Cách tính và nộp thuế giá trị gia tăng đối với trường hợp sản xuất, kinh doanh mặt hàng khác nhau không xác định được áp dụng thuế GTGT 8% hay 10%?
Cho tôi hỏi: Trường hợp sản xuất, kinh doanh mặt hàng khác nhau không xác định được áp dụng thuế GTGT 8% hay 10% thì tính và nộp thuế giá trị gia tăng như thế nào?- Câu hỏi của chị Loan (Hà Nội).
Cách tính và nộp thuế GTGT đối với trường hợp sản xuất, kinh doanh mặt hàng khác nhau không xác định được áp dụng thuế GTGT 8% hay 10%?
Tại Công văn 5435/TCT-CS năm 2023 hướng dẫn về nộp thuế GTGT như sau:
...
Trường hợp Công ty TNHH Kim Thành Việt Nam kê khai thuế GTGT theo phương pháp khấu trừ bán hàng hóa, dịch vụ cho người mua thì đề nghị Công ty TNHH Kim Thành Việt Nam đối chiếu hàng hóa, dịch vụ mà Công ty sản xuất, kinh doanh với các nhóm hàng hóa, dịch vụ được quy định tại Phụ lục I, II, III ban hành theo Nghị định số 44/2023/NĐ-CP , cụ thể:
- Trường hợp Công ty TNHH Kim Thành Việt Nam thực hiện hoạt động xây dựng, lắp đặt có thời điểm nghiệm thu, bàn giao công trình, hạng mục công trình, khối lượng xây dựng, lắp đặt hoàn thành, không phân biệt đã thu được tiền hay chưa thu được tiền được xác định từ ngày 01/7/2023 đến hết ngày 31/12/2023 thì thuộc trường hợp được giảm thuế GTGT theo quy định tại Nghị định số 44/2023/NĐ-CP ;
- Trường hợp Công ty TNHH Kim Thành Việt Nam thực hiện sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ áp dụng thuế suất GTGT 10% và không thuộc Danh mục hàng hóa, dịch vụ không được giảm thuế GTGT quy định tại Phụ lục I, II, III ban hành kèm theo Nghị định số 44/2023/NĐ-CP ngày 30/6/2023 của Chính phủ thì thuộc đối tượng được giảm thuế GTGT theo quy định tại Nghị định số 44/2023/NĐ-CP từ ngày 01/7/2023 đến hết ngày 31/12/2023;
- Trường hợp Công ty TNHH Kim Thành Việt Nam thực hiện sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ thuộc Danh mục hàng hóa, dịch vụ không được giảm thuế GTGT quy định tại Phụ lục I, II, III ban hành theo Nghị định số 44/2023/NĐ-CP thì không được giảm thuế GTGT.
Trường hợp Công ty TNHH Kim Thành Việt Nam sản xuất, kinh doanh nhiều loại hàng hóa, dịch vụ có mức thuế suất GTGT khác nhau phải khai thuế GTGT theo từng mức thuế suất quy định đối với từng loại hàng hóa, dịch vụ; nếu Công ty không xác định được theo mức thuế suất thì phải tính và nộp thuế theo mức thuế suất cao nhất của hàng hóa, dịch vụ mà Công ty sản xuất, kinh doanh.
Như vậy, doanh nghiệp được giảm thuế GTGT 8% nếu như đáp ứng điều kiện sau:
- Kê khai thuế GTGT theo phương pháp khấu trừ bán hàng hóa, dịch vụ cho người mua.
- Việc sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ của doanh nghiệp đang áp dụng thuế suất GTGT 10% và không thuộc Danh mục hàng hóa, dịch vụ không được giảm thuế GTGT thì thuộc đối tượng được giảm thuế GTGT. Ngược lại nếu không đảm bảo yếu tố này thì doanh nghiệp không được giảm thuế
Nếu doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh mặt hàng khác nhau không xác định được áp dụng thuế GTGT 8% hay 10% thì phải tính và nộp thuế GTGT theo mức thuế suất cao nhất của hàng hóa, dịch vụ mà doanh nghiệp sản xuất.
