Cơ quan điều tra có được bí mật ghi âm, ghi hình trong quá trình điều tra không?

Cơ quan điều tra có được bí mật ghi âm, ghi hình trong quá trình điều tra không? Thẩm quyền, trách nhiệm quyết định và thi hành quyết định áp dụng biện pháp điều tra bí mật ghi âm, ghi hình thuộc về ai? Thời hạn áp dụng biện pháp điều tra ghi âm, ghi hình bí mật là bao lâu? 

Chào anh chị Luật sư, tôi có thắc mắc là trong quá trình điều tra thì phía cơ quan điều tra có được phép ghi âm, ghi hình hay không? Trong những trường hợp nào và ai có thẩm quyền, trách nhiệm quyết định và thi hành quyết định áp dụng biện pháp điều tra bí mật ghi âm, ghi hình?

Kính mong anh chị tư vấn giải đáp. Em cảm ơn.

1. Cơ quan điều tra có được bí mật ghi âm, ghi hình trong quá trình điều tra không?

Tại Điều 223 Bộ luật tố tụng hình sự 2015 quy định các biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt, như sau:

Sau khi khởi tố vụ án, trong quá trình điều tra, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng có thể áp dụng các biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt:

1. Ghi âm, ghi hình bí mật;

2. Nghe điện thoại bí mật;

3. Thu thập bí mật dữ liệu điện tử.

Theo Điều 224 Bộ luật tố tụng hình sự 2015 quy định trường hợp áp dụng biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt, cụ thể như sau:

Có thể áp dụng biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt đối với các trường hợp:

1. Tội xâm phạm an ninh quốc gia, tội phạm về ma túy, tội phạm về tham nhũng, tội khủng bố, tội rửa tiền;

2. Tội phạm khác có tổ chức thuộc loại tội phạm đặc biệt nghiêm trọng.

Như vậy, không phải trong mọi trường hợp đều có thể áp dụng biện pháp ghi âm, ghi hình bí mật mà chỉ khi thuộc các trường hợp nêu trên thì phía cơ quan điều tra mới được áp dụng các biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt như ghi âm, ghi hình bí mật.

2. Thẩm quyền, trách nhiệm quyết định và thi hành quyết định áp dụng biện pháp điều tra bí mật ghi âm, ghi hình thuộc về ai?

Căn cứ Điều 225 Bộ luật tố tụng hình sự 2015 quy định thẩm quyền, trách nhiệm quyết định và thi hành quyết định áp dụng biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt, như sau:

1. Thủ trưởng Cơ quan điều tra cấp tỉnh, Thủ trưởng Cơ quan điều tra quân sự cấp quân khu trở lên tự mình hoặc theo yêu cầu của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh, Viện trưởng Viện kiểm sát quân sự cấp quân khu có quyền ra quyết định áp dụng biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt. Trường hợp vụ án do Cơ quan điều tra cấp huyện, Cơ quan điều tra quân sự khu vực thụ lý, điều tra thì Thủ trưởng Cơ quan điều tra cấp huyện, Thủ trưởng Cơ quan điều tra quân sự khu vực đề nghị Thủ trưởng Cơ quan điều tra cấp tỉnh, Thủ trưởng Cơ quan điều tra quân sự cấp quân khu xem xét, quyết định áp dụng.

2. Quyết định áp dụng biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt ghi rõ thông tin cần thiết về đối tượng bị áp dụng, tên biện pháp được áp dụng, thời hạn, địa điểm áp dụng, cơ quan tiến hành biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt và các nội dung quy định tại khoản 2 Điều 132 của Bộ luật này.

3. Quyết định áp dụng biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt phải được Viện trưởng Viện kiểm sát cùng cấp phê chuẩn trước khi thi hành. Thủ trưởng Cơ quan điều tra đã ra quyết định áp dụng có trách nhiệm kiểm tra chặt chẽ việc áp dụng biện pháp này, kịp thời đề nghị Viện kiểm sát hủy bỏ nếu xét thấy không còn cần thiết.

Cơ quan chuyên trách trong Công an nhân dân, Quân đội nhân dân theo quy định của pháp luật có trách nhiệm thi hành quyết định áp dụng biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt.

4. Thủ trưởng Cơ quan điều tra, Viện trưởng Viện kiểm sát có thẩm quyền và người thi hành quyết định áp dụng biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt phải giữ bí mật.

Theo đó, thẩm quyền, trách nhiệm quyết định và thi hành quyết định áp dụng biện pháp điều tra bí mật ghi âm ghi hình thuộc về các cá nhân, tổ chức theo quy định nêu trên.

3. Thời hạn áp dụng biện pháp điều tra ghi âm, ghi hình bí mật là bao lâu? 

Căn cứ Điều 226 Bộ luật tố tụng hình sự 2015 quy định thời hạn áp dụng biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt: 

1. Thời hạn áp dụng biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt không quá 02 tháng kể từ ngày Viện trưởng Viện kiểm sát phê chuẩn. Trường hợp phức tạp có thể gia hạn nhưng không quá thời hạn điều tra theo quy định của Bộ luật này.

2. Chậm nhất là 10 ngày trước khi hết thời hạn áp dụng biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt, nếu xét thấy cần gia hạn thì Thủ trưởng Cơ quan điều tra đã ra quyết định áp dụng phải có văn bản đề nghị Viện trưởng Viện kiểm sát đã phê chuẩn xem xét, quyết định việc gia hạn.

Với quy định này thì thời hạn áp dụng biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt bằng ghi âm, ghi hình bí mật là không quá 02 tháng kể từ ngày Viện trưởng Viện kiểm sát phê chuẩn.

Trân trọng!

Cùng chủ đề
Hỏi đáp Pháp luật
Tiền tạm ứng án phí được giải quyết thế nào khi tạm đình chỉ giải quyết vụ án dân sự?
Hỏi đáp Pháp luật
Mẫu đơn khởi kiện dân sự mới nhất năm 2024? Đơn khởi kiện dân sự phải có các nội dung chính nào?
lawnet.vn
Người được trợ giúp pháp lý có quyền khiếu nại người thực hiện trợ giúp pháp lý khi nào?
lawnet.vn
Các khiếu nại nào không được thụ lý giải quyết? Thời hiệu khiếu nại là bao nhiêu ngày?
lawnet.vn
Từ ngày 01/01/2025, đối tượng nào không được làm Hội thẩm nhân dân?
lawnet.vn
Quản tài viên là gì? Thu hồi chứng chỉ hành nghề Quản tài viên trong trường hợp nào?
lawnet.vn
Chi phí tố tụng trong tố tụng hình sự gồm những khoản nào? Ai có trách nhiệm chi trả?
lawnet.vn
Người nước ngoài có được làm hòa giải viên lao động không? Khi nào hòa giải viên lao động bị miễn nhiệm?
lawnet.vn
Khởi tố vụ án hình sự khác với khởi tố bị can như thế nào trong tố tụng hình sự?
lawnet.vn
Tiếp xúc lãnh sự là gì? Người mang quốc tịch nước ngoài bị tạm giam tại Việt Nam không được tiếp xúc lãnh sự trong trường hợp nào?
Tác giả: LawNet
Lượt xem: 0
Bài viết mới nhất

Đơn vị chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT.
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3935 2079
P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;