Nghị định 80/2024/NĐ-CP quy định về cơ chế bán điện trực tiếp như thế nào?
Nghị định 80/2024/NĐ-CP quy định về cơ chế bán điện trực tiếp như thế nào? Nguyên tắc mua bán điện trực tiếp qua đường dây kết nối riêng được quy định như thế nào?
Đã có Nghị định 80 quy định về cơ chế bán điện trực tiếp?
Ngày 03/7/2024, Chính phủ ban hành Nghị định 80/2024/NĐ-CP quy định về cơ chế mua bán điện trực tiếp giữa đơn vị phát điện năng lượng tái tạo với Khách hàng sử dụng điện lớn.
Nghị định 80/2024/NĐ-CP quy định về cơ chế mua bán điện trực tiếp giữa Đơn vị phát điện năng lượng tái tạo với Khách hàng sử dụng điện lớn qua Đường dây kết nối riêng và qua Lưới điện quốc gia.
Đối tượng mua bán điện trực tiếp qua Đường dây kết nối riêng của Nghị định 80/2024/NĐ-CP như sau:
- Đơn vị phát điện năng lượng tái tạo;
- Khách hàng sử dụng điện lớn.
Nghị định 80/2024/NĐ-CP có hiệu lực thi hành từ ngày 03/7/2024.
Đã có Nghị định 80/2024/NĐ-CP quy định về cơ chế bán điện trực tiếp? (Hình từ Internet)
Hoạt động mua bán giao nhận điện năng được thực hiện thông qua 02 hình thức như thế nào?
Căn cứ theo Điều 4 Nghị định 80/2024/NĐ-CP quy định các cơ chế mua bán điện trực tiếp như sau:
* Mua bán điện trực tiếp là hoạt động mua bán giao nhận điện năng được thực hiện thông qua 02 hình thức như sau:
Hình thức 1: Mua bán điện trực tiếp qua Đường dây kết nối riêng là hoạt động ký hợp đồng mua bán điện và giao nhận điện năng qua Đường dây kết nối riêng giữa Đơn vị phát điện năng lượng tái tạo và Khách hàng sử dụng điện lớn theo quy định tại Chương 2 Nghị định 80/2024/NĐ-CP.
Hình thức 2: Mua bán điện trực tiếp qua Lưới điện quốc gia là hoạt động mua bán điện thông qua Hợp đồng kỳ hạn giữa Đơn vị phát điện năng lượng tái tạo và Khách hàng sử dụng điện lớn (hoặc Đơn vị bản lẻ điện tại các mô hình khu, cụm được ủy quyền) và hoạt động mua bán điện thực hiện theo quy định tại Chương 3 Nghị định 80/2024/NĐ-CP bao gồm:
- Đơn vị phát điện năng lượng tái tạo bán toàn bộ điện năng sản xuất vào thị trường điện giao ngay của thị trường bán buôn điện cạnh tranh;
- Khách hàng sử dụng điện lớn hoặc Đơn vị bán lẻ điện tại các mô hình khu, cụm được ủy quyền ký hợp đồng mua bán điện với Tổng công ty Điện lực (hoặc đơn vị được ủy quyền/phân cấp) để mua toàn bộ điện năng đáp ứng nhu cầu;
- Đơn vị phát điện năng lượng tái tạo và Khách hàng sử dụng điện lớn hoặc Đơn vị bán lẻ điện tại các mô hình khu, cụm được ủy quyền mua bán điện thông qua Hợp đồng kỳ hạn.
Nguyên tắc mua bán điện trực tiếp qua Đường dây kết nối riêng được quy định như thế nào?
Căn cứ theo Điều 6 Nghị định 80/2024/NĐ-CP quy định nguyên tắc mua bán điện trực tiếp qua Đường dây kết nối riêng hệ thống điện quốc gia như sau:
- Đơn vị phát điện năng lượng tái tạo và Khách hàng sử dụng điện lớn quy định tại Điều 2 Nghị định 80/2024/NĐ-CP thực hiện mua bán điện trực tiếp thông qua Đường dây kết nối riêng theo các nguyên tắc sau đây:
+ Hợp đồng mua bán điện giữa Đơn vị phát điện năng lượng tái tạo và Khách hàng sử dụng điện lớn trong trường hợp mua bán điện trực tiếp thông qua Đường dây kết nối riêng do hai bên thỏa thuận phù hợp với quy định tại Điều 22 Luật Điện lực 2004 và các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan, bao gồm các nội dung chính sau:
++ Chủ thể hợp đồng;
++ Mục đích sử dụng;
++ Tiêu chuẩn và chất lượng dịch vụ;
++ Quyền và nghĩa vụ của các bên;
++ Giá điện, phương thức và thời hạn thanh toán;
++ Điều kiện chấm dứt hợp đồng;
++ Trách nhiệm do vi phạm hợp đồng;
++ Thời hạn của hợp đồng;
++ Trách nhiệm đầu tư, xây dựng, quản lý vận hành Đường dây kết nối riêng;
++ các nội dung khác do hai bên thỏa thuận;
+ Giá bán điện do hai bên thỏa thuận trừ trường hợp quy định tại khoản 4 Điều 6 Nghị định 80/2024/NĐ-CP.
- Đơn vị phát điện năng lượng tái tạo đàm phán, thỏa thuận và ký kết hợp đồng mua bán điện về công suất, sản lượng, giá đối với sản lượng điện dư với Tập đoàn Điện lực Việt Nam (hoặc đơn vị được ủy quyền) theo quy định.
- Ngoài các hoạt động mua bán điện trực tiếp qua đường dây kết nối riêng quy định tại các khoản 1 và 2 Điều 6 Nghị định 80/2024/NĐ-CP, Khách hàng sử dụng điện lớn được mua bán điện với Tổng công ty Điện lực (hoặc Đơn vị bản lẻ điện không phải Tổng công ty Điện lực) theo quy định.
- Trường hợp Đơn vị điện lực vừa thực hiện chức năng phát điện và chức năng bán lẻ điện tại các mô hình khu, cụm kết hợp mua điện từ hệ thống điện quốc gia
Đồng thời với các nguồn điện tại chỗ khác để bán lẻ điện cho các khách hàng sử dụng điện trong các mô hình khu, cụm, giá bán lẻ điện cho khách hàng được thực hiện theo Quy định về thực hiện giá bán điện do Bộ Công Thương ban hành.
Công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về điện lực được quy định như thế nào?
Tại Điều 6 Luật Điện lực 2004 có quy định về việc tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về điện lực. Theo đó,
- Các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Uỷ ban nhân dân các cấp, đơn vị điện lực trong phạm vi trách nhiệm của mình phối hợp với các cơ quan thông tin đại chúng và trường học tổ chức phổ biến, giáo dục và hướng dẫn nhân dân sử dụng điện an toàn, tiết kiệm, hiệu quả và chấp hành nghiêm chỉnh các quy định của pháp luật về điện lực.
- Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên trong phạm vi trách nhiệm của mình phối hợp với cơ quan quản lý nhà nước về hoạt động điện lực và sử dụng điện tuyên truyền, vận động nhân dân sử dụng điện an toàn, tiết kiệm, hiệu quả và chấp hành nghiêm chỉnh các quy định của pháp luật về điện lực.