Cách tính và nộp thuế giá trị gia tăng đối với trường hợp sản xuất, kinh doanh mặt hàng khác nhau không xác định được áp dụng thuế GTGT 8% hay 10%? (Hình từ Internet)
Thuế GTGT 8% năm 2024 áp dụng đến khi nào?
Tại Điều 2 Nghị định 94/2023/NĐ-CP quy định về hiệu lực thi hành như sau:
Hiệu lực thi hành và tổ chức thực hiện
1. Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 01 năm 2024 đến hết ngày 30 tháng 6 năm 2024.
2. Các bộ theo chức năng, nhiệm vụ và Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chỉ đạo các cơ quan liên quan triển khai tuyên truyền, hướng dẫn, kiểm tra, giám sát để người tiêu dùng hiểu và được thụ hưởng lợi ích từ việc giảm thuế giá trị gia tăng quy định tại Điều 1 Nghị định này, trong đó tập trung các giải pháp ổn định cung cầu hàng hóa, dịch vụ thuộc đối tượng giảm thuế giá trị gia tăng nhằm giữ bình ổn mặt bằng giá cả thị trường (giá chưa có thuế giá trị gia tăng) từ ngày 01 tháng 01 năm 2024 đến hết ngày 30 tháng 6 năm 2024.
3. Trong quá trình thực hiện nếu phát sinh vướng mắc giao Bộ Tài chính hướng dẫn, giải quyết.
4. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Nghị định này.
Như vậy, việc giảm thuế GTGT còn 8% theo Nghị định 94/2023/NĐ-CP áp dụng từ ngày 01/01/2024 đến 30/06/2024 đối với các nhóm hàng hóa, dịch vụ đang áp dụng mức thuế suất 10%, trừ các loại hàng hóa dịch vụ quy định cụ thể tại Nghị định 94/2023/NĐ-CP.
Hàng hoá dịch vụ nào không được áp dụng thuế GTGT 8% theo Nghị định 94?
Tại Điều 1 Nghị định 94/2023/NĐ-CP hàng hoá dịch vụ không được áp dụng thuế GTGT 8% bao gồm:
- Viễn thông, hoạt động tài chính, ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm, kinh doanh bất động sản, kim loại và sản phẩm từ kim loại đúc sẵn, sản phẩm khai khoáng (không kể khai thác than), than cốc, dầu mỏ tinh chế, sản phẩm hoá chất.
- Sản phẩm hàng hóa và dịch vụ chịu thuế tiêu thụ đặc biệt
- Công nghệ thông tin theo pháp luật về công nghệ thông tin.
- Việc giảm thuế giá trị gia tăng cho từng loại hàng hóa, dịch vụ được áp dụng thống nhất tại các khâu nhập khẩu, sản xuất, gia công, kinh doanh thương mại. Đối với mặt hàng than khai thác bán ra (bao gồm cả trường hợp than khai thác sau đó qua sàng tuyển, phân loại theo quy trình khép kín mới bán ra) thuộc đối tượng giảm thuế giá trị gia tăng. Mặt hàng than thuộc Phụ lục 1 ban hành kèm theo Nghị định 94/2023/NĐ-CP, tại các khâu khác ngoài khâu khai thác bán ra không được giảm thuế giá trị gia tăng.
Các tổng công ty, tập đoàn kinh tế thực hiện quy trình khép kín mới bán ra cũng thuộc đối tượng giảm thuế giá trị gia tăng đối với mặt hàng than khai thác bán ra.
Trường hợp hàng hóa, dịch vụ được nêu tại các Phụ lục I, II và III ban hành kèm theo Nghị định 94/2023/NĐ-CP thuộc đối tượng không chịu thuế giá trị gia tăng hoặc đối tượng chịu thuế giá trị gia tăng 5% theo quy định của Luật Thuế giá trị gia tăng thì thực hiện theo quy định của Luật Thuế giá trị gia tăng và không được giảm thuế giá trị gia tăng.
Trân trọng!









