Tiêu chuẩn phân loại nợ thuế đối với hàng hóa xuất nhập khẩu được quy định như thế nào?

Bấm vào đây để xem bản dịch tiếng Anh của bài viết này Click HERE to see the English translation of this article
Ngày hỏi: 29/08/2023

Cho tôi hỏi tiền thuế nợ được phân loại thành các nhóm nào? Trường hợp nào bị cưỡng chế thi hành quyết định hành chính về quản lý thuế? Câu hỏi từ anh Biên (Vũng Tàu)

    • Tiền thuế nợ được phân loại thành các nhóm nào?

      Căn cứ khoản 2 Điều 4 Quy trình quản lý nợ thuế và khoản thu khác đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu ban hành kèm theo Quyết định 2317/QĐ-TCHQ năm 2022 quy định chỉ tiêu phân loại nợ:

      Chỉ tiêu phân loại nợ

      1. Tiền thuế và các khoản thu khác thuộc NSNN khi chưa hết thời hạn phải nộp theo quy định gồm tiền thuế và các khoản thu khác thuộc NSNN đang trong thời hạn bảo lãnh; tiền thuế của các tờ khai hải quan đã thông quan hoặc giải phóng hàng trong tháng của doanh nghiệp ưu tiên; nợ của doanh nghiệp đang trong thời gian gia hạn, nộp dần; tiền thuế và các khoản thu khác thuộc NSNN của doanh nghiệp cung ứng hàng hóa, dịch vụ được thanh toán bằng nguồn vốn NSNN nhưng chưa được thanh toán; tiền phạt VPHC trong thời hạn thi hành quyết định.

      2. Nhóm nợ có khả năng thu

      Nhóm nợ có khả năng thu gồm tất cả các khoản nợ phát sinh (trừ các trường hợp có thông tin xác định phân loại nợ theo khoản 3, 4, 5 Điều này) sắp xếp theo tiêu chí:

      a) Tiền thuế nợ quá hạn chưa quá 90 ngày: các khoản nợ thuế đã quá hạn từ 01 ngày đến 90 ngày kể từ ngày hết thời hạn nộp thuế.

      b) Tiền thuế nợ quá hạn quá 90 ngày: các khoản nợ thuế đã quá hạn quá 90 ngày kể từ ngày hết thời hạn nộp thuế.

      c) Nợ tiền phạt VPHC: khoản nợ phải nộp do quá thời hạn 10 ngày kể từ ngày nhận được quyết định xử phạt VPHC trong lĩnh vực hải quan hoặc quá thời hạn thi hành ghi trong quyết định xử phạt VPHC trong lĩnh vực hải quan.

      d) Nợ tiền chậm nộp thuế: khoản nợ phải nộp do chậm nộp tiền thuế so với thời hạn quy định, thời hạn gia hạn nộp thuế, thời hạn ghi trong quyết định ấn định thuế và văn bản xử lý về thuế của cơ quan có thẩm quyền.

      ...

      Như vậy, tiền thuế nợ được phân loại như sau:

      (1) Tiền thuế nợ có khả năng thu, bao gồm:

      - Tiền thuế nợ quá hạn chưa quá 90 ngày

      - Tiền thuế nợ quá hạn quá 90 ngày

      - Nợ tiền phạt vi phạm hành chính

      - Nợ tiền chậm nộp thuế

      - Nợ tiền chậm nộp phạt vi phạm hành chính

      - Nợ phí, lệ phí: khoản nợ phí hải quan; lệ phí đối với hàng hóa quá cảnh, phương tiện vận tải quá cảnh.

      (2) Nhóm nợ khó thu, bao gồm:

      - Nợ của người nộp thuế được pháp luật coi là đã chết, mất tích, mất năng lực hành vi dân sự chưa có đề nghị khoanh nợ, hồ sơ đề nghị xoá nợ.

      - Nợ của người nộp thuế đang trong quá trình giải thể.

      - Nợ của người nộp thuế đang trong thời gian làm thủ tục phá sản.

