Người dân mua pháo hoa của Bộ Quốc phòng sản xuất để kinh doanh bị phạt bao nhiêu?
Cá nhân sử dụng pháo hoa như thế nào là hợp pháp? Người dân có được mua pháo hoa của Bộ Quốc phòng sản xuất để kinh doanh không? Người dân mua pháo hoa của Bộ Quốc phòng sản xuất để kinh doanh bị phạt bao nhiêu?
Cá nhân sử dụng pháo hoa như thế nào là hợp pháp?
Căn cứ Điều 17 Nghị định 137/2020/NĐ-CP quy định sử dụng pháo hoa:
Sử dụng pháo hoa
1. Cơ quan, tổ chức, cá nhân có năng lực hành vi dân sự đầy đủ được sử dụng pháo hoa trong các trường hợp sau: Lễ, tết, sinh nhật, cưới hỏi, hội nghị, khai trương, ngày kỷ niệm và trong hoạt động văn hóa, nghệ thuật.
2. Cơ quan, tổ chức, cá nhân khi sử dụng pháo hoa chỉ được mua pháo hoa tại các tổ chức, doanh nghiệp được phép sản xuất, kinh doanh pháo hoa.
Theo quy định trên, cá nhân sử dụng pháo hoa hợp pháp khi đáp ứng các điều kiện sau:
(1) Cá nhân sử dụng pháo hoa có năng lực hành vi dân sự đầy đủ
(2) Cá nhân sử dụng pháo hoa trong các trường hợp sau:
- Lễ, tết;
- Sinh nhật;
- Cưới hỏi;
- Hội nghị;
- Khai trương;
- Ngày kỷ niệm;
- Trong hoạt động văn hóa, nghệ thuật.
(3) Cá nhân chỉ được mua pháo hoa tại các tổ chức, doanh nghiệp của Bộ Quốc phòng được phép sản xuất hoặc các tổ chức, doanh nghiệp của Bộ Quốc phòng kinh doanh pháo hoa hoặc các tổ chức được cấp phép kinh doanh pháo hoa.
Người dân mua pháo hoa của Bộ Quốc phòng sản xuất để kinh doanh bị phạt bao nhiêu? (Hình từ Internet)
Người dân có được mua pháo hoa của Bộ Quốc phòng sản xuất để kinh doanh không?
Căn cứ khoản 1 Điều 5 Nghị định 137/2020/NĐ-CP quy định các hành vi bị nghiêm cấm:
Các hành vi bị nghiêm cấm
1. Nghiên cứu, chế tạo, sản xuất, mua bán, xuất khẩu, nhập khẩu, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng hoặc chiếm đoạt pháo nổ; trừ trường hợp tổ chức, doanh nghiệp thuộc Bộ Quốc phòng được Thủ tướng Chính phủ giao nhiệm vụ nghiên cứu, sản xuất, nhập khẩu, xuất khẩu, cung cấp, vận chuyển, sử dụng pháo hoa nổ theo quy định tại Nghị định này.
...
Căn cứ khoản 2 Điều 14 Nghị định 137/2020/NĐ-CP quy định điều kiện nghiên cứu, sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu, nhập khẩu pháo hoa, thuốc pháo hoa:
Điều kiện nghiên cứu, sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu, nhập khẩu pháo hoa, thuốc pháo hoa
...
2. Việc kinh doanh pháo hoa phải bảo đảm các điều kiện sau đây:
a) Chỉ tổ chức, doanh nghiệp thuộc Bộ Quốc phòng được kinh doanh pháo hoa và phải được cơ quan Công an có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh, trật tự; bảo đảm các điều kiện về phòng cháy, chữa cháy, phòng ngừa, ứng phó sự cố và bảo vệ môi trường;
b) Kho, phương tiện vận chuyển, thiết bị, dụng cụ phục vụ kinh doanh pháo hoa phải phù hợp, bảo đảm điều kiện về bảo quản, vận chuyển, phòng cháy và chữa cháy;
c) Người quản lý, người phục vụ có liên quan đến kinh doanh pháo hoa phải được huấn luyện về kỹ thuật an toàn;
d) Chỉ được kinh doanh pháo hoa bảo đảm tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật theo quy định.
...
Theo quy định trên, nghiêm cấm mua bán pháo nổ trừ trường hợp tổ chức, doanh nghiệp thuộc Bộ Quốc phòng được Thủ tướng Chính phủ giao nhiệm vụ.
Như vậy, người dân không được phép mua pháo hoa của Bộ Quốc phòng sản xuất để kinh doanh. Việc mua pháo hoa của Bộ Quốc phòng sản xuất chỉ được thực hiện bởi các tổ chức, doanh nghiệp thuộc Bộ Quốc phòng và đảm bảo các điều kiện theo quy định.
Cụ thể, để được cấp giấy phép mua pháo hoa, các tổ chức, doanh nghiệp thuộc Bộ Quốc phòng cần đáp ứng các điều kiện sau:
- Có Giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh, trật tự;
- Đảm bảo các điều kiện về phòng cháy, chữa cháy, phòng ngừa, ứng phó sự cố và bảo vệ môi trường;
- Có kho, phương tiện vận chuyển, thiết bị, dụng cụ phục vụ kinh doanh pháo hoa phải phù hợp, bảo đảm điều kiện về bảo quản, vận chuyển, phòng cháy và chữa cháy;
- Người kinh doanh pháo hoa phải được huấn luyện về kỹ thuật an toàn;
- Chỉ được kinh doanh pháo hoa bảo đảm tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật theo quy định.
Người dân mua pháo hoa của Bộ Quốc phòng sản xuất để kinh doanh bị phạt bao nhiêu?
Căn cứ điểm b khoản 2; điểm a khoản 7; điểm b khoản 8 Điều 11 Nghị định 144/2021/NĐ-CP quy định mức xử phạt hành vi vi phạm quy định về quản lý sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, tiền chất thuốc nổ, công cụ hỗ trợ, pháo và đồ chơi nguy hiểm bị cấm:
Vi phạm quy định về quản lý sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, tiền chất thuốc nổ, công cụ hỗ trợ, pháo và đồ chơi nguy hiểm bị cấm
...
2. Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:
...
b) Chiếm đoạt, trao đổi, mua, bán, cho, tặng, mượn, cho mượn, thuê, cho thuê, cầm cố, nhận cầm cố, các loại giấy phép, giấy xác nhận, giấy chứng nhận, chứng chỉ về vũ khí, công cụ hỗ trợ và pháo;
...
7. Hình thức xử phạt bổ sung:
a) Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính đối với hành vi quy định tại các điểm d và đ khoản 1; các điểm a, b, c, e và g khoản 2; các điểm a, c, d, đ, e, h, i và k khoản 3; các điểm a, b, c, d, đ, e, h và i khoản 4 và khoản 5 Điều này;
...
8. Biện pháp khắc phục hậu quả:
...
b) Buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm hành chính quy định tại các điểm b và c khoản 2; các điểm a, b, c, d, đ, e và k khoản 3; các điểm a, c, d, e và i khoản 4 và điểm a khoản 5 Điều này;
...
Như vậy, người dân mua pháo hoa của Bộ Quốc phòng sản xuất để kinh doanh thì bị phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng, bị tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính và buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm hành chính.
Lưu ý: Mức phạt trên là mức phạt được áp dụng đối với hành vi vi phạm hành chính của cá nhân. Đối với tổ chức có cùng hành vi vi phạm, mức phạt tiền gấp 02 lần mức phạt tiền đối với cá nhân. (Quy định tại khoản 2 Điều 4 Nghị định 144/2021/NĐ-CP)
Trân trọng!