Đã có Luật Tư pháp người chưa thành niên 2024 áp dụng từ ngày 01/01/2026?
Đã có Luật Tư pháp người chưa thành niên 2024 áp dụng từ ngày 01/01/2026?
Ngày 20/11/2024, Quốc hội ban hành Luật Tư pháp người chưa thành niên 2024 quy định các vấn đề sau:
- Xử lý chuyển hướng, hình phạt đối với người chưa thành niên phạm tội
- Thủ tục tố tụng đối với người chưa thành niên là người bị tố giác, người bị kiến nghị khởi tố, người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp, người bị buộc tội, bị hại, người làm chứng
- Thi hành án phạt tù, tái hòa nhập cộng đồng đối với người chưa thành niên
- Nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân, gia đình trong hoạt động tư pháp người chưa thành niên.
Luật Tư pháp người chưa thành niên 2024 có hiệu lực từ ngày 01/01/2026, trừ Điều 139, khoản 1 và khoản 2 Điều 162 Luật Tư pháp người chưa thành niên 2024 có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 01 năm 2028.
Đã có Luật Tư pháp người chưa thành niên 2024 áp dụng từ ngày 01/01/2026? (Hình từ Internet)
Áp dụng hình phạt đối với người chưa thành niên phạm tội nhằm mục đích gì?
Căn cứ Điều 12 Luật Tư pháp người chưa thành niên 2024 quy định áp dụng hình phạt:
Điều 12. Áp dụng hình phạt
1. Hình phạt áp dụng đối với người chưa thành niên phạm tội chủ yếu nhằm giáo dục họ ý thức tôn trọng, tuân theo pháp luật và các chuẩn mực đạo đức, lối sống, ngăn ngừa họ phạm tội mới, có tác dụng phòng ngừa và đấu tranh chống tội phạm.
2. Tòa án chỉ áp dụng hình phạt đối với người chưa thành niên phạm tội nếu xét thấy việc áp dụng biện pháp xử lý chuyển hướng không bảo đảm hiệu quả giáo dục, phòng ngừa. Trường hợp phải áp dụng hình phạt thì ưu tiên áp dụng hình phạt cảnh cáo, phạt tiền, cải tạo không giam giữ, hình phạt tù nhưng cho hưởng án treo.
3. Không xử phạt tù chung thân hoặc tử hình đối với người chưa thành niên phạm tội.
4. Tòa án chỉ áp dụng hình phạt tù có thời hạn đối với người chưa thành niên phạm tội khi xét thấy các hình phạt và biện pháp khác không có tác dụng răn đe, phòng ngừa.
5. Khi xử phạt tù có thời hạn, Tòa án cho người chưa thành niên phạm tội được hưởng mức án nhẹ hơn mức án áp dụng đối với người thành niên phạm tội tương ứng và với thời hạn thích hợp ngắn nhất.
[...]
Theo quy định trên, áp dụng hình phạt đối với người chưa thành niên phạm tội nhằm mục đích giáo dục họ ý thức tôn trọng, tuân theo pháp luật và các chuẩn mực đạo đức, lối sống, ngăn ngừa họ phạm tội mới, có tác dụng phòng ngừa và đấu tranh chống tội phạm.
Người chưa thành niên là bị can, bị cáo có quyền và nghĩa vụ gì?
Căn cứ khoản 2 Điều 21 Luật Tư pháp người chưa thành niên 2024 quy định quyền và nghĩa vụ của người chưa thành niên là người bị tố giác, người bị kiến nghị khởi tố, người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp, người bị buộc tội:
Điều 21. Quyền và nghĩa vụ của người chưa thành niên là người bị tố giác, người bị kiến nghị khởi tố, người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp, người bị buộc tội
[...]
2. Ngoài các quyền và nghĩa vụ quy định tại khoản 1 Điều này, người chưa thành niên là bị can, bị cáo còn có các quyền và nghĩa vụ sau đây:
a) Đề nghị áp dụng biện pháp xử lý chuyển hướng;
b) Được sự hỗ trợ của người làm công tác xã hội trong quá trình tố tụng;
c) Khiếu nại quyết định về việc áp dụng biện pháp xử lý chuyển hướng.
Theo quy định trên, người chưa thành niên là bị can, bị cáo còn có các quyền và nghĩa vụ sau:
- Các quyền và nghĩa vụ theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự
- Có người đại diện tham gia tố tụng
- Được sự hỗ trợ của chuyên gia y tế, tâm lý, giáo dục, xã hội học trong trường hợp cần thiết
- Được thông tin đầy đủ, kịp thời bằng ngôn từ đơn giản, thân thiện, dễ hiểu về những nội dung liên quan đến việc giải quyết vụ việc, vụ án
- Được bảo đảm giữ bí mật cá nhân trong suốt quá trình giải quyết vụ việc, vụ án
- Được trợ giúp pháp lý theo quy định của pháp luật
- Được thông báo, giải thích về quyền và nghĩa vụ theo quy định
- Các quyền và nghĩa vụ khác theo quy định
- Đề nghị áp dụng biện pháp xử lý chuyển hướng
- Được sự hỗ trợ của người làm công tác xã hội trong quá trình tố tụng
- Khiếu nại quyết định về việc áp dụng biện pháp xử lý chuyển hướng