Chính sách mới nổi bật có hiệu lực từ cuối tháng 02/2023

Chính sách mới nổi bật có hiệu lực từ cuối tháng 02/2023
Nguyễn Thị Diễm My

Ban hành Hệ thống mẫu biểu hồ sơ kiểm toán của Kiểm toán nhà nước; sửa quy định số lượng thí sinh tham dự kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia;… là những chính sách mới nổi bật có hiệu lực từ cuối tháng 02/2023 (từ ngày 21 – 28/02/2023).

1. Các loại hợp đồng trong cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập

Ngày 30/12/2022, Chính phủ ban hành Nghị định 111/2022/NĐ-CP về hợp đồng đối với một số loại công việc trong cơ quan hành chính và đơn vị sự nghiệp công lập.

Theo đó, các loại hợp đồng trong cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập bao gồm:

- Hợp đồng dịch vụ theo quy định của pháp luật về dân sự và quy định của pháp luật khác có liên quan;

- Hợp đồng lao động theo quy định của pháp luật lao động và quy định tại Nghị định 111/2022/NĐ-CP.

Các loại hợp đồng trên được ký kết hợp đồng bằng văn bản; trường hợp giao kết thông qua phương tiện điện tử dưới hình thức thông điệp dữ liệu theo quy định của pháp luật về giao dịch điện tử thì có giá trị như hợp đồng bằng văn bản.

Nghị định 111/2022/NĐ-CP có hiệu lực từ 22/02/2023 và thay thế Nghị định 68/2000/NĐ-CP, Điều 3 Nghị định 161/2018/NĐ-CP, khoản 2 Điều 7 Nghị định 06/2013/NĐ-CP, Nghị quyết 102/NQ-CP.

2. Sửa quy định số lượng thí sinh tham dự kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia

Đây là nội dung tại Thông tư 02/2023/TT-BGDĐT ngày 06/01/2023 sửa đổi Quy chế thi chọn học sinh giỏi cấp quốc gia kèm theo Thông tư 56/2011/TT-BGDĐT được sửa đổi bởi Thông tư 41/2012/TT-BGDĐTThông tư 37/2013/TT-BGDĐT, có hiệu lực từ ngày 21/02/2023.

Theo đó, số lượng thí sinh tham dự kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia như sau:

- Đội tuyển mỗi môn thi của từng đơn vị dự thi (trừ đơn vị dự thi Hà Nội) có tối đa 06 thí sinh; đội tuyển có đủ số lượng tối đa thí sinh dự thi và có 80% số thí sinh trở lên đoạt giải trong hai (02) kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia liên tiếp được Bộ Giáo dục và Đào tạo xét tăng đến tối đa 10 thí sinh.

- Đội tuyển mỗi môn thi của đơn vị dự thi Hà Nội có tối đa 12 thí sinh; đội tuyển có đủ số lượng tối đa thí sinh dự thi và có 80% số thí sinh trở lên đoạt giải trong hai (02) kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia liên tiếp được Bộ Giáo dục và Đào tạo xét tăng đến tối đa 20 thí sinh.

(Hiện nay, chỉ những thí sinh đoạt giải trong 02 kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia liên tiếp ngay trước năm tổ chức kỳ thi mới là căn cứ để đội tuyển dự thi được xét tăng số lượng thí sinh tối đa)

3. Ban hành Hệ thống mẫu biểu hồ sơ kiểm toán của Kiểm toán nhà nước

Ngày 10/01/2023, Tổng Kiểm toán nhà nước ban hành Quyết định 01/2023/QĐ-KTNN về Hệ thống mẫu biểu hồ sơ kiểm toán.

Trong đó, hệ thống mẫu biểu hồ sơ kiểm toán của Kiểm toán nhà nước bao gồm:

- Lĩnh vực kiểm toán ngân sách nhà nước: 12 mẫu biểu

(So với hiện hành đã bỏ bớt 02 mẫu biểu số 06/BBKT-NSĐP và 07/BBKT-NSĐP)

- Lĩnh vực kiểm toán dự án đầu tư xây dựng: 04 mẫu biểu

- Lĩnh vực kiểm toán chương trình mục tiêu: 03 mẫu biểu

- Lĩnh vực kiểm toán doanh nghiệp: 06 mẫu biểu

- Lĩnh vực kiểm toán các tổ chức tài chính, ngân hàng: 04 mẫu biểu

- Lĩnh vực kiểm toán quốc phòng, an ninh, tài chính đảng: 03 mẫu biểu

- Hồ sơ chung: 30 mẫu biểu

(So với hiện hành đã bổ sung mẫu biểu số 30/CVTB)

Quyết định 01/2023/QĐ-KTNN có hiệu lực từ ngày 24/02/2023 và thay thế Quyết định 01/2020/QĐ-KTNN ngày 26/6/2020.

4. Các hoạt động về bảo đảm chất lượng giáo dục của trung tâm GDNN – GDTX

Đây là nội dung tại Thông tư 01/2023/TT-BGDĐT ngày 06/01/2023 về Quy chế tổ chức và hoạt động của Trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên (GDNN – GNTX), có hiệu lực từ ngày 22/02/2023.

Trung tâm có trách nhiệm thực hiện các hoạt động về bảo đảm chất lượng và kiểm định chất lượng giáo dục theo quy định, thực hiện các hoạt động cụ thể sau:

- Tham mưu cấp ủy đảng, chính quyền địa phương lập kế hoạch xây dựng và phát triển, phấn đấu trong từng giai đoạn để Trung tâm đạt kiểm định chất lượng giáo dục.

- Tổ chức tự đánh giá, đăng ký đánh giá ngoài; đề nghị cấp có thẩm quyền công nhận Trung tâm đạt kiểm định chất lượng giáo dục khi xét thấy bảo đảm các tiêu chuẩn đánh giá Trung tâm theo quy định.

- Căn cứ kết quả đánh giá ngoài, bổ sung, hoàn thiện báo cáo tự đánh giá; thực hiện kế hoạch nâng cao chất lượng trong báo cáo tự đánh giá, các khuyến nghị của đoàn đánh giá ngoài và chỉ đạo của cơ quan quản lý.

Hằng năm, báo cáo kết quả thực hiện nâng cao chất lượng với cơ quan quản lý giáo dục trực tiếp để được hướng dẫn, chỉ đạo, kiểm tra và giám sát.

- Chuẩn bị đầy đủ hồ sơ, dữ liệu liên quan đến các hoạt động của Trung tâm, các điều kiện cần thiết để phục vụ công tác đánh giá ngoài; phản hồi ý kiến về dự thảo báo cáo đánh giá ngoài đúng thời hạn.

- Duy trì, phát huy kết quả kiểm định chất lượng giáo dục để không ngừng nâng cao chất lượng.

>> XEM BẢN TIẾNG ANH CỦA BÀI VIẾT NÀY TẠI ĐÂY

903 lượt xem

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của LawNet. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email:info@lawnet.vn


Liên quan Văn bản
  • Địa chỉ: 19 Nguyễn Gia Thiều, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP Hồ Chí Minh
    Điện thoại: (028) 7302 2286
    E-mail: info@lawnet.vn
Đơn vị chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT.
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3935 2079
P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;