Mặt khách quan của tội không truy cứu trách nhiệm hình sự người có tội

Nhận biết mặt khách quan của tội không truy cứu trách nhiệm hình sự người có tội qua dấu hiệu nào?

   a) Hành vi khách quan
 
    Người phạm tội không truy cứu trách nhiệm hình sự người có tội, có thể thực hiện một trong các hành vi sau:
 
    Thủ trưởng, Phó thủ trưởng Cơ quan điều tra ra quyết định không khởi tố vụ án, không khởi tố bị can, không kết luận điều tra vụ án; ra quyết định tạm đình chỉ hoặc đình chỉ điều tra đối với người mà mình biết rõ là có tội.
 
    Điều tra viên không lập hồ sơ vụ án; không triệu tập bị can hoặc có triệu tập nhưng không tiến hành hỏi cung bị can và những người tham gia tố tụng khác; không quyết định áp giải bị can; không thi hành lệnh bắt, tạm giữ, tạm giam, khám xét, thu giữ, tạm giữ; không tiến hành khám nghiệm hiện trường, khám nghiệm tử thi, đối chất, nhận dạng, thực nghiệm điều tra; không tiến hành các hoạt động điều tra theo sự phân công của Thủ trưởng Cơ quan điều tra.
 
    Viện trưởng, Phó viện trưởng Viện kiểm sát ra quyết định không khởi tố vụ án, không khởi tố bị can; ra quyết định tạm đình chỉ hoặc đình chỉ vụ án; quyết định không phục hồi điều tra, quyết định không phê chuẩn các quyết định của Cơ quan điều tra; không yêu cầu Cơ quan điều tra thay đổi quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can; không quyết định việc truy tố.    
 
    Kiểm sát viên không kiểm sát việc khởi tố, không kiểm sát các hoạt động điều tra và việc lập hồ sơ vụ án của Cơ quan điều tra; không đề ra yêu cầu điều tra; không triệu tập và hỏi cung bị can; không triệu tập và lấy lời khai của người làm chứng, người bị hại, nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án; không kiểm sát việc bắt, tạm giữ, tạm giam; không tham gia phiên tòa; không đọc cáo trạng, quyết định của Viện kiểm sát liên quan đến việc giải quyết vụ án; không hỏi, đưa ra chứng cứ và thực hiện việc luận tội.
 
    Trong các hành vi trên của người tiến hành tố tụng, có thể có hành vi chỉ là hành vi vi phạm tố tụng, nhưng nếu các hành vi đó đều nhằm mục đích để lọt người phạm tội hoặc để lọt tội phạm thì người tiến hành tố tụng vẫn bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội không truy cứu trách nhiệm hình sự người có tội.
 
    Khác với tội truy cứu trách nhiệm hình sự người không có tội, đối với tội không truy cứu trách nhiệm hình sự người có tội bao gồm cả hành vi không khởi tố vụ án của người có thẩm quyền, vì nếu không khởi tố vụ án thì cũng không có căn cứ để khởi tố bị can. Tuy nhiên, hành vi không khởi tố vụ án chỉ cấu thành tội phạm khi hành vi đó liền ngay trước hành vi khởi tố bị can, nếu không khởi tố vụ án thì không thể khởi tố bị can được; nếu chưa xác định được bị can mà không khởi tố vụ án hoặc hành vi không khởi tố vụ án của những người chỉ có thẩm quyền khởi tố vụ án, chứ không có thẩm quyền khởi tố bị can thì không cấu thành tội phạm này. Như những người có thẩm quyền của Bộ đội biên phòng, hải quan, kiểm lâm, lực lượng cảnh sát biển và cơ quan khác của công an nhân dân, Quân đội nhân dân được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra quy định tại Điều 111 Bộ luật tố tụng hình sự (trừ trường hợp những người có thẩm quyền trong các chủ quan này được khởi tố bị can đối với tội phạm ít nghiêm trọng); Hội đồng xét xử khởi tố vụ án theo quy định tại khoản 1 Điều 104 Bộ luật tố tụng hình sự. Nếu những người này không khởi tố vụ án thì những người có thẩm quyền như Thủ trưởng, Phó thủ trưởng Cơ quan điều tra; Viện trưởng, Phó viện trưởng Viện kiểm sát, điều tra viên, kiểm sát viên vẫn có quyền khởi tố vụ án, khởi tố bị can.
 
