Chính sách mới nổi bật có hiệu lực từ đầu tháng 02/2022

Chính sách mới nổi bật có hiệu lực từ đầu tháng 02/2022
Bảo Ngọc

Thư Ký Luật trân trọng giới thiệu đến quý khách hàng các chính sách mới nổi bật bắt đầu có hiệu lực từ đầu tháng 02/2022 (từ ngày 01/02 – 10/02/2022) sau đây:

Chính sách mới nổi bật có hiệu lực từ đầu tháng 02/2022

Ảnh minh họa

1. Tăng giờ làm thêm tối đa với lao động thời vụ từ ngày 01/02/2022

Bộ LĐTBXH đã ban hành Thông tư 18/2021/TT-BLĐTBXH quy định về thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi đối với người lao động làm các công việc sản xuất có tính thời vụ, công việc gia công theo đơn đặt hàng, có hiệu lực từ ngày 01/02/2022.

Theo đó, giới hạn giờ làm việc tiêu chuẩn và giờ làm thêm theo tuần, tháng được quy định như sau:

- Tổng số giờ làm việc tiêu chuẩn và số giờ làm thêm trong một tuần không quá 72 giờ.

(Hiện hành, Thông tư 54/2015/TT-BLĐTBXH quy định không quá 64 giờ; riêng đối với người lao động làm các nghề, công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm không quá 48 giờ).

- Tổng số giờ làm thêm trong một tháng không quá 40 giờ.

(Hiện hành quy định không quá 32 giờ; riêng đối với người lao động làm các nghề, công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm không quá 24 giờ).

Người sử dụng lao động quyết định lựa chọn áp dụng quy định về số giờ làm việc theo tuần hoặc theo tháng, ghi vào kế hoạch thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi trong năm quy định tại khoản 2, Điều 8 Thông tư 18/2021.

Như vậy, so với hiện hành, Thông tư 18/2021 điều chỉnh tăng giờ làm thêm đối với lao động làm các công việc sản xuất có tính thời vụ, công việc gia công theo đơn đặt hàng.

2. Hạn ngạch thuế quan nhập khẩu muối, trứng gia cầm năm 2022

Bộ Công thương ban hành Thông tư 24/2021/TT-BCT quy định về nguyên tắc điều hành nhập khẩu theo hạn ngạch thuế quan đối với mặt hàng muối, trứng gia cầm và thuốc lá nguyên liệu năm 2022, có hiệu lực từ ngày 01/02/2022 đến hết 31/12/2022.

Theo đó, số lượng nhập khẩu theo hạn ngạch thuế quan đối với mặt hàng muối, trứng gia cầm và thuốc lá nguyên liệu năm 2022 được quy định như sau:

- Đối với trứng gà (mã số hàng hóa là 0407.21.00 và 0407.90.10); trứng vịt, ngan (mã số hàng hóa là 0407.29.10 và 0407.90.20); loại khác (mã là 0407.29.90 và 0407.90.90): 63.860 tá.

- Đối với muối (mã hàng hóa là 2501): 80.000 tấn (Số lượng tạm phân đợt 1 năm 2022).

- Đối với thuốc lá nguyên liệu (mã hàng hóa là 2401): 65.156 tấn.

Về đối tượng phân giao hạn ngạch thuế quan nhập khẩu:

- Hạn ngạch thuế quan nhập khẩu muối được phân giao cho thương nhân trực tiếp sử dụng làm nguyên liệu sản xuất hóa chất và làm nguyên liệu sản xuất thuốc, sản phẩm y tế.

- Hạn ngạch thuế quan nhập khẩu trứng gia cầm được phân giao cho thương nhân có nhu cầu nhập khẩu.

- Hạn ngạch thuế quan nhập khẩu thuốc lá nguyên liệu được phân giao cho các thương nhân có giấy phép sản xuất thuốc lá do Bộ Công thương cấp và có nhu cầu sử dụng thuốc lá nguyên liệu cho sản xuất thuốc lá điếu.

3. Bãi bỏ một số khoản lệ phí trong lĩnh vực ngoại giao từ 01/02/2022

Bộ Tài chính ban hành Thông tư 113/2021/TT-BTC sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 264/2016/TT-BTC quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí, lệ phí trong lĩnh vực ngoại giao áp dụng tại các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài, có hiệu lực từ ngày 01/02/2022.

Theo đó, bãi bỏ một số khoản lệ phí trong lĩnh vực ngoại giao như sau:

- Bãi bỏ mức thu lệ phí bổ sung, sửa đổi hộ chiếu (hiện hành mức thu là 15 USD/quyển);

- Bãi bỏ mức thu lệ phí cấp giấy thông hành (hiện hành mức thu cấp mới là 20 USD/quyển, cấp lại do để hỏng hoặc mất là 40 USD/quyển).

- Bãi bỏ mức thu lệ phí cấp Giấy xác nhận đăng ký công dân (hiện hành quy định mức thu là 5 USD/bản).

Bên cạnh đó, sửa đổi, bổ sung phí đăng ký kết hôn như sau:

- Đăng ký kết hôn là 70 USD/vụ việc.

- Đăng ký lại kết hôn là 120 USD/vụ việc.

(So với hiện hành, sửa đổi đơn vị tính phí đăng ký kết hôn từ: 70 USD/bản thành 70 USD/vụ việc kết hôn).

4. Yêu cầu chức danh Di sản viên hạng I phải có bằng thạc sĩ

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ban hành Thông tư 16/2021/TT-BVHTTDL quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và xếp lương viên chức chuyên ngành di sản văn hóa.

Theo đó, bổ sung chức danh nghề nghiệp di sản viên hạng I, trong đó tiêu chuẩn về trình độ đào tạo, bồi dưỡng đối với chức danh nghề nghiệp viên chức Di sản viên hạng I bao gồm:

- Có bằng thạc sĩ trở lên phù hợp với lĩnh vực di sản văn hóa;

- Có chứng chỉ bồi dưỡng tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp viên chức chuyên ngành di sản văn hóa.

Đối với viên chức dự thi hoặc xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp di sản viên hạng I phải đáp ứng yêu cầu:

- Có thời gian giữ chức danh nghề nghiệp di sản viên hạng II hoặc tương đương từ đủ 06 năm trở lên.

Trường hợp có thời gian tương đương thì phải có ít nhất 01 năm (đủ 12 tháng) đang giữ chức danh nghề nghiệp di sản viên hạng II tính đến ngày hết thời hạn nộp hồ sơ đăng ký dự thi hoặc xét thăng hạng;

- Trong thời gian giữ chức danh nghề nghiệp di sản viên hạng II hoặc tương đương:

+ Đã chủ trì nghiên cứu, xây dựng ít nhất 02 đề tài, đề án, dự án, chương trình NCKH cấp Bộ, ngành trở lên trong lĩnh vực bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa đã được cấp có thẩm quyền nghiệm thu, phê duyệt; hoặc

+ Đã chủ trì thực hiện ít nhất 02 cuộc sưu tầm, khai quật khảo cổ, trưng bày quy mô quốc gia và quốc tế.

Thông tư 16/2021/TT-BVHTTDL có hiệu lực từ ngày 05/02/2022.

Bảo Ngọc

>> XEM BẢN TIẾNG ANH CỦA BÀI VIẾT NÀY TẠI ĐÂY

378 lượt xem

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của LawNet. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email:info@lawnet.vn


Liên quan Văn bản
  • Địa chỉ: 19 Nguyễn Gia Thiều, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP Hồ Chí Minh
    Điện thoại: (028) 7302 2286
    E-mail: info@lawnet.vn
Đơn vị chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT.
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3935 2079
P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;