Cơ sở hỗ trợ nạn nhân bị mua bán được quy định như thế nào?
Cơ sở hỗ trợ nạn nhân bị mua bán được quy định như thế nào? Và văn bản pháp luật nào quy định về điều này? Xin chào Ban biên tập Thư Ký Luật, tôi tên là Nguyễn Hồng Mai, email của tôi là mai***@gmail.com. Hiện tôi đang làm việc tại TP. Hồ Chí Minh. Tôi có đọc một vài tài liệu về nạn nhân bị mua bán và tôi rất thắc mắc về cơ sở hỗ trợ nạn nhân bị mua bán được quy định ra sao? Rất mong nhận được sự tư vấn từ Ban biên tập. Xin chân thành cảm ơn.
Cơ sở hỗ trợ nạn nhân bị mua bán đã được quy định cụ thể tại Khoản 2 Điều 40 Luật Phòng, chống mua bán người 2011.
Theo đó, cơ sở hỗ trợ nạn nhân bị mua bán được quy định như sau: Cơ sở hỗ trợ nạn nhân do tổ chức, cá nhân Việt Nam thành lập để tham gia thực hiện nhiệm vụ phù hợp với giấy phép thành lập; việc thành lập và hoạt động không sử dụng ngân sách nhà nước. Các nhiệm vụ đó bao gồm:
a) Tiếp nhận và bố trí nơi lưu trú cho nạn nhân;
b) Thực hiện chế độ hỗ trợ nhu cầu thiết yếu, hỗ trợ y tế, hỗ trợ tâm lý phù hợp với lứa tuổi, giới tính, nguyện vọng của nạn nhân và khả năng đáp ứng của cơ sở;
c) Giáo dục kỹ năng sống, hướng nghiệp cho nạn nhân;
d) Đánh giá khả năng hòa nhập cộng đồng của nạn nhân, cung cấp các thông tin về chính sách, chế độ, dịch vụ hỗ trợ nạn nhân tại cộng đồng;
đ) Cung cấp thông tin cần thiết cho các cơ quan chức năng để đấu tranh phòng, chống hành vi quy định tại Điều 3 của Luật này;
e) Phối hợp với các cơ quan hữu quan đưa nạn nhân về nơi cư trú;
g) Phối hợp với cơ quan Công an trong việc xác minh nạn nhân.
Chính phủ quy định cụ thể điều kiện, trình tự, thủ tục thành lập cơ sở hỗ trợ nạn nhân.
Trên đây là nội dung tư vấn của Ban biên tập Thư Ký Luật về cơ sở hỗ trợ nạn nhân bị mua bán. Nếu muốn tìm hiểu rõ hơn, bạn có thể tham khảo quy định tại Luật Phòng, chống mua bán người 2011.
Trân trọng!