    Trường hợp cố tình không truy cứu trách nhiệm hình sự người có tội bằng cách lấy bớt hoặc thêm vào hồ sơ vụ án những tài liệu làm tình tiết gỡ tội cho người phạm tội hoặc sửa chữa tài liệu trong hồ sơ vụ án để làm căn cứ đình chỉ vụ án đối với người phạm tội, thì người có hành vi này bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội làm sai lệch hồ sơ vụ án theo quy định tại Điều 300 Bộ luật hình sự, vì hành vi này được quy định thành một tội độc lập và tội làm sai lệch hồ sơ vụ án là tội nặng hơn so với tội không truy cứu trách nhiệm hình sự người có tội.
 
    b) Hậu quả
    Hậu quả không phải là dấu hiệu bắt buộc của tội phạm này. Tuy nhiên, nếu hậu quả xảy ra thì tùy trường hợp người phạm tội có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo khoản 2 hoặc khoản 3 của điều luật.
 
    c) Các dấu hiệu khách quan khác
 
    Cũng như đối với tội truy cứu trách nhiệm hình sự người không có tội, điều luật không quy định dấu hiệu khách quan khác là dấu hiệu bắt buộc của cấu thành tội phạm, nhưng việc xác định thế nào là người có tội là vấn đề rất cần thiết khi xác định hành vi phạm tội.
 
    Người có tội với người bị coi là có tội khác nhau. Người có tội là người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội được quy định trong Bộ luật hình sự, do người có năng lực trách nhiệm hình sự thực hiện một cách cố ý hoặc vô ý, xâm phạm độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ Tổ quốc, xâm phạm chế độ chính trị, chế độ kinh tế, nền văn hóa, quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội, quyền, lợi ích hợp pháp khác của công dân, xâm phạm những lĩnh vực khác của trật tự pháp luật xã hội chủ nghĩa.
 
    Có tội là một hiện tượng khách quan và theo quy định của Bộ luật hình sự thì hành vi đó đã cấu thành tội phạm, còn người bị coi là có tội là người bị Tòa án kết án bằng một bản án và bản án đó đã có hiệu lực pháp luật; trong số những người bị Tòa án kết án có thể có người không có tội, nhưng về mặt pháp lý thì người đó vẫn bị coi là có tội.
 
    Không truy cứu trách nhiệm hình sự người có tội có thể không truy cứu tất cả các tội phạm mà họ thực hiện hoặc chỉ không truy cứu một hoặc một số tội phạm mà họ thực hiện còn các tội phạm khác vẫn truy cứu. Ví dụ: A phạm tội giết người và tàng trữ trái phép vũ khí quân dụng, nhưng chỉ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội tàng trữ trái phép vũ khí quân dụng còn tội giết người thì không bị truy cứu.
 
 

Cùng chủ đề
Hỏi đáp Pháp luật
Ban hành Nghị định 142/2024/NĐ-CP quản lý kho vật chứng và tài liệu, đồ vật?
Hỏi đáp Pháp luật
17 Biện pháp khẩn cấp tạm thời áp dụng trong tố tụng dân sự?
Hỏi đáp Pháp luật
Tình tiết tăng nặng hình thức kỷ luật của phạm nhân được áp dụng từ ngày 15/11/2024?
Hỏi đáp Pháp luật
Tình tiết giảm nhẹ hình thức kỷ luật của phạm nhân được áp dụng từ ngày 15/11/2024?
Hỏi đáp Pháp luật
Đã có Nghị định 118/2024/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Thi hành án hình sự?
Hỏi đáp Pháp luật
Tiền tạm ứng án phí được giải quyết thế nào khi tạm đình chỉ giải quyết vụ án dân sự?
Hỏi đáp Pháp luật
Mẫu đơn khởi kiện dân sự mới nhất năm 2024? Đơn khởi kiện dân sự phải có các nội dung chính nào?
lawnet.vn
Người được trợ giúp pháp lý có quyền khiếu nại người thực hiện trợ giúp pháp lý khi nào?
lawnet.vn
Các khiếu nại nào không được thụ lý giải quyết? Thời hiệu khiếu nại là bao nhiêu ngày?
lawnet.vn
Từ ngày 01/01/2025, đối tượng nào không được làm Hội thẩm nhân dân?
Tác giả: LawNet
Lượt xem: 0
Bài viết mới nhất

Đơn vị chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT.
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3935 2079
P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;