Khi di dời công trình xây dựng có cần giấy phép không? Hồ sơ đề nghị cấp giấy phép di dời công trình gồm giấy tờ gì?
Khi di dời công trình xây dựng có cần giấy phép không?
Căn cứ Điều 117 Luật Xây dựng 2014 quy định di dời công trình xây dựng:
Điều 117. Di dời công trình xây dựng
1. Việc di dời công trình xây dựng từ vị trí này đến vị trí khác phải phù hợp với quy hoạch xây dựng được duyệt, bảo đảm chất lượng, an toàn công trình, không làm ảnh hưởng đến công trình lân cận và bảo đảm giữ nguyên kiến trúc đối với công trình có yêu cầu cần phải bảo tồn.
2. Khi di dời công trình xây dựng, chủ đầu tư hoặc chủ sở hữu công trình phải có giấy phép di dời công trình xây dựng.
3. Nhà thầu thực hiện di dời công trình xây dựng phải thực hiện các biện pháp bảo đảm an toàn lao động, an toàn đối với công trình được di dời và các công trình lân cận, bảo vệ môi trường.
Theo quy định trên, khi di dời công trình xây dựng, chủ đầu tư hoặc chủ sở hữu công trình phải có giấy phép di dời công trình xây dựng.
Khi di dời công trình xây dựng có cần giấy phép không? Hồ sơ đề nghị cấp giấy phép di dời công trình gồm giấy tờ gì? (Hình từ Internet)
Hồ sơ đề nghị cấp giấy phép di dời công trình gồm giấy tờ gì?
Căn cứ Điều 48 Nghị định 15/2021/NĐ-CP quy định hồ sơ đề nghị cấp giấy phép di dời công trình:
Điều 48. Hồ sơ đề nghị cấp giấy phép di dời công trình
1. Đơn đề nghị cấp giấy phép di dời công trình theo Mẫu số 01 Phụ lục II Nghị định này.
2. Các tài liệu theo quy định tại khoản 2, khoản 3, khoản 4 và khoản 5 Điều 97 Luật Xây dựng năm 2014.
Như vậy, hồ sơ đề nghị cấp giấy phép di dời công trình gồm giấy tờ sau:
- Đơn đề nghị cấp giấy phép di dời công trình
- Bản sao giấy tờ chứng minh quyền sử dụng đất nơi công trình sẽ di dời đến và giấy tờ hợp pháp về sở hữu công trình theo quy định của pháp luật.
- Bản vẽ hoàn công công trình (nếu có) hoặc bản vẽ thiết kế mô tả thực trạng công trình được di dời, gồm mặt bằng, mặt cắt móng và bản vẽ kết cấu chịu lực chính; bản vẽ tổng mặt bằng địa điểm công trình sẽ được di dời tới; bản vẽ mặt bằng, mặt cắt móng tại địa điểm công trình sẽ di dời đến.
- Báo cáo kết quả khảo sát đánh giá chất lượng hiện trạng của công trình do tổ chức, cá nhân có đủ điều kiện năng lực thực hiện
- Phương án di dời do tổ chức, cá nhân có đủ điều kiện năng lực thực hiện gồm:
+ Phần thuyết minh về hiện trạng công trình và khu vực công trình sẽ được di dời đến
+ Giải pháp di dời, phương án bố trí sử dụng phương tiện, thiết bị, nhân lực
+ Giải pháp bảo đảm an toàn cho công trình, người, máy móc, thiết bị và công trình lân cận
+ Bảo đảm vệ sinh môi trường
+ Tiến độ di dời
+ Tổ chức, cá nhân thực hiện di dời công trình
+ Phần bản vẽ biện pháp thi công di dời công trình.
Có bao nhiêu loại giấy phép xây dựng?
Tại Điều 89 Luật Xây dựng 2014 được sửa đổi bởi khoản 30 Điều 1 Luật Xây dựng sửa đổi 2020 quy định chung về cấp giấy phép xây dựng:
Điều 89. Quy định chung về cấp giấy phép xây dựng
[...]
k) Chủ đầu tư xây dựng công trình quy định tại các điểm b, e, g, h và i khoản này, trừ nhà ở riêng lẻ quy định tại điểm i khoản này có trách nhiệm gửi thông báo thời điểm khởi công xây dựng, hồ sơ thiết kế xây dựng theo quy định đến cơ quan quản lý nhà nước về xây dựng tại địa phương để quản lý.
3. Giấy phép xây dựng gồm:
a) Giấy phép xây dựng mới;
b) Giấy phép sửa chữa, cải tạo;
c) Giấy phép di dời công trình;
d) Giấy phép xây dựng có thời hạn.
4. Công trình được cấp giấy phép xây dựng theo giai đoạn khi đã có thiết kế xây dựng triển khai sau thiết kế cơ sở của từng giai đoạn được thẩm định và phê duyệt theo quy định của Luật này.
5. Đối với dự án đầu tư xây dựng có nhiều công trình, giấy phép xây dựng được cấp cho một, một số hoặc tất cả các công trình thuộc dự án khi các công trình có yêu cầu thi công đồng thời, bảo đảm các yêu cầu về điều kiện, thời hạn cấp giấy phép xây dựng và yêu cầu đồng bộ của dự án.
Như vậy, có 04 loại giấy phép xây dựng bao gồm:
(1) Giấy phép xây dựng mới
(3) Giấy phép sửa chữa, cải tạo
(4) Giấy phép di dời công trình
(5) Giấy phép xây dựng có thời hạn