Tàu nước ngoài không neo đậu tại cảng mà vào trong nhà xưởng sửa chữa có cần giấy phép gì không?
Tàu nước ngoài không neo đậu tại cảng mà vào trong nhà xưởng sửa chữa có cần giấy phép gì không? Người nước ngoài xuống tàu thuyền Việt Nam neo đậu tại cảng để thăm quan du lịch có được cấp Giấy phép xuống tàu không? Người nước ngoài đến làm việc, hoạt động tại cửa khẩu cảng cần đáp ứng những điều kiện nào?
Chào anh chị Luật sư. Tôi là người Việt làm việc tại cảng Cát Lát - Quận 2. Dạo gần đây tôi thấy có nhiều tàu thuyền mang quốc tịch nước ngoài tiến vào cảng và vào nhà xưởng sửa chữa thì không biết các tàu này có cần xuất trình hay có giấy phép nào không?
Mong anh chị tư vấn. Tôi cảm ơn.
1. Tàu nước ngoài không neo đậu tại cảng mà vào trong nhà xưởng sửa chữa có cần giấy phép gì không?
Tại Điều 18 Nghị định 77/2017/NĐ-CP quy định đối tượng kiểm tra, giám sát biên phòng, theo đó:
1. Tàu thuyền Việt Nam xuất cảnh, nhập cảnh; tàu thuyền nước ngoài nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, chuyển cảng; tàu thuyền Việt Nam hoạt động tuyến nội địa trong phạm vi cửa khẩu cảng; các phương tiện khác của Việt Nam và nước ngoài ra, vào, hoạt động tại cửa khẩu cảng.
2. Tàu thuyền nước ngoài vào neo đậu, sửa chữa tại các cơ sở đóng mới, cải hoán hoặc sửa chữa tàu biển ngoài phạm vi cửa khẩu cảng.
3. Người Việt Nam và người nước ngoài ra, vào, hoạt động tại cửa khẩu cảng.
4. Các loại giấy tờ của người, phương tiện ra, vào, hoạt động tại cửa khẩu cảng, gồm:
a) Bản khai điện tử, bản khai giấy do người làm thủ tục khai báo, nộp khi làm thủ tục biên phòng, đăng ký đến, rời cửa khẩu cảng cho tàu biển Việt Nam hoạt động tuyến nội địa và phương tiện thủy nội địa;
b) Hộ chiếu hoặc giấy tờ có giá trị đi lại quốc tế của người nước ngoài; hộ chiếu hoặc giấy tờ có giá trị thay hộ chiếu, Giấy chứng minh nhân dân, thẻ Căn cước công dân của người Việt Nam;
c) Chứng chỉ, thẻ hành nghề tương ứng với mục đích hoạt động của người Việt Nam và người nước ngoài tại cửa khẩu cảng;
d) Giấy phép do cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp cho tàu thuyền và các phương tiện khác vào, hoạt động tại cửa khẩu cảng thuộc lĩnh vực phải được cấp phép theo quy định của pháp luật.
Theo đó, với quy định này thì tàu nước ngoài không neo đậu tại cảng mà vào trong nhà xưởng sửa chữa thì phải có Giấy phép do cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp cho tàu thuyền và các phương tiện khác vào, hoạt động tại cửa khẩu cảng thuộc lĩnh vực phải được cấp phép theo quy định.
2. Người nước ngoài xuống tàu thuyền Việt Nam neo đậu tại cảng để thăm quan du lịch có được cấp Giấy phép xuống tàu không?
Theo Khoản 1 Điều 24 Nghị định 77/2017/NĐ-CP quy định đối tượng được cấp Giấy phép, cụ thể như sau:
a) Người Việt Nam, người nước ngoài xuống tàu thuyền nước ngoài neo đậu tại cảng để thực hiện các hoạt động báo chí, nghiên cứu khoa học, thăm quan;
b) Người nước ngoài xuống tàu thuyền Việt Nam neo đậu tại cảng để thực hiện các hoạt động báo chí, nghiên cứu khoa học, thăm quan;
c) Người điều khiển phương tiện Việt Nam, nước ngoài cập mạn tàu thuyền nước ngoài;
d) Thuyền viên nước ngoài đề nghị nghỉ qua đêm trên bờ hoặc xuống các tàu thuyền khác đang neo đậu tại cảng.
