trú theo mẫu ban hành kèm Nghị định này.

Nghị định 93/2021/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 11/12/2021.

4. Giảm 80% mức ký quỹ kinh doanh dịch vụ lữ hành đến hết năm 2023

Đây là nội dung đáng chú ý tại Nghị định 94/2021/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung Điều 14 Nghị định 168/2017/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Du lịch về mức ký quỹ kinh doanh dịch vụ lữ hành.

Theo đó, giảm mức ký quỹ kinh doanh dịch vụ lữ hành đến hết năm 2023 như sau:

- Mức ký quỹ kinh doanh dịch vụ lữ hành nội địa: 20.000.000 đồng (theo Nghị định 168/2017/NĐ-CP là 100.000.000 đồng).

- Mức ký quỹ kinh doanh dịch vụ lữ hành quốc tế:

+ Kinh doanh dịch vụ lữ hành đối với khách du lịch quốc tế đến Việt Nam: 50.000.000 đồng (theo Nghị định 168/2017/NĐ-CP là  250.000.000 đồng).

+  Kinh doanh dịch vụ lữ hành đối với khách du lịch ra nước ngoài: 100.000.000 đồng (theo Nghị định 168/2017/NĐ-CP là 500.000.000 đồng).

+ Kinh doanh dịch vụ lữ hành đối với khách du lịch quốc tế đến Việt Nam và khách du lịch ra nước ngoài: 100.000.000 đồng (theo Nghị định 168/2017/NĐ-CP là 500.000.000 đồng).

Lưu ý: Mức ký quỹ được giảm nêu trên được thực hiện đến ngày 31/12/2023. Từ ngày 01/01/2024, mức ký quỹ kinh doanh dịch vụ lữ hành được thực hiện theo Nghị định 168/2017/NĐ-CP.

Nghị định 94/2021/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 28/10/2021.

Bảo Ngọc

>> XEM BẢN TIẾNG ANH CỦA BÀI VIẾT NÀY TẠI ĐÂY

380 lượt xem

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của LawNet. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email:info@lawnet.vn


Liên quan Văn bản
  • Địa chỉ: 19 Nguyễn Gia Thiều, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP Hồ Chí Minh
    Điện thoại: (028) 7302 2286
    E-mail: info@lawnet.vn
Đơn vị chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT.
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3935 2079
P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;