Từ 27/04/2023, gói thầu thuốc cơ sở y tế công lập lựa chọn nhà thầu không qua mạng không được dùng hình thức bảo đảm dự thầu bằng thư bảo lãnh của chi nhánh ngân hàng nước ngoài đúng không?

Bấm vào đây để xem bản dịch tiếng Anh của bài viết này Click HERE to see the English translation of this article
Ngày hỏi: 20/03/2023

Xin hỏi không được dùng bảo đảm dự thầu thuốc cơ sở y tế công lập bằng thư bảo lãnh của chi nhánh ngân hàng nước ngoài đối với lựa chọn nhà thầu không qua mạng đúng không? - Câu hỏi của Văn Bảo.

    • Từ 27/04/2023, gói thầu thuốc cơ sở y tế công lập lựa chọn nhà thầu không qua mạng không được dùng hình thức bảo đảm dự thầu bằng thư bảo lãnh của chi nhánh ngân hàng nước ngoài đúng không?

      Căn cứ Điều 30 Thông tư 15/2019/TT-BYT được sửa đổi bởi khoản 20 Điều 1 Thông tư 06/2023/TT-BYT quy định hình thức bảo đảm dự thầu như sau:

      Bảo đảm dự thầu, nộp hồ sơ dự thầu, hồ sơ đề xuất

      ...

      3. Hình thức bảo đảm dự thầu:

      Nhà thầu phải thực hiện biện pháp bảo đảm dự thầu trước thời điểm đóng thầu (trừ trường hợp quy định tại điểm c khoản này) theo các hình thức sau đây:

      a) Đối với gói thầu áp dụng lựa chọn nhà thầu qua mạng, nhà thầu thực hiện biện pháp bảo đảm dự thầu theo hình thức thư bảo lãnh do ngân hàng hoặc tổ chức tín dụng hoạt động hợp pháp tại Việt Nam phát hành.

      b) Đối với gói thầu áp dụng lựa chọn nhà thầu không qua mạng, nhà thầu được lựa chọn một trong các hình thức bảo đảm dự thầu sau đây:

      - Đặt cọc;

      - Ký quỹ;

      - Thư bảo lãnh do ngân hàng hoặc tổ chức tín dụng hoạt động hợp pháp tại Việt Nam phát hành.

      c) Đối với gói thầu có giá trị bảo đảm dự thầu dưới 10 triệu đồng, nhà thầu không cần nộp bảo lãnh dự thầu trước thời điểm đóng thầu. Trường hợp này, nhà thầu có cam kết về việc nếu được mời vào thương thảo hợp đồng nhưng không đến thương thảo hoặc từ chối thương thảo hợp đồng hoặc vi phạm quy định của pháp luật về đấu thầu dẫn đến không được hoàn trả giá trị bảo đảm dự thầu thì phải nộp một khoản tiền theo quy định của hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu. Nhà thầu sẽ bị nêu tên trên Hệ thống và bị khóa tài khoản trong vòng 06 tháng kể từ ngày Cục Quản lý đấu thầu, Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhận được văn bản đề nghị của bên mời thầu.

      4. Thời gian có hiệu lực của hồ sơ dự thầu, hồ sơ đề xuất do bên mời thầu quy định tại hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu nhưng tối đa là 180 ngày, kể từ ngày có thời điểm đóng thầu. Trường hợp cần thiết, có thể yêu cầu gia hạn thời gian có hiệu lực của hồ sơ dự thầu, hồ sơ đề xuất và phải bảo đảm tiến độ cung cấp thuốc của cơ sở y tế. Các nhà thầu phải nộp ít nhất 02 bộ (01 bản chính và 01 bản chụp) hồ sơ dự thầu hoặc hồ sơ đề xuất theo quy định tại hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu cho bên mời thầu trước thời điểm đóng thầu.

      Như vậy, từ ngày 27/04/2023, đối với gói thầu áp dụng lựa chọn nhà thầu không qua mạng, nhà thầu không được dùng hình thức bảo đảm dự thầu bằng thư bảo lãnh của chi nhánh ngân hàng nước ngoài. Nhà thầu chỉ được lựa chọn một trong các hình thức bảo đảm dự thầu sau đây:

      - Đặt cọc;

      - Ký quỹ;

      - Thư bảo lãnh do ngân hàng hoặc tổ chức tín dụng hoạt động hợp pháp tại Việt Nam phát hành.

      (Hình từ Internet)

      Căn cứ lập kế hoạch lựa chọn nhà thầu cung cấp thuốc tại các cơ sở y tế công lập là gì?

      Theo Điều 13 Thông tư 15/2019/TT-BYT được sửa đổi bởi khoản 12 Điều 1 Thông tư 06/2023/TT-BYT quy định như sau:

      Căn cứ lập kế hoạch lựa chọn nhà thầu

      1. Kế hoạch lựa chọn nhà thầu được lập hàng năm hoặc khi có nhu cầu tổ chức lựa chọn nhà thầu với các căn cứ sau đây:

      a) Nguồn ngân sách nhà nước:

      Dự toán mua thuốc từ nguồn ngân sách nhà nước năm kế hoạch được cấp có thẩm quyền giao. Trường hợp chưa được giao dự toán thì căn cứ vào thực tế mua thuốc, sử dụng thuốc từ nguồn ngân sách nhà nước của năm trước liền kề và dự kiến nhu cầu sử dụng thuốc trong năm để lập kế hoạch;

      b) Nguồn quỹ bảo hiểm y tế, nguồn thu từ dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh:

      Căn cứ thực tế mua thuốc, sử dụng thuốc từ nguồn quỹ bảo hiểm y tế, nguồn thu dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh của năm trước liền kề và dự kiến nhu cầu sử dụng thuốc trong năm kế hoạch của cơ sở y tế.

      c) Đối với thuốc mua từ nguồn thu hợp pháp khác của đơn vị: căn cứ vào thực tế mua thuốc, sử dụng thuốc từ nguồn thu hợp pháp khác của năm trước liền kề và dự kiến nhu cầu sử dụng thuốc trong năm kế hoạch của cơ sở y tế.

      2. Trường hợp cơ sở y tế đã tổ chức lựa chọn nhà thầu và ký hợp đồng nhưng nhu cầu sử dụng vượt quá 20% số lượng trong hợp đồng đã ký (tính theo từng phần của gói thầu) thì cơ sở y tế phải xây dựng kế hoạch lựa chọn nhà thầu bổ sung để đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh của đơn vị mình