Điều kiện kê biên tài sản thế chấp để thi hành án

Chưa có bản dịch tiếng Anh của bài viết này, nhấn vào đây để quay về trang chủ tiếng Anh There is no English translation of this article. Click HERE to turn back English Homepage
Ngày hỏi: 19/10/2016

Bản án tuyên: Ông A phải trả cho ông B số tiền 500 triệu đồng. Qua thời gian tự nguyện thi hành án, ông A không tự nguyện thi hành. Chấp hành viên tiến hành xác minh và phát hiện ông A có tài sản đang đứng tên thế chấp tại ngân hàng với số tiền là 1 tỷ đồng, gồm 2 quyền sử dụng đất và 1 quyền sở hữu nhà ở: - Quyền sử dụng đất với diện tích 500m2 đất thổ cư do ông A đứng tên. - Quyền sử dụng đất với diện tích 800m2 đất thổ cư do mẹ của ông A đứng tên. - Quyền sở hữu nhà ở do mẹ ông A đứng tên (trên diện tích 800m2 đất thổ cư) Mẹ ông A bảo lãnh cho ông A thế chấp. Qua khảo sát giá trị quyền sử dụng đất do ông A đứng tên thì chỉ có giá trị khoảng 600.000.000 đồng. Nếu Chấp hành viên chỉ kê biên quyền sử dụng đất của ông A thì không đủ để thanh toán cho ngân hàng. Như vậy, Chấp hành viên có được quyền kê biên toàn bộ tài sản thế chấp nêu trên để thanh toán cho ngân hàng và thanh toán cho người được thi hành án hay không? Mong nhận được tư vấn của Ban biên tập Thư Ký Luật. Chân thành cảm ơn!

    • Theo quy định tại Điều 90 Luật Thi hành án dân sự 2008 thì việc kê biên, xử lý tài sản của người phải thi hành án đang thế chấp phải đảm bảo hai điều kiện sau đây:

      - Người phải thi hành án không còn tài sản nào khác hoặc có tài sản nhưng không đủ để thi hành án.

      - Giá trị của tài sản đó lớn hơn nghĩa vụ được bảo đảm và chi phí cưỡng chế thi hành án.

      Trong trường hợp bạn hỏi, tài sản ông A đứng tên thế chấp có hai loại tài sản là của mẹ ông A bảo lãnh cho ông A vay tiền (Quyền sử dụng đất với diện tích 800m2 đất thổ cư và quyền sở hữu nhà ở do mẹ ông A đứng tên trên diện tích 800m2 đất thổ cư). Ông A chỉ có quyền sử dụng đất với diện tích 500m2 đất thổ cư do ông A đứng tên, thì cơ quan thi hành án chỉ có quyền xem xét việc xử lý quyền sử dụng đất của ông A để thi hành án. Vì vậy, nếu ông A, mẹ ông A và ngân hàng không đồng ý thì Chấp hành viên không được quyền kê biên toàn bộ tài sản thế chấp nêu trên để thanh toán cho ngân hàng và thanh toán cho người được thi hành án.

      Ông A phải thi hành án trả cho ông B số tiền 500 triệu đồng (chưa kể lãi chậm thi hành án), nhưng giá trị quyền sử dụng đất của ông A chưa có con số cụ thể để đảm bảo thi hành án là bao nhiêu tiền trong số tiền 01 tỷ đồng ông A đã vay của ngân hàng, thì Chấp hành viên không được quyền chủ động kê biên quyền sử dụng đất của ông A đã thế chấp nêu trên. Trong trường hợp quyền sử dụng đất của ông A được thế chấp hợp pháp có giá trị bằng hoặc nhỏ hơn nghĩa vụ phải thanh toán cho khoản tiền vay của ông A bảo đảm bằng quyền sử dụng đất đó thì căn cứ Điều 6 Thông tư liên tịch số 11/2016/TTLT-BTP-TANDTC-VKSNDTC ngày 01/8/2016 của Bộ Tư pháp, Toà án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Chấp hành viên phải thông báo cho ngân hàng nhận thế chấp biết nghĩa vụ của người phải thi hành án; yêu cầu ngân hàng nhận thế chấp thông báo để cơ quan thi hành án kê biên tài sản đã thế chấp khi người vay thanh toán hợp đồng đã ký hoặc để kê biên phần tiền, tài sản còn lại (nếu có) sau khi tài sản bị bên nhận thế chấp xử lý để thanh toán hợp đồng đã ký.

      Cơ quan thi hành án dân sự cần phối hợp chặt chẽ với ngân hàng trong việc xử lý tài sản để vừa thanh toán được tiền trả ngân hàng, vừa đảm bảo hiệu quả việc thi hành án.

      Trên đây là tư vấn về điều kiện kê biên tài sản thế chấp để thi hành án. Bạn nên tham khảo chi tiết Thông tư liên tịch số 11/2016/TTLT-BTP-TANDTC-VKSNDTC để nắm rõ quy định này.

      Trân trọng!

    Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của LawNet . Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email: nhch@lawnet.vn

    Căn cứ pháp lý của tình huống
    THÔNG TIN NGƯỜI TRẢ LỜI
    Hãy để GOOGLE hỗ trợ bạn