Thời hạn áp dụng biện pháp cai nghiện bắt buộc
Anh trai bà Nguyễn Thị Hương Trang (TP. Hà Nội) được đưa đi cai nghiện ma túy ngày 6/4/2010, với thời gian bắt buộc là 24 tháng. Theo bà Trang được biết, hiện nay thời gian cai nghiện bắt buộc đã thay đổi là 48 tháng. Bà Trang hỏi trường hợp của anh bà được áp dụng theo thời điểm và quy định nào?
Theo quy định tại Khoản 1, Điều 2, Nghị định số 135/2004/NĐ-CP ngày 10/6/2004 quy định chế độ áp dụng biện pháp đưa người vào cơ sở chữa bệnh theo Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính và chế độ áp dụng đối với người chưa thành niên, người tự nguyện vào cơ sở chữa bệnh: “Thời hạn áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở chữa bệnh đối với người nghiện ma túy từ một năm đến hai năm”.
Tuy nhiên, theo Nghị định số 94/2009/NĐ-CP ngày 26/10/2009 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật sửa đổi, bổ sung của Luật Phòng, chống ma túy về quản lý sau cai nghiện ma túy, thì người hoàn thành xong thời gian cai nghiện tại cơ sở chữa bệnh sẽ được đưa vào 1 trong 2 hình thức quản lý sau cai nghiện bao gồm:
- Quản lý sau cai nghiện tại nơi cư trú.
- Quản lý sau cai nghiện tại Trung tâm.
Thời gian áp dụng quản lý sau cai được quy định tại Khoản 1, Điều 3 của Nghị định số 94/2010/NĐ-CP là từ 1 đến 2 năm.
Như vậy, thời hạn áp dụng biện pháp đưa người vào cơ sở chữa bệnh đối với anh trai bà Trang là từ 1 đến 2 năm. Sau khi hoàn thành xong thời gian cai nghiện, căn cứ vào nguy cơ tái nghiện cao, người có thẩm quyền sẽ ra quyết định áp dụng biện pháp quản lý sau cai tại nơi cư trú hoặc tại Trung tâm với thời hạn là từ 1 đến 2 năm.
Theo ông Nguyễn Văn Minh, Cục trưởng Cục Phòng chống tệ nạn xã hội, có 4 đối tượng bị áp dụng biện pháp quản lý sau cai nghiện tại Trung tâm, gồm:
- Có thời gian nghiện ma túy từ 5 năm trở lên hoặc sử dụng ma túy dưới dạng tiêm chích từ 2 năm trở lên;
- Đã cai nghiện bắt buộc tại Trung tâm từ 3 lần trở lên;
- Trong thời gian 6 tháng, đối tượng có hành vi vi phạm nội quy, quy chế của Trung tâm và bị thi hành kỷ luật với hình thức cảnh cáo từ 3 lần trở lên hoặc với hình thức cách ly tại phòng kỷ luật từ 2 lần trở lên;
- Không có nghề nghiệp, việc làm ổn định và nơi cư trú nhất định.