Có thể tố cáo việc cố tình chiếm giữ bất hợp pháp phí bảo trì chung cư?
Bạn đọc gửi câu hỏi: Chúng tôi là đại diện của những hộ dân đang sinh sống tại một khu chung cư thu nhập thấp ở Hà Nội. Dù Ban quản trị tòa nhà đã được thành lập hơn 2 năm nhưng đến nay Chủ đầu tư vẫn chưa bàn giao tiền bảo trì căn hộ cho Ban quản trị dù chúng tôi đã yêu cầu nhiều lần.
Xin luật sư tư vấn giúp chúng tôi cách thức để yêu cầu Chủ đầu tư thực hiện đúng các quy định của Luật Nhà ở, đảm bảo quyền lợi ích hợp pháp cho những người đang sống trong chung cư?
Email: banquantrid7@gmail.com
Theo khoản 3 điều 3 Luật Nhà ở 2014 thì Nhà chung cư là nhà có từ 2 tầng trở lên, có nhiều căn hộ, có lối đi, cầu thang chung, có phần sở hữu riêng, phần sở hữu chung và hệ thống công trình hạ tầng sử dụng chung cho các hộ gia đình, cá nhân, tổ chức, bao gồm nhà chung cư được xây dựng với mục đích để ở và nhà chung cư được xây dựng có mục đích sử dụng hỗn hợp để ở và kinh doanh.
Do đặc điểm này nên trong quá trình tổ chức, hoạt động của chung cư và những người sinh sống trong chung cư có tổ chức "Hội nghị nhà Chung cư" để bầu ra Ban quản trị nhà Chung cư. Theo đó điều 103, Luật Nhà ở quy định về Ban quản trị nhà chung cư. Điều 104 quy định về "Quyền và trách nhiệm của Ban quản trị nhà chung cư". Theo đó, tại điểm B, khoản 1 quy định “b) Quản lý, sử dụng kinh phí bảo trì phần sở hữu chung của nhà chung cư theo quy định của Luật này và quyết định của Hội nghị nhà chung cư; báo cáo Hội nghị nhà chung cư việc thu, chi khoản kinh phí này;”....
Như vậy để đảm bảo quyền lợi cho người sử dụng chung cư thì ngay sau khi có Ban quản trị thì Chủ đầu tư có trách nhiệm và nghĩa vụ giao lại tiền phí bảo trì cho Ban quản trị quản lý để thực hiện quyền và nghĩa vụ của họ.
Hiện nay ở rất nhiều chung cư, phổ biến tình trạng Chủ đầu tư cố tình trì hoãn, giữ phí bảo trì không giao lại cho Ban quản trị quản lý
Trường hợp của Chung cư nơi bạn sinh sống, cố tình trì hoãn việc giao phí bảo trì có thể nhằm mục đích hưởng lợi là lãi phát sinh từ phí bảo trì hoặc cố tình sử dụng không hợp lý.
Đối với trường hợp này, ngoài việc Ban quản trị trực tiếp thương lượng, yêu cầu với Chủ đầu tư bằng văn bản để họ trao quyền quản lý phí bảo trì đúng luật thì Ban quản trị có thể gửi đơn tố cáo về việc cố tính chiếm đoạt phần phí bảo trì tại cơ quan công an nơi gần nhất.
Ngoài ra, Ban quản trị cũng có thể làm đơn khởi kiện Chủ đầu tư tại Tòa.
Thủ tục và cách thức tiến hành cụ thể xin vui lòng liên hệ với văn phòng của chúng tôi để được giải đáp.