Công văn 8726/VPCP-KGVX năm 2024 về nghỉ Tết Âm lịch và một số dịp nghỉ lễ trong năm 2025?
Công văn 8726/VPCP-KGVX năm 2024 về nghỉ Tết Âm lịch và một số dịp nghỉ lễ trong năm 2025?
Ngày 26/11/2024, Văn phòng Chính phủ ban hành Công văn 8726/VPCP-KGVX năm 2024 về nghỉ Tết Âm lịch và một số dịp nghỉ lễ trong năm 2025. Theo đó, Thủ tướng Chính phủ có ý kiến như sau:
- Đồng ý với đề xuất của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội tại các văn bản nêu trên về việc nghỉ Tết Âm lịch, nghỉ lễ Quốc khánh và hoán đổi ngày làm việc dịp nghỉ lễ ngày Chiến thắng 30 tháng 4 và ngày Quốc tế Lao động 01 tháng 5 năm 2025. Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội thông báo cho các cơ quan hành chính, sự nghiệp, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội và doanh nghiệp, người lao động theo quy định.
- Các cơ quan, đơn vị bố trí, sắp xếp các bộ phận ứng trực theo quy định và làm việc hợp lý để giải quyết công việc liên tục, bảo đảm tốt công tác phục vụ tổ chức, Nhân dân, trong đó lưu ý cử cán bộ, công chức ứng trực xử lý những công việc đột xuất, bất ngờ có thể xảy ra trong thời gian nghỉ Tết, nghỉ lễ theo quy định.
- Các bộ, cơ quan, địa phương có kế hoạch, biện pháp cụ thể, phù hợp khuyến khích các đơn vị, doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân tích cực, chủ động triển khai thực hiện các hoạt động sản xuất, kinh doanh, kinh tế, xã hội, bảo đảm ổn định cung cầu hàng hóa, dịch vụ, giá cả, thị trường, góp phần thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, tăng trưởng kinh tế, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, phấn đấu thực hiện thành công các mục tiêu, nhiệm vụ kế hoạch năm 2025, năm tăng tốc, bứt phá thực hiện kế hoạch 5 năm 2021 - 2025, tạo nền tảng, tiền đề vững chắc cho phát triển nhanh và bền vững trong thời gian tới.
Công văn 8726/VPCP-KGVX năm 2024 về nghỉ Tết Âm lịch và một số dịp nghỉ lễ trong năm 2025? (Hình từ Internet)
Việt Nam có các ngày lễ lớn nào?
Căn cứ Điều 4 Nghị định 145/2013/NĐ-CP quy định các ngày lễ lớn:
Điều 4. Các ngày lễ lớn
Các ngày lễ lớn trong nước bao gồm:
1. Ngày Tết Nguyên đán (01 tháng Giêng Âm lịch).
2. Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (03-02-1930).
3. Ngày Giỗ Tổ Hùng Vương (10-3 Âm lịch).
4. Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30-4-1975).
5. Ngày Chiến thắng Điện Biên Phủ (07-5-1954).
6. Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19-5-1890).
7. Ngày Cách mạng Tháng Tám (19-8-1945) và Ngày Quốc khánh nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (02-9-1945).
Như vậy, Việt Nam có các ngày lễ lớn sau:
- Ngày Tết Nguyên đán (01 tháng Giêng Âm lịch)
- Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (03-02-1930)
- Ngày Giỗ Tổ Hùng Vương (10-3 Âm lịch)
- Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30-4-1975)
- Ngày Chiến thắng Điện Biên Phủ (07-5-1954)
- Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19-5-1890)
- Ngày Cách mạng Tháng Tám (19-8-1945) và Ngày Quốc khánh nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (02-9-1945)
Người lao động nghỉ việc sau tết không cần báo trước khi nào?
Căn cứ khoản 2 Điều 35 Bộ luật Lao động 2019 quy định quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động của người lao động:
Điều 35. Quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động của người lao động
[...]
2. Người lao động có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động không cần báo trước trong trường hợp sau đây:
a) Không được bố trí theo đúng công việc, địa điểm làm việc hoặc không được bảo đảm điều kiện làm việc theo thỏa thuận, trừ trường hợp quy định tại Điều 29 của Bộ luật này;
b) Không được trả đủ lương hoặc trả lương không đúng thời hạn, trừ trường hợp quy định tại khoản 4 Điều 97 của Bộ luật này;
c) Bị người sử dụng lao động ngược đãi, đánh đập hoặc có lời nói, hành vi nhục mạ, hành vi làm ảnh hưởng đến sức khỏe, nhân phẩm, danh dự; bị cưỡng bức lao động;
d) Bị quấy rối tình dục tại nơi làm việc;
đ) Lao động nữ mang thai phải nghỉ việc theo quy định tại khoản 1 Điều 138 của Bộ luật này;
e) Đủ tuổi nghỉ hưu theo quy định tại Điều 169 của Bộ luật này, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác;
g) Người sử dụng lao động cung cấp thông tin không trung thực theo quy định tại khoản 1 Điều 16 của Bộ luật này làm ảnh hưởng đến việc thực hiện hợp đồng lao động.
Theo đó, người lao động nghỉ việc sau tết không cần báo trước với người sử dụng lao động trong các trường hợp sau:
- Người sử dụng lao động không bố trí theo đúng công việc, địa điểm làm việc hoặc không được bảo đảm điều kiện làm việc theo thỏa thuận. Trừ trường hợp sau:
+ Khi gặp khó khăn đột xuất do thiên tai, hỏa hoạn, dịch bệnh nguy hiểm, áp dụng biện pháp ngăn ngừa, khắc phục tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, sự cố điện, nước;
+ Do nhu cầu sản xuất, kinh doanh;
+ Khi tạm thời chuyển người lao động làm công việc khác so với hợp đồng lao động quy định
- Không được trả đủ lương hoặc trả lương không đúng thời hạn, trừ trường hợp vì lý do bất khả kháng mà người sử dụng lao động đã tìm mọi biện pháp khắc phục nhưng không thể trả lương đúng hạn.
- Bị người sử dụng lao động ngược đãi, đánh đập hoặc có lời nói, hành vi nhục mạ, hành vi làm ảnh hưởng đến sức khỏe, nhân phẩm, danh dự; bị cưỡng bức lao động;
- Bị quấy rối tình dục tại nơi làm việc;
- Lao động nữ mang thai phải nghỉ việc khi có xác nhận của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền về việc tiếp tục làm việc sẽ ảnh hưởng xấu tới thai nhi;
- Đủ tuổi nghỉ hưu, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác;
- Người sử dụng lao động cung cấp thông tin không trung thực làm ảnh hưởng đến việc thực hiện hợp đồng lao động.