Chính thức: Ngân hàng Nhà nước đấu thầu vàng miếng vào ngày 22/4/2024?
Theo quy định hiện nay thì đấu thầu vàng miếng là gì? Và khi nào Ngân hàng Nhà nước đấu thầu vàng miếng?
Chính thức: Ngân hàng Nhà nước đấu thầu vàng miếng vào ngày 22/4/2024?
Ngày 19/4, tại buổi họp báo thông tin kết quả hoạt động ngân hàng quý I của Ngân hàng Nhà nước, Phó Vụ trưởng phụ trách Vụ Quản lý ngoại hối (Ngân hàng Nhà nước) cho biết: Thứ Hai ngày 22/4, Ngân hàng Nhà nước sẽ tiến hành đấu thầu vàng.
Theo đó, ngay vào chiều ngày hôm nay 19/4, Ngân hàng Nhà nước sẽ có thông báo tới 15 doanh nghiệp vàng đủ điều kiện đấu thầu
Trước đó, Ngân hàng Nhà nước đã hoàn tất khâu chuẩn bị cho việc đấu thầu vàng miếng, nhằm tăng nguồn cung vàng ra thị trường, can thiệp kịp thời, xử lý ngay và luôn tình trạng giá vàng miếng trong nước và giá vàng quốc tế chênh lệch ở mức cao, bảo đảm thị trường vàng hoạt động an toàn, ổn định, lành mạnh, công khai, minh bạch và hiệu quả, theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Theo đó, Ngân hàng Nhà nước sẽ gửi thông báo trước 1 ngày đấu thầu. Sau khi công bố giá sàn, tổ chức tín dụng và doanh nghiệp kinh doanh vàng bắt đầu điền vào đơn thầu.
Các đơn vị trên có 30 phút để quyết định, khối lượng và giá mua. 1 giờ sau khi đóng thầu Ngân hàng Nhà nước sẽ công bố kết quả.
Các doanh nghiệp sẽ phải đặt cọc để tham gia đấu thầu, muộn nhất vào 17 giờ ngày nhận thông báo thầu.
Hiện có 26 đơn vị bao gồm cả ngân hàng thương mại và doanh nghiệp kinh doanh vàng thiết lập quan hệ giao dịch vàng miếng với Ngân hàng Nhà nước.
Trong số đó, đến thời điểm này có khoảng 15 đơn vị đủ điều kiện tham gia đấu thầu. Loại vàng mang ra đấu thầu là vàng miếng SJC.
Như vậy, Ngân hàng Nhà nước đấu thầu vàng miếng vào Thứ Hai ngày 22/4/2024.
Thông tin tham khảo: https://xaydungchinhsach.chinhphu.vn/ngay-22-4-nhnn-dau-thau-vang-mieng-119240419125844884.htm
Đấu thầu vàng miếng là gì?
Tại khoản 3 Điều 2 Thông tư 06/2013/TT-NHNN định nghĩa đấu thầu vàng miếng hay mua bán vàng miếng qua đấu thầu như sau:
Giải thích từ ngữ
Tại Thông tư này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:
1. “Người đại diện giao dịch của tổ chức tín dụng, doanh nghiệp” là người đại diện hợp pháp của tổ chức tín dụng, doanh nghiệp trong giao dịch mua, bán vàng miếng với Ngân hàng Nhà nước.
2. “Mua, bán vàng miếng trực tiếp” là hình thức mua, bán trong đó Ngân hàng Nhà nước quyết định và công bố giá, khối lượng, đối tác mua, bán vàng miếng.
3. “Mua, bán vàng miếng qua đấu thầu” là hình thức mua, bán trong đó Ngân hàng Nhà nước thực hiện đấu thầu để xác định đối tác, giá và khối lượng vàng miếng mua, bán.
4. “Đấu thầu theo giá” là hình thức đấu thầu mà các thành viên tham gia đấu thầu đưa ra các mức giá dự thầu để xác định mức giá và khối lượng vàng miếng trúng thầu.
5. “Đấu thầu theo khối lượng” là hình thức đấu thầu mà các thành viên tham gia đấu thầu đăng ký khối lượng dự thầu để xác định khối lượng trúng thầu tại mức giá do Ngân hàng Nhà nước công bố.
6. “Lô vàng miếng” là đơn vị khối lượng trong giao dịch mua, bán vàng miếng giữa Ngân hàng Nhà nước với các tổ chức tín dụng, doanh nghiệp. Khối lượng của một lô vàng miếng do Ngân hàng Nhà nước quyết định và thông báo trước thời điểm giao dịch.
Như vậy, đấu thầu vàng miếng hay mua bán vàng miếng qua đấu thầu được hiểu là hình thức mua, bán trong đó Ngân hàng Nhà nước thực hiện đấu thầu để xác định đối tác, giá và khối lượng vàng miếng mua, bán.
Chính thức: Ngân hàng Nhà nước đấu thầu vàng miếng vào ngày 22/4/2024? (Hình từ Internet)
Phương án mua, bán vàng miếng của Ngân hàng Nhà nước được quy định cụ thể ra sao?
Căn cứ Điều 11 Thông tư 06/2013/TT-NHNN một số cụm từ bị thay thế bởi điểm a khoản 7 Điều 2 Thông tư 12/2023/TT-NHNN, phương án mua, bán vàng miếng của Ngân hàng Nhà nước cụ thể như sau:
- Vụ Quản lý Ngoại hối làm đầu mối phối hợp với Vụ Chính sách tiền tệ và Cục Quản lý dự trữ ngoại hối nhà nước xây dựng và trình Trưởng ban điều hành Dự trữ ngoại hối thông qua để trình Thống đốc phê duyệt phương án mua, bán vàng miếng can thiệp thị trường vàng trong từng thời kỳ.
- Phương án mua, bán vàng miếng bao gồm các nội dung:
+ Thời điểm can thiệp;
+ Loại vàng miếng mua, bán;
+ Tổng khối lượng vàng miếng mua, bán can thiệp; Khối lượng vàng miếng của một lô giao dịch mua, bán; Khối lượng vàng miếng tối thiểu, tối đa trong một giao dịch mua, bán với một đối tác; Bước giá, bước khối lượng dự thầu;
+ Hình thức mua, bán;
+ Đối tượng dự kiến thực hiện mua, bán;
+ Nguyên tắc xác định giá mua, bán (đối với hình thức mua, bán trực tiếp); nguyên tắc xác định mức giá mua, giá bán (đối với hình thức đầu thầu theo khối lượng); nguyên tắc xác định mức giá sàn, giá trần (đối với hình thức đấu thầu theo giá);
+ Tỷ lệ đặt cọc, khối lượng tham chiếu, nguyên tắc xác định giá tham chiếu;
+ Nguyên tắc, căn cứ xác định giá và mức biến động giá vàng để quyết định ngừng mua, bán trong trường hợp mua, bán trực tiếp hoặc hủy đấu thầu;
+ Việc mua vàng, bán vàng trên tài khoản ở nước ngoài hoặc mua vàng ở nước ngoài để nhập khẩu vàng hoặc bán vàng ra nước ngoài để đối ứng với khối lượng vàng đã bán, mua can thiệp.
- Sau khi phương án mua, bán vàng miếng đã được phê duyệt, Cục Quản lý dự trữ ngoại hối nhà nước phối hợp với các Vụ, Cục có liên quan của Ngân hàng Nhà nước tổ chức thực hiện.
Trân trọng!