Mức xử phạt nào cho người hành nghề mê tín dị đoan?

Bấm vào đây để xem bản dịch tiếng Anh của bài viết này Click HERE to see the English translation of this article
Ngày hỏi: 26/02/2019

Hoạt động mê tín dị đoan là vấn đề luôn xảy ra từ trước đến nay khó mà có thể khắc phục, vì tùy theo tứng người mà có mức độ tín ngưỡng và tin tưởng nhất định. Tuy nhiên, việc mê tín có thể dẫn đến những hậu quả khôn lường, có thể là mạng người. Do đó, Ban tư vấn cho tôi hỏi: Với người hành nghề mê tín dị đoan thì bị xử phạt như thế nào? Rất mong nhận được phản hồi.

    • Tại Điều 2 Luật Tín ngưỡng, tôn giáo 2016 có quy định:

      - Tín ngưỡng là niềm tin của con người được thể hiện thông qua những lễ nghi gắn liền với phong tục, tập quán truyền thống để mang lại sự bình an về tinh thần cho cá nhân và cộng đồng.

      - Hoạt động tín ngưỡng là hoạt động thờ cúng tổ tiên, các biểu tượng linh thiêng; tưởng niệm và tôn vinh người có công với đất nước, với cộng đồng; các lễ nghi dân gian tiêu biểu cho những giá trị lịch sử, văn hóa, đạo đức xã hội.

      - Tôn giáo là niềm tin của con người tồn tại với hệ thống quan niệm và hoạt động bao gồm đối tượng tôn thờ, giáo lý, giáo luật, lễ nghi và tổ chức.

      - Tín đồ là người tin, theo một tôn giáo và được tổ chức tôn giáo đó thừa nhận.

      Về việc mê tín dị đoan, thì tùy theo tính chất, mức độ mà có thể bị xử phạt hành chính hoặc cao hơn là hình sự.

      Theo quy định tại Điều 15 Nghị định 158/2013/NĐ-CP, được sửa đổi bởi Khoản 19 Điều 2 Nghị định 28/2017/NĐ-CP thì:

      - Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 200.000 đồng đến 500.000 đồng đối với hành vi thắp hương hoặc đốt vàng mã không đúng quy định của Ban tổ chức lễ hội, Ban quản lý di tích; ném, thả tiền xuống giếng, ao hồ; nói tục, xúc phạm tâm linh gây ảnh hưởng đến không khí trang nghiêm; xả rác bừa bãi làm mất vệ sinh môi trường trong khu vực lễ hội, di tích.

      - Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

      + Lợi dụng hoạt động lên đồng, xem bói, gọi hồn, xin xăm, xóc thẻ, yểm bùa, phù chú, truyền bá sấm trạng và các hình thức tương tự khác để trục lợi;

      + Treo cờ Tổ quốc ở khu vực lễ hội không cao hơn, không trang trọng hơn các cờ hội.

      - Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với hành vi phục hồi phong tục, tập quán gây ảnh hưởng đến sức khoẻ, nhân cách con người và truyền thống văn hóa Việt Nam.

      - Biện pháp khắc phục hậu quả:

      Buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi quy định tại Điểm a Khoản 2 Điều này.

      Bên cạnh xử phạt hành chính thì người hành nghề mê tín còn có thể bị xử phạt hình sự theo quy định tại Điều 320 Bộ luật Hình sự 2015 về tội hành nghề mê tín dị đoan như sau:

      - Người nào dùng bói toán, đồng bóng hoặc các hình thức mê tín, dị đoan khác đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.

      - Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 10 năm:

      + Làm chết người;

      + Thu lợi bất chính 200.000.000 đồng trở lên;

      + Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội.

      - Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng.

      Trên đây là nội dung tư vấn.

      Trân trọng!

    Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của LawNet . Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email: nhch@lawnet.vn

    Căn cứ pháp lý của tình huống
    THÔNG TIN NGƯỜI TRẢ LỜI
    Hãy để GOOGLE hỗ trợ bạn