      - Nợ của người nộp thuế đang trong giai đoạn bị điều tra, khởi tố hình sự, thụ lý hoặc chờ kết luận của cơ quan pháp luật, chưa thực hiện được nghĩa vụ nộp thuế.

      - Nợ của người nộp thuế nhập khẩu linh kiện xe hai bánh gắn máy theo tỷ lệ nội địa hóa năm 2001, 2002.

      - Nợ của người nộp thuế không còn hoạt động tại địa chỉ đã đăng ký.

      - Nợ khó thu khác

      (3) Nhóm nợ được khoanh

      (4) Nhóm nợ chờ xử lý, bao gồm:

      - Nợ chờ miễn thuế, giảm thuế

      - Tiền thuế nợ đang khiếu nại

      Tiêu chuẩn phân loại nợ thuế đối với hàng hóa xuất nhập khẩu được quy định như thế nào? (Hình từ Internet)

      Trường hợp nào bị cưỡng chế thi hành quyết định hành chính về quản lý thuế?

      Căn cứ Điều 124 Luật Quản lý thuế 2019 quy định trường hợp bị cưỡng chế thi hành quyết định hành chính về quản lý thuế, bao gồm:

      - Người nộp thuế có tiền thuế nợ quá 90 ngày kể từ ngày hết thời hạn nộp theo quy định.

      - Người nộp thuế có tiền thuế nợ khi hết thời hạn gia hạn nộp tiền thuế.

      - Người nộp thuế có tiền thuế nợ có hành vi phát tán tài sản hoặc bỏ trốn.

      - Người nộp thuế không chấp hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính về quản lý thuế theo thời hạn ghi trên quyết định xử phạt vi phạm hành chính về quản lý thuế, trừ trường hợp được hoãn hoặc tạm đình chỉ thi hành quyết định xử phạt.

      - Chưa thực hiện biện pháp cưỡng chế thuế đối với trường hợp người nộp thuế được cơ quan quản lý thuế khoanh tiền thuế nợ trong thời hạn khoanh nợ; không tính tiền chậm nộp thuế theo quy định; được nộp dần tiền thuế nợ trong thời hạn nhưng không quá 12 tháng kể từ ngày bắt đầu của thời hạn cưỡng chế thuế.

      - Không thực hiện biện pháp cưỡng chế đối với người nộp thuế có nợ phí hải quan và lệ phí hàng hóa, phương tiện quá cảnh.

      - Cá nhân là người đại diện theo pháp luật của người nộp thuế phải hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế của doanh nghiệp đang bị cưỡng chế thi hành quyết định hành chính về quản lý thuế trước khi xuất cảnh và có thể bị tạm hoãn xuất cảnh theo quy định của pháp luật về xuất cảnh, nhập cảnh.

      Cơ quan thuế áp dụng các biện pháp nào nhằm cưỡng chế thi hành quyết định hành chính về quản lý thuế?

      Tại khoản 1 Điều 125 Luật Quản lý thuế 2019 quy định các biện pháp cưỡng chế thi hành quyết định hành chính về quản lý thuế bao gồm:

      - Trích tiền từ tài khoản của đối tượng bị cưỡng chế thi hành quyết định hành chính về quản lý thuế tại Kho bạc Nhà nước, ngân hàng thương mại, tổ chức tín dụng khác; phong tỏa tài khoản;

      - Khấu trừ một phần tiền lương hoặc thu nhập;

      - Dừng làm thủ tục hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu;

      - Ngừng sử dụng hóa đơn;

      - Kê biên tài sản, bán đấu giá tài sản kê biên theo quy định của pháp luật;

      - Thu tiền, tài sản khác của đối tượng bị cưỡng chế thi hành quyết định hành chính về quản lý thuế do cơ quan, tổ chức, cá nhân khác đang nắm giữ;

      - Thu hồi giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, giấy chứng nhận đăng ký hợp tác xã, giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, giấy phép thành lập và hoạt động, giấy phép hành nghề.

      Trân trọng!

    Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của LawNet . Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email: nhch@lawnet.vn

    Căn cứ pháp lý của tình huống
    THÔNG TIN NGƯỜI TRẢ LỜI
    Hãy để GOOGLE hỗ trợ bạn