Giỗ tổ Hùng Vương 2025 là ngày bao nhiêu dương? Người lao động được nghỉ mấy ngày?
Giỗ tổ Hùng Vương 2025 là ngày bao nhiêu dương?
Giỗ tổ Hùng Vương là ngày 10 tháng 3 âm lịch hàng năm, được xem là ngày lễ lớn của dân tộc Việt Nam nhằm tưởng nhớ và tri ân công lao dựng nước của các Vua Hùng – những vị vua đầu tiên của nước Văn Lang (nay là Việt Nam).
Ngày Giỗ tổ Hùng Vương là dịp để con cháu Việt Nam bày tỏ lòng biết ơn với tổ tiên và giáo dục thế hệ trẻ về lịch sử dân tộc. Ngày Giỗ tổ không chỉ là dịp để người dân cả nước nhớ về cội nguồn, mà còn khẳng định tinh thần đoàn kết, thể hiện ý chí vững bền của người Việt Nam.
Các hoạt động chính của lễ hội Giỗ Tổ Hùng Vương bao gồm:
- Lễ dâng hương tại Đền Hùng: Đây là hoạt động chính của lễ hội, thể hiện tấm lòng thành kính của nhân dân đối với các Vua Hùng.
- Lễ rước kiệu: Đây là một hoạt động truyền thống của lễ hội, tái hiện lại nghi thức rước kiệu của các Vua Hùng.
- Hội thi văn hóa, thể thao: Đây là hoạt động nhằm tôn vinh các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc.
- Các hoạt động du lịch: Đây là hoạt động nhằm thu hút du khách tham quan, tìm hiểu về lịch sử, văn hóa của dân tộc.
Theo lịch Vạn niên, Giỗ tổ Hùng Vương 2025 là ngày 10/03/2025 âm lịch nhằm ngày 07/4/2025 dương lịch thứ Hai.
Giỗ tổ Hùng Vương 2025 là ngày bao nhiêu dương? Người lao động được nghỉ mấy ngày? (Hình từ Internet)
Giỗ tổ Hùng Vương 2025 người lao động được nghỉ bao nhiêu ngày?
Căn cứ Điều 112 Bộ luật Lao động 2019 quy định nghỉ lễ, tết:
Điều 112. Nghỉ lễ, tết
1. Người lao động được nghỉ làm việc, hưởng nguyên lương trong những ngày lễ, tết sau đây:
a) Tết Dương lịch: 01 ngày (ngày 01 tháng 01 dương lịch);
b) Tết Âm lịch: 05 ngày;
c) Ngày Chiến thắng: 01 ngày (ngày 30 tháng 4 dương lịch);
d) Ngày Quốc tế lao động: 01 ngày (ngày 01 tháng 5 dương lịch);
đ) Quốc khánh: 02 ngày (ngày 02 tháng 9 dương lịch và 01 ngày liền kề trước hoặc sau);
e) Ngày Giỗ Tổ Hùng Vương: 01 ngày (ngày 10 tháng 3 âm lịch).
2. Lao động là người nước ngoài làm việc tại Việt Nam ngoài các ngày nghỉ theo quy định tại khoản 1 Điều này còn được nghỉ thêm 01 ngày Tết cổ truyền dân tộc và 01 ngày Quốc khánh của nước họ.
3. Hằng năm, căn cứ vào điều kiện thực tế, Thủ tướng Chính phủ quyết định cụ thể ngày nghỉ quy định tại điểm b và điểm đ khoản 1 Điều này.
Theo quy định trên, giỗ tổ Hùng Vương 2025 người lao động được nghỉ 01 ngày (ngày 10 tháng 3 âm lịch).
Người lao động không được từ chối làm thêm giờ khi nào?
Căn cứ khoản 2 Điều 107 Bộ luật Lao động 2019 quy định làm thêm giờ:
Điều 107. Làm thêm giờ
[...]
2. Người sử dụng lao động được sử dụng người lao động làm thêm giờ khi đáp ứng đầy đủ các yêu cầu sau đây:
a) Phải được sự đồng ý của người lao động;
b) Bảo đảm số giờ làm thêm của người lao động không quá 50% số giờ làm việc bình thường trong 01 ngày; trường hợp áp dụng quy định thời giờ làm việc bình thường theo tuần thì tổng số giờ làm việc bình thường và số giờ làm thêm không quá 12 giờ trong 01 ngày; không quá 40 giờ trong 01 tháng;
c) Bảo đảm số giờ làm thêm của người lao động không quá 200 giờ trong 01 năm, trừ trường hợp quy định tại khoản 3 Điều này.
[...]
Căn cứ Điều 108 Bộ luật Lao động 2019 quy định làm thêm giờ trong trường hợp đặc biệt:
Điều 108. Làm thêm giờ trong trường hợp đặc biệt
Người sử dụng lao động có quyền yêu cầu người lao động làm thêm giờ vào bất kỳ ngày nào mà không bị giới hạn về số giờ làm thêm theo quy định tại Điều 107 của Bộ luật này và người lao động không được từ chối trong trường hợp sau đây:
1. Thực hiện lệnh động viên, huy động bảo đảm nhiệm vụ quốc phòng, an ninh theo quy định của pháp luật;
2. Thực hiện các công việc nhằm bảo vệ tính mạng con người, tài sản của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong phòng ngừa, khắc phục hậu quả thiên tai, hỏa hoạn, dịch bệnh nguy hiểm và thảm họa, trừ trường hợp có nguy cơ ảnh hưởng đến tính mạng, sức khỏe của người lao động theo quy định của pháp luật về an toàn, vệ sinh lao động.
Theo quy định, người sử dụng lao động được sử dụng người lao động làm thêm giờ khi có sự đồng ý của người lao động. Tuy nhiên, người lao động không được từ chối yêu cầu làm thêm giờ của người lao động vào bất kỳ ngày nào mà không bị giới hạn về số giờ làm thêm trong các trường hợp sau:
- Thực hiện lệnh động viên, huy động bảo đảm nhiệm vụ quốc phòng, an ninh theo quy định của pháp luật;
- Thực hiện các công việc nhằm bảo vệ tính mạng con người, tài sản của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong phòng ngừa, khắc phục hậu quả thiên tai, hỏa hoạn, dịch bệnh nguy hiểm và thảm họa.
Trừ trường hợp có nguy cơ ảnh hưởng đến tính mạng, sức khỏe của người lao động theo quy định của pháp luật về an toàn, vệ sinh lao động.