Như vậy, khi người nước ngoài xuống tàu thuyền Việt Nam đang neo đậu tại cảng để thực hiện việc thăm quan du lịch thì trường hợp này cá nhân người nước ngoài sẽ được cấp Giấy phép xuống tàu.
3. Người nước ngoài đến làm việc, hoạt động tại cửa khẩu cảng cần đáp ứng những điều kiện nào?
Căn cứ Điều 26 Nghị định 77/2017/NĐ-CP quy định người Việt Nam, người nước ngoài hoạt động tại cửa khẩu cảng:
1. Người Việt Nam xuống tàu thuyền nước ngoài, trừ cán bộ, nhân viên của các cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành tại cảng thực hiện nhiệm vụ, nhân viên y tế xuống tàu thuyền nước ngoài để cấp cứu cho thuyền viên, hành khách; người nước ngoài xuống tàu thuyền nước ngoài, tàu thuyền Việt Nam để làm việc, thực hiện các hoạt động trong thời gian tàu thuyền neo đậu tại cửa khẩu cảng phải có giấy phép do Biên phòng cửa khẩu cảng cấp theo quy định tại các Điều 24, 25 Nghị định này và phải chấp hành sự kiểm tra, giám sát của Biên phòng cửa khẩu cảng.
2. Người nước ngoài đến làm việc, hoạt động tại cửa khẩu cảng
a) Phải có hộ chiếu hoặc giấy tờ có giá trị đi lại quốc tế;
b) Phải chấp hành sự kiểm tra, giám sát của Biên phòng cửa khẩu cảng, các cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành tại cảng và các lực lượng chức năng liên quan;
c) Chậm nhất 12 giờ, trước khi người nước ngoài đến làm việc, hoạt động tại cảng, cơ quan, doanh nghiệp đón tiếp phải thông báo bằng văn bản cho Biên phòng cửa khẩu cảng về họ tên, quốc tịch, số hộ chiếu hoặc giấy tờ có giá trị đi lại quốc tế; tên, địa chỉ của cơ quan, tổ chức người nước ngoài làm việc; thời gian bắt đầu, thời gian kết thúc làm việc, nội dung công việc, nơi làm việc tại cửa khẩu cảng.
3. Người Việt Nam, người nước ngoài không được phép xuống, rời tàu thuyền trước và trong khi tàu thuyền làm thủ tục nhập cảnh, chuyển cảng đến, trong và sau khi tàu thuyền làm thủ tục xuất cảnh, chuyển cảng đi, trừ cán bộ, nhân viên của các cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành tại cảng, hoa tiêu, người làm thủ tục đang thực hiện nhiệm vụ, nhân viên y tế xuống tàu khám, chữa bệnh cho thuyền viên, hành khách.
4. Đối với tàu thuyền thực hiện thủ tục biên phòng điện tử cảng biển, ngay sau khi tàu thuyền neo đậu an toàn tại cảng, người Việt Nam, người nước ngoài có liên quan được phép xuống, rời tàu thuyền để thực hiện các hoạt động phục vụ bốc dỡ hàng hóa và các hoạt động theo chương trình, kế hoạch cho đến khi tàu thuyền rời cảng.
5. Thuyền viên, hành khách không đủ điều kiện nhập cảnh theo quy định của pháp luật Việt Nam, không được phép rời tàu thuyền, trừ trường hợp quy định tại Điều 28 Nghị định này.
Thuyền trưởng có trách nhiệm quản lý những thuyền viên, hành khách này tại tàu cho đến khi tàu thuyền rời khỏi vùng biển Việt Nam.
Với quy định này thì người nước ngoài khi đến làm việc, hoạt động tại cửa khẩu cảng sẽ phải có hộ chiếu hoặc giấy tờ có giá trị đi lại quốc tế và đáp ứng được các điều kiện khác nêu trên.
Trân trọng!