Bị lừa tiền làm bằng giả có đòi lại được không?
Cách đây 6 tháng cháu có nhờ người A làm giả bằng đại học giúp cháu từ trên trang mạng. Người này bảo cháu chuyển khoản qua ngân hàng với số tiền là 12 triệu. Xong giờ người A này luôn khất lần và giờ cháu có đòi lại tiền nhưng người A này không nghe máy. Giờ cháu vẫn còn giữ giấy từ chuyển khoản và có số điện thoại. Vậy cho cháu hỏi cháu có khởi kiện được không ạ? Mong nhận được tư vấn của Ban biên tập Thư Ký Luật. Chân thành cảm ơn!
Để giải quyết trường hợp của bạn thì bạn căn cứ chứng minh người khác đã nhận số tiền này của bạn. Những giấy tờ chuyển nhượng nếu không ghi rõ mục đích chuyển tiền thì không thể là căn cứ chứng minh được. Và để đảm bảo đơn kiện được Tòa án chấp thuận và thụ lý bạn phải cung cấp các tài liệu chứng cứ liên quan đến việc xác định đã có quan hệ giao dịch nhận tiền trên thực tế, các tài liệu chứng minh có việc vay tiền, nhận tiền giữa hai bên.Nếu xác định rõ được tên, địa chỉ và đủ căn cứ chứng minh về việc người đó đã nhận thì có thể thực hiện như sau:
Bạn có quyền khởi kiện ra Tòa án yêu cầu bên vay thực hiện nghĩa vụ dân sự để đòi lại khoản tiền. Cụ thể bạn có thể gửi đơn khởi kiện đòi lại tiền đến Tòa án nhân dân huyện quận nơi bị đơn cư trú, làm việc để yêu cầu giải quyết.
Nếu người đó có hành vi trốn tránh trách nhiệm trả tiền hay bỏ trốn thì bạn có thể tố cáo tới cơ quan công an để xử lý vì tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo quy định tại Điều 139 Bộ luật hình sự năm 1999 như sau:
“Điều 139. Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản
1. Người nào bằng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản của người khác có giá trị từ hai triệu đồng đến dưới năm mươi triệu đồng hoặc dưới hai triệu đồng nhưng gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi chiếm đoạt hoặc đã bị kết án về tội chiếm đoạt tài sản, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm:
a) Có tổ chức;
b) Có tính chất chuyên nghiệp;
c) Tái phạm nguy hiểm;
d) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn hoặc lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức;
đ) Dùng thủ đoạn xảo quyệt;
e) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ năm mươi triệu đồng đến dưới hai trăm triệu đồng;
g) Gây hậu quả nghiêm trọng.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ bảy năm đến mười lăm năm:
a) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ hai trăm triệu đồng đến dưới năm trăm triệu đồng;
b) Gây hậu quả rất nghiêm trọng.
4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ mười hai năm đếnhai mươi năm, tù chung thân hoặc tử hình:
a) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ năm trăm triệu đồng trở lên;
b) Gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.
5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ mười triệu đồng đến một trăm triệu đồng, tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản, bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm.”
Tuy nhiên nếu có căn cứ xác định hành vi của bạn và người kia là mua bán văn bằng, chứng chỉ thì sẽ bị xử lý theo quy định tại Điều 16, Nghị định 138/2013/NĐ-CP của Chính phủ quy định về việc xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục và sẽ bị Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000.
Trên đây là tư vấn về việc đòi lại tiền làm bằng giả. Bạn nên tham khảo chi tiết Bộ luật hình sự năm 1999 để nắm rõ quy định này.
Trân trọng!