Ban hành Thông tư 04/2024/TT-NHNN hướng dẫn hoạt động thanh toán, chuyển tiền song phương Việt Nam- Lào?
Thông tư 04/2024/TT-NHNN hướng dẫn hoạt động thanh toán, chuyển tiền song phương Việt Nam- Lào được áp dụng đối với đối tượng nào?
Ban hành Thông tư hướng dẫn hoạt động thanh toán, chuyển tiền song phương Việt Nam - Lào?
Ngày 31/5/2024, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ban hành Thông tư 04/2024/TT-NHNN hướng dẫn hoạt động thanh toán, chuyển tiền song phương Việt Nam – Lào.
Theo đó, Thông tư 04/2024/TT-NHNN quy định các nội dung liên quan đến quản lý ngoại hối đối với các hoạt động sau:
- Thanh toán, chuyển tiền trong hoạt động mua bán hàng hóa và cung ứng dịch vụ giữa hai nước Việt Nam - Lào;
- Các hoạt động ngoại hối khác phục vụ hoạt động thanh toán, chuyển tiền song phương Việt Nam - Lào.
Đối tượng áp dụng Thông tư 04/2024/TT-NHNN:
- Người cư trú là tổ chức, cá nhân và người không cư trú là tổ chức, cá nhân Lào.
- Ngân hàng được phép.
Đồng tiền nào dùng để thanh toán trong hoạt động mua bán hàng hóa giữa Việt Nam- Lào?
Tại Điều 3 Thông tư 04/2024/TT-NHNN quy định về đồng tiền và phương thức thanh toán, chuyển tiền trong hoạt động mua bán hàng hóa và cung ứng dịch vụ giữa Việt Nam - Lào như sau:
Đồng tiền và phương thức thanh toán, chuyển tiền trong hoạt động mua bán hàng hóa và cung ứng dịch vụ giữa Việt Nam - Lào
1. Đồng tiền thanh toán, chuyển tiền trong hoạt động mua bán hàng hóa và cung ứng dịch vụ giữa Việt Nam - Lào là VND, LAK hoặc ngoại tệ tự do chuyển đổi.
2. Phương thức thanh toán, chuyển tiền trong hoạt động mua bán hàng hóa và cung ứng dịch vụ giữa Việt Nam - Lào bao gồm:
a) Thanh toán, chuyển tiền thông qua ngân hàng được phép;
b) Thanh toán bù trừ (thanh toán phần chênh lệch trong giao dịch bù trừ hàng hóa, dịch vụ xuất khẩu với hàng hóa, dịch vụ nhập khẩu trong hoạt động thương mại biên giới Việt Nam - Lào thông qua ngân hàng được phép).
Như vậy, đồng tiền dùng để thanh toán trong hoạt động mua bán hàng hóa và cung ứng dịch vụ giữa Việt Nam - Lào là VND, LAK hoặc ngoại tệ tự do chuyển đổi.
Ban hành Thông tư 04/2024/TT-NHNN hướng dẫn hoạt động thanh toán, chuyển tiền song phương Việt Nam- Lào? (Hình từ Internet)
Trách nhiệm của Ngân hàng được phép hoạt động thanh toán, chuyển tiền song phương giữa Việt Nam-Lào là gì?
Tại khoản 1 Điều 9 Thông tư 04/2024/TT-NHNN quy định về trách nhiệm của tổ chức, cá nhân như sau:
Trách nhiệm của tổ chức, cá nhân
1. Trách nhiệm của Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh, thành phố:
a) Hướng dẫn các tổ chức, cá nhân có liên quan chấp hành đầy đủ quy định tại Thông tư này;
b) Thanh tra, kiểm tra, giám sát các hoạt động ngoại hối quy định tại Thông tư này;
c) Phối hợp với các cơ quan, tổ chức có liên quan thực hiện quản lý hoạt động ngoại hối trên địa bàn theo quy định của pháp luật.
2. Trách nhiệm của ngân hàng được phép:
a) Chấp hành đầy đủ và hướng dẫn khách hàng thực hiện quy định tại Thông tư này;
b) Xem xét, kiểm tra, lưu giữ các giấy tờ, chứng từ phù hợp với các giao dịch thực tế để đảm bảo việc cung ứng các dịch vụ ngoại hối được thực hiện đúng mục đích và phù hợp với quy định của pháp luật;
c) Tuân thủ các quy định của pháp luật Việt Nam và Điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên khi thỏa thuận hợp tác thanh toán với ngân hàng của Lào.
3. Trách nhiệm của tổ chức, cá nhân có liên quan:
a) Xuất trình các giấy tờ, chứng từ theo quy định của ngân hàng được phép khi thực hiện các giao dịch ngoại hối và chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính xác thực của các loại giấy tờ, chứng từ đã xuất trình tại ngân hàng được phép;
b) Thực hiện quy định tại Thông tư này và quy định của pháp luật có liên quan.
Như vậy, Ngân hàng Nhà nước được phép hoạt động thanh toán, chuyển tiền song phương giữa Việt Nam-Lào có trách nhiệm:
- Chấp hành đầy đủ và hướng dẫn khách hàng thực hiện quy định;
- Xem xét, kiểm tra, lưu giữ các giấy tờ, chứng từ phù hợp với các giao dịch thực tế để đảm bảo việc cung ứng các dịch vụ ngoại hối được thực hiện đúng mục đích và phù hợp với quy định của pháp luật;
- Tuân thủ các quy định của pháp luật Việt Nam và Điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên khi thỏa thuận hợp tác thanh toán với ngân hàng của Lào.
Thời gian chốt số liệu báo cáo trong hoạt động thanh toán, chuyển tiền song phương giữa Việt Nam-Lào là khi nào?
Tại khoản 1 Điều 8 Thông tư 04/2024/TT-NHNN quy định về chế độ báo cáo như sau:
Chế độ báo cáo
1. Định kỳ hàng quý, chậm nhất trước ngày 20 của tháng đầu quý sau quý báo cáo, ngân hàng được phép thực hiện báo cáo tình hình xuất khẩu, nhập khẩu VND tiền mặt và LAK tiền mặt theo quy định tại Điều 7 Thông tư này (theo mẫu tại Phụ lục ban hành kèm theo Thông tư này). Thời gian chốt số liệu báo cáo được tính từ ngày 15 của tháng trước kỳ báo cáo đến ngày 14 của tháng cuối quý thuộc kỳ báo cáo. Báo cáo được gửi theo phương thức điện tử về địa chỉ hộp thư điện tử baocaongoaite@sbv.gov.vn của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và gửi Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh, thành phố nơi ngân hàng được phép thực hiện hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu VND tiền mặt, LAK tiền mặt.
2. Ngân hàng được phép báo cáo doanh số thanh toán xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ với Lào theo quy định về chế độ báo cáo thống kê của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.
Như vậy, thời gian chốt số liệu báo cáo được tính từ ngày 15 của tháng trước kỳ báo cáo đến ngày 14 của tháng cuối quý thuộc kỳ báo cáo.
Lưu ý: Thông tư 04/2024/TT-NHNN có hiệu lực từ 15/7/2024.