Người sai phạm có bị xử lý không khi rút đơn khởi kiện vụ án dân sự?
Người sai phạm có bị xử lý không khi rút đơn khởi kiện vụ án dân sự? Thủ tục nhận và xử lý đơn khởi kiện được quy định như thế nào? Khiếu nại, kiến nghị và giải quyết khiếu nại, kiến nghị về việc trả lại đơn khởi kiện được quy định như thế nào?
Người sai phạm có bị xử lý không khi rút đơn khởi kiện vụ án dân sự?
Xin chào, tôi tên Sang Nguyễn sinh sống và làm việc tại Bến Tre. Vừa qua, phía bên nhà hàng xóm có trồng cây lấn sang đất nhà tôi, tôi nhiều lần nhắc nhở nhưng họ vẫn không quan tâm. Nhận thấy đây là hành vi xấm lấn đất nên tôi có làm đơn gửi lên UBND xã để mong giải quyết, tuy nhiên qua nhiều lần phía Ủy ban mời lên hòa giải mà họ vẫn không hợp tác. Nên sau khi hoàn thành các thủ tục tôi có nộp đơn lên Tòa án huyện. Tòa thụ lý, sau đó phía bên gia đình hàng xóm có qua gặp gia đình tôi nói chuyện, sau nhiều lần năn nỉ cũng như bồi thường về việc xâm lấn cây qua đất của tôi cũng như hứa không tái phạm. Nên tôi có lên Tòa rút đơn khời kiện về. Cho tôi hỏi: Rút đơn khởi kiện vụ án dân sự thì người sai phạm có bị xử lý gì không?
Trả lời:
Căn cứ theo quy định tại Điều 5 Bộ luật tố tụng dân sự 2015, quyền quyết định và tự định đoạt của đương sự được quy định như sau:
- Đương sự có quyền quyết định việc khởi kiện, yêu cầu Tòa án có thẩm quyền giải quyết vụ việc dân sự. Tòa án chỉ thụ lý giải quyết vụ việc dân sự khi có đơn khởi kiện, đơn yêu cầu của đương sự và chỉ giải quyết trong phạm vi đơn khởi kiện, đơn yêu cầu đó.
- Trong quá trình giải quyết vụ việc dân sự, đương sự có quyền chấm dứt, thay đổi yêu cầu của mình hoặc thỏa thuận với nhau một cách tự nguyện, không vi phạm điều cấm của luật và không trái đạo đức xã hội.
Như vậy, nếu bạn rút đơn khởi kiện yêu cầu giải quyết vụ việc dân sự, tòa án sẽ ra quyết định đình chỉ vụ án. Chị bạn kia cũng sẽ không phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về hành vi của mình.
Thủ tục nhận và xử lý đơn khởi kiện được quy định như thế nào?
Thủ tục nhận và xử lý đơn khởi kiện được quy định như thế nào? Xin chào quý Ban biên tập, tôi tên Kim Hằng sinh sống và làm việc tại Vĩnh Long, tôi và nhà hàng xóm đang xảy ra tranh chấp bất động sản liền kề, tôi có ý định đi kiện để bảo vệ quyền lợi của mình do đó tôi có tìm hiểu trước về thủ tục tố tụng, tuy nhiên tôi vẫn chưa hiểu lắm, nhờ Ban biên tập hỗ trợ giúp, cụ thể: Thủ tục nhận và xử lý đơn khởi kiện được quy định như thế nào? Văn bản nào quy định vấn đề này? Mong sớm nhận được câu trả lời từ Ban biên tập, chân thành cảm ơn! (0123**)
Trả lời:
Căn cứ quy định tại Điều 191 Bộ luật tố tụng dân sự 2015, thủ tục nhận và xử lý đơn khởi kiện được quy định như sau:
1. Tòa án qua bộ phận tiếp nhận đơn phải nhận đơn khởi kiện do người khởi kiện nộp trực tiếp tại Tòa án hoặc gửi qua dịch vụ bưu chính và phải ghi vào sổ nhận đơn; trường hợp Tòa án nhận đơn khởi kiện được gửi bằng phương thức gửi trực tuyến thì Tòa án in ra bản giấy và phải ghi vào sổ nhận đơn.
Khi nhận đơn khởi kiện nộp trực tiếp, Tòa án có trách nhiệm cấp ngay giấy xác nhận đã nhận đơn cho người khởi kiện. Đối với trường hợp nhận đơn qua dịch vụ bưu chính thì trong thời hạn 02 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đơn, Tòa án phải gửi thông báo nhận đơn cho người khởi kiện. Trường hợp nhận đơn khởi kiện bằng phương thức gửi trực tuyến thì Tòa án phải thông báo ngay việc nhận đơn cho người khởi kiện qua Cổng thông tin điện tử của Tòa án (nếu có).
2. Trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được đơn khởi kiện, Chánh án Tòa án phân công một Thẩm phán xem xét đơn khởi kiện.
3. Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày được phân công, Thẩm phán phải xem xét đơn khởi kiện và có một trong các quyết định sau đây:
a) Yêu cầu sửa đổi, bổ sung đơn khởi kiện;
b) Tiến hành thủ tục thụ lý vụ án theo thủ tục thông thường hoặc theo thủ tục rút gọn nếu vụ án có đủ điều kiện để giải quyết theo thủ tục rút gọn quy định tại khoản 1 Điều 317 của Bộ luật này;
c) Chuyển đơn khởi kiện cho Tòa án có thẩm quyền và thông báo cho người khởi kiện nếu vụ án thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án khác;
d) Trả lại đơn khởi kiện cho người khởi kiện nếu vụ việc đó không thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án.
4. Kết quả xử lý đơn của Thẩm phán quy định tại khoản 3 Điều này phải được ghi chú vào sổ nhận đơn và thông báo cho người khởi kiện qua Cổng thông tin điện tử của Tòa án (nếu có).
Khiếu nại, kiến nghị và giải quyết khiếu nại, kiến nghị về việc trả lại đơn khởi kiện được quy định như thế nào?
Khiếu nại, kiến nghị và giải quyết khiếu nại, kiến nghị về việc trả lại đơn khởi kiện được quy định như thế nào? Xin chào quý Ban biên tập, tôi tên Khánh Lâm sinh sống và làm việc tại Bến Tre, tôi có nộp đơn khởi kiện lên Tòa án về tranh chấp đất đai, nhưng tôi đã bị trả lại đơn nên có ý định khiếu nại, do đó tôi có tìm hiểu trước một số quy định về thủ tục tố tụng nhưng vẫn chưa rõ lắm nhờ Ban biên tập hỗ trợ giúp, cụ thể: Khiếu nại, kiến nghị và giải quyết khiếu nại, kiến nghị về việc trả lại đơn khởi kiện được quy định như thế nào? Văn bản nào quy định vấn đề này? Mong sớm nhận được câu trả lời từ Ban biên tập, chân thành cảm ơn! (0123**)
Trả lời:
Căn cứ quy định tại Điều 194 Bộ luật tố tụng dân sự 2015, Khiếu nại, kiến nghị và giải quyết khiếu nại, kiến nghị về việc trả lại đơn khởi kiện được quy định như sau:
1. Trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày nhận được văn bản trả lại đơn khởi kiện, người khởi kiện có quyền khiếu nại, Viện kiểm sát có quyền kiến nghị với Tòa án đã trả lại đơn khởi kiện.
2. Ngay sau khi nhận được khiếu nại, kiến nghị về việc trả lại đơn khởi kiện, Chánh án Tòa án phải phân công một Thẩm phán khác xem xét, giải quyết khiếu nại, kiến nghị.
3. Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày được phân công, Thẩm phán phải mở phiên họp xem xét, giải quyết khiếu nại, kiến nghị. Phiên họp xem xét, giải quyết khiếu nại, kiến nghị có sự tham gia của đại diện Viện kiểm sát cùng cấp và đương sự có khiếu nại; trường hợp đương sự vắng mặt thì Thẩm phán vẫn tiến hành phiên họp.
4. Căn cứ vào tài liệu, chứng cứ có liên quan đến việc trả lại đơn khởi kiện, ý kiến của đại diện Viện kiểm sát và đương sự có khiếu nại tại phiên họp, Thẩm phán phải ra một trong các quyết định sau đây:
a) Giữ nguyên việc trả lại đơn khởi kiện và thông báo cho đương sự, Viện kiểm sát cùng cấp;
b) Nhận lại đơn khởi kiện và tài liệu, chứng cứ kèm theo để tiến hành việc thụ lý vụ án.
5. Trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày nhận được quyết định trả lời khiếu nại, kiến nghị về việc trả lại đơn khởi kiện của Thẩm phán, người khởi kiện có quyền khiếu nại, Viện kiểm sát có quyền kiến nghị với Chánh án Tòa án trên một cấp trực tiếp xem xét, giải quyết.
6. Trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày nhận được khiếu nại, kiến nghị về việc trả lại đơn khởi kiện, Chánh án Tòa án trên một cấp trực tiếp phải ra một trong các quyết định sau đây:
a) Giữ nguyên việc trả lại đơn khởi kiện;
b) Yêu cầu Tòa án cấp sơ thẩm nhận lại đơn khởi kiện và tài liệu, chứng cứ kèm theo để tiến hành việc thụ lý vụ án.
Quyết định giải quyết khiếu nại, kiến nghị của Chánh án Tòa án trên một cấp trực tiếp có hiệu lực thi hành và được gửi ngay cho người khởi kiện, Viện kiểm sát cùng cấp, Viện kiểm sát đã kiến nghị và Tòa án đã ra quyết định trả lại đơn khởi kiện.
7. Trường hợp có căn cứ xác định quyết định giải quyết của Chánh án Tòa án trên một cấp trực tiếp quy định tại khoản 6 Điều này có vi phạm pháp luật thì trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày nhận được quyết định, đương sự có quyền khiếu nại, Viện kiểm sát có quyền kiến nghị với Chánh án Tòa án nhân dân cấp cao nếu quyết định bị khiếu nại, kiến nghị là của Chánh án Tòa án nhân dân cấp tỉnh hoặc với Chánh án Tòa án nhân dân tối cao nếu quyết định bị khiếu nại, kiến nghị là của Chánh án Tòa án nhân dân cấp cao.
Trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày nhận được khiếu nại của đương sự, kiến nghị của Viện kiểm sát thì Chánh án phải giải quyết. Quyết định của Chánh án là quyết định cuối cùng.
Trân trọng!









