Công chức tập sự được hưởng những khoản phụ cấp nào kèm theo lương?

Điều 22 Nghị định 138/2020/NĐ-CP quy định bên cạnh lương thì công chức trong thời gian tập sự còn hưởng các khoản phụ cấp theo quy định của pháp luật. Theo đó, hiện nay, công chức được hưởng một số loại phụ cấp như phụ cấp độc hại, công vụ, khu vực, trách nhiệm công việc, lưu động, thâm niên vượt khung, thâm niên, chức vụ lãnh đạo…

Công chức tập sự được hưởng những khoản phụ cấp nào kèm theo lương?

Công chức tập sự được hưởng những khoản phụ cấp nào kèm theo lương? (Ảnh minh họa)

Dưới đây là một số loại phụ cấp công chức tập sự vẫn được hưởng gồm:

1. Phụ cấp độc hại

Theo khoản 1 Điều I Thông tư 07/2005/TT-BNV, công chức trong thời gian tập sự cũng thuộc đối tượng được hưởng phụ cấp độc hại, nguy hiểm nếu làm việc trực tiếp ở nơi độc hại, nguy hiểm mà yếu tố này cao hơn mức bình thường chưa được tính vào hệ số lương.

Mức phụ cấp độc hại gồm bốn hệ số 0,1; 0,2; 0,3 và 0,4 so với mức lương tối thiểu chung tại thời điểm tính hưởng phụ cấp và tùy vào từng vị trí việc làm với các yếu tố độc hại, nguy hiểm tương ứng. Hiện nay, mức phụ cấp độc hại, nguy hiểm đang dao động từ 149.000 - 596.000 đồng/tháng (mức lương cơ sở hiện nay là 1.490.000 đồng).

2. Phụ cấp khu vực

Tại Thông tư liên tịch 11/2005/TTLT-BNV-BLĐTBXH-BTC-UBDT, công chức được hưởng phụ cấp khu vực với 07 mức hệ số gồm 0,1; 0,2; 0,3; 0,4; 0,5; 0,7 và 1,0 so với mức lương tối thiểu chung, nếu làm việc ở nơi có điều kiện khí hậu xấu, khắc nghiệt hoặc khu vực xa xôi, hẻo lánh, đi lại khó khăn.... Quy định này áp dụng với cả công chức dự bị hoặc công chức đang trong thời gian tập sự, thử việc.

Cụ thể, mức phụ cấp này sẽ dao động từ 149.000 đồng/tháng - 1,49 triệu đồng/tháng tùy vào điều kiện cụ thể của từng khu vực.

3. Phụ cấp trách nhiệm công việc

Tương tự như hai loại phụ cấp nêu trên, phụ cấp trách nhiệm công việc cũng áp dụng với công chức dự bị, công chức đang trong thời gian tập sự và được quy định tại Thông tư 05/2005/TT-BNV.

Theo đó, mức phụ cấp trách nhiệm công việc của người làm công việc đòi hỏi trách nhiệm cao thì có hệ số phụ cấp này gồm 0,5; 0,3; 0,2 và 0,1 so với mức lương cơ sở nên sẽ dao động từ 149.000 - 745.000 đồng/tháng.

Riêng đối với người làm công tác bảo vệ cơ mật mật mã thì hệ số chỉ gồm 03 mức là 0,1; 0,2 và 0,3 so với mức lương cơ sở nên mức phụ cấp tương ứng gồm 149.000 đồng/tháng, 298.000 đồng/tháng và 447.000 đồng/tháng theo quy định của Thông tư 07/2017/TT-BNV.

4. Phụ cấp lưu động

Ngoài ba loại phụ cấp nêu trên, công chức tập sự còn được hưởng phụ cấp lưu động với mức hưởng lần lượt là 298.000 đồng/tháng, 596.000 đồng/tháng và 894.000 đồng/tháng tương ứng với hệ số 0,2; 0,4 và 0,6 so với mức lương cơ sở theo quy định của Thông tư 06/2005/TT-BNV nếu do tính chất, đặc điểm của nghề hoặc công việc phải thường xuyên thay đổi địa điểm làm việc và nơi ở, điều kiện sinh hoạt không ổn định.

5. Phụ cấp vùng kinh tế, xã hội đặc biệt khó khăn

Khi công chức dù là tập sự đến công tác tại vùng có điều kiện kinh tế, xã hội đặc biệt khó khăn như huyện đảo Trường Sa, Hoàng Sa, DK1, xã khu vực III thuộc vùng dân tộc thiểu số, miền núi, xã đảo đặc biệt khó khăn… đều được hưởng phụ cấp khó khăn theo quy định tại Nghị định 76/2019/NĐ-CP.

Trong đó, các loại phụ cấp được hưởng gồm: Phụ cấp thu hút; phụ cấp công tác lâu năm; phụ cấp ưu đãi theo nghề và phụ cấp lưu động…

- Phụ cấp thu hút = 70% (mức lương hiện hưởng + phụ cấp chức vụ lãnh đạo + phụ cấp thâm niên, nếu có).

- Phụ cấp lâu năm tính theo mức lương cơ sở và thời gian thực tế làm việc tại đây, cụ thể:

+ Mức 0,5 nếu có thời gian làm việc thực tế từ đủ 05 năm - dưới 10 năm.

+ Mức 0,7 nếu có thời gian làm việc thực tế từ đủ 10 năm - dưới 15 năm.

+ Mức 1,0 nếu có thời gian làm việc thực tế từ đủ 15 năm trở lên

- Trợ cấp lần đầu được chi trả ngay khi nhận công tác và chỉ thực hiện 01 lần trong tổng thời gian thực tế làm việc ở vùng đặc biệt khó khăn. Mức hưởng trợ cấp bằng 10 tháng lương cơ sở.

Như vậy, mặc dù chỉ đang tập sự nhưng công chức vẫn có thể được hưởng nguyên lương (nếu đáp ứng điều kiện) hoặc 85% mức lương bậc 1, bậc 2 (nếu là thạc sĩ) hoặc bậc 3 (nếu là tiến sĩ) và các khoản phụ cấp nêu trên.

>> Xem thêm Mức lương của công chức tập sự hiện nay là bao nhiêu?

 Bảo Ngọc

>> XEM BẢN TIẾNG ANH CỦA BÀI VIẾT NÀY TẠI ĐÂY

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của LawNet. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email: info@lawnet.vn
2589 lượt xem
  • Địa chỉ: 19 Nguyễn Gia Thiều, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP Hồ Chí Minh
    Điện thoại: (028) 7302 2286
    E-mail: info@lawnet.vn
Đơn vị chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT.
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3935 2079
P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;