Đổi tiền tết dịp tết Nguyên đán có bị phạt không?
Đổi tiền tết dịp tết Nguyên đán có bị phạt không? Đồng tiền riêng Việt Nam hiện nay là đồng tiền nào? Tiền như thế nào được xem là tiền không đủ tiêu chuẩn lưu thông?
Đổi tiền tết dịp tết Nguyên đán có bị phạt không?
Theo khoản 5 Điều 30 Nghị định 88/2019/NĐ-CP quy định về vi phạm quy định về quản lý tiền tệ và kho quỹ như sau:
Vi phạm quy định về quản lý tiền tệ và kho quỹ
...
5. Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:
a) Thực hiện đổi tiền không đúng quy định của pháp luật;
b) Không bảo quản tiền mặt, tài sản quý, giấy tờ có giá trong thời gian nghỉ buổi trưa theo quy định của pháp luật;
c) Sử dụng và bảo quản chìa khóa cửa kho tiền, gian kho, két sắt, chìa khóa thùng đựng tiền trên xe chuyên dùng không theo quy định của pháp luật;
d) Vận chuyển tiền mặt, tài sản quý, giấy tờ có giá không sử dụng xe chuyên dùng nhưng không có văn bản quy định về quy trình vận chuyển, bảo vệ, các biện pháp đảm bảo an toàn tài sản của cấp có thẩm quyền;
đ) Không quy định bằng văn bản điều kiện, quy trình nhận, giao trả tài sản cho khách hàng, trách nhiệm của các bộ phận có liên quan trong việc đảm bảo an toàn tài sản khi làm dịch vụ quản lý, bảo quản tài sản, cho thuê tủ, két an toàn và các dịch vụ ngân quỹ khác.
...
Đồng thời tại khoản 3 Điều 3 Nghị định 88/2019/NĐ-CP quy định về hình thức xử phạt, mức phạt tiền, thẩm quyền phạt tiền và biện pháp khắc phục hậu quả như sau:
Hình thức xử phạt, mức phạt tiền, thẩm quyền phạt tiền và biện pháp khắc phục hậu quả
...
3. Mức phạt tiền và thẩm quyền phạt tiền:
a) Mức phạt tiền tối đa đối với hành vi vi phạm trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng đối với tổ chức vi phạm là 2.000.000.000 đồng và đối với cá nhân vi phạm là 1.000.000.000 đồng;
b) Mức phạt tiền quy định tại Chương II Nghị định này là mức phạt tiền áp dụng đối với cá nhân; mức phạt tiền đối với tổ chức có cùng một hành vi vi phạm hành chính bằng 02 lần mức phạt tiền đối với cá nhân;
...
Như vậy, về nguyên tắc, việc đổi tiền vào dịp tết nguyên đán sẽ không bị phạt. Tuy nhiên, với hành vi đổi tiền vào dịp tết Nguyên đán để hưởng phần chênh lệch thì có thể bị xử phạt vi phạm hành chính và mức phạt hành chính cụ thể như sau:
[1] Đối với hành vi đổi tiền tết trái pháp luật của cá nhân: Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng
[2] Đối với hành vi đổi tiền tết trái pháp luật của tổ chức: Phạt tiền từ 40.000.000 đồng đến 80.000.000 đồng
Ngoài ra, chủ thể có hành vi đổi tiền tết trái pháp luật còn phải nộp lại toàn bộ số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm mà có được.
Đổi tiền tết dịp tết Nguyên đán có bị phạt không? (Hình từ Internet)
Đồng tiền riêng Việt Nam hiện nay là đồng tiền nào?
Căn cứ Điều 55 Hiến pháp 2013 quy định như sau:
1. Ngân sách nhà nước, dự trữ quốc gia, quỹ tài chính nhà nước và các nguồn tài chính công khác do Nhà nước thống nhất quản lý và phải được sử dụng hiệu quả, công bằng, công khai, minh bạch, đúng pháp luật.
2. Ngân sách nhà nước gồm ngân sách trung ương và ngân sách địa phương, trong đó ngân sách trung ương giữ vai trò chủ đạo, bảo đảm nhiệm vụ chi của quốc gia. Các khoản thu, chi ngân sách nhà nước phải được dự toán và do luật định.
3. Đơn vị tiền tệ quốc gia là Đồng Việt Nam. Nhà nước bảo đảm ổn định giá trị đồng tiền quốc gia.
Căn cứ Điều 16 Luật Ngân hàng Nhà nước Việt Nam 2010 quy định đơn vị tiền:
Đơn vị tiền
Đơn vị tiền của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam là "Đồng", ký hiệu quốc gia là "đ", ký hiệu quốc tế là "VND", một đồng bằng mười hào, một hào bằng mười xu.
Theo quy định trên, đồng tiền riêng của Việt Nam hiện nay là Đồng Việt Nam, ký hiệu quốc gia là "đ", ký hiệu quốc tế là "VND".
Hiện nay, mệnh giá của tiền Việt Nam bao gồm nhiều mệnh giá khác nhau, từ mệnh giá thấp đến mệnh giá cao. Cụ thể là 200 đồng; 500 đồng; 1,000 đồng; 2,000 đồng; 5,000 đồng; 10,000 đồng; 20,000 đồng; 50,000 đồng; 100,000 đồng; 200,000 đồng và 500,000 đồng.
Tiền như thế nào được xem là tiền không đủ tiêu chuẩn lưu thông?
Theo Điều 4 Thông tư 25/2013/TT-NHNN quy định về tiêu chuẩn tiền không đủ tiêu chuẩn lưu thông như sau:
[1] Tiền rách nát, hư hỏng do quá trình lưu thông (nhóm nguyên nhân khách quan):
- Tiền giấy bị thay đổi màu sắc, mờ nhạt hình ảnh hoa văn, chữ, số; nhàu, nát, nhòe, bẩn, cũ; rách rời hay liền mảnh được can dán lại nhưng còn nguyên tờ tiền;
- Tiền kim loại bị mòn, han gỉ, hư hỏng một phần hoặc toàn bộ hình ảnh, hoa văn, chữ, số và lớp mạ trên đồng tiền.
[2] Tiền rách nát, hư hỏng do quá trình bảo quản (nhóm nguyên nhân chủ quan):
- Tiền giấy bị thủng lỗ, rách mất một phần; tiền được can dán; cháy hoặc biến dạng do tiếp xúc với nguồn nhiệt cao; giấy in, màu sắc, đặc điểm kỹ thuật bảo an của đồng tiền bị biến đổi do tác động của hóa chất (như chất tẩy rửa, axít, chất ăn mòn...); viết, vẽ, tẩy xóa; đồng tiền bị mục hoặc biến dạng bởi các lý do khác nhưng không do hành vi hủy hoại;
- Tiền kim loại bị cong, vênh, thay đổi định dạng, hình ảnh thiết kế do tác động của ngoại lực hoặc nhiệt độ cao; bị ăn mòn do tiếp xúc với hóa chất.
[3] Tiền bị lỗi kỹ thuật do quá trình in, đúc của nhà sản xuất như giấy in bị gấp nếp làm mất hình ảnh hoặc mất màu in, lấm bẩn mực in và các lỗi khác trong khâu in, đúc.
Trân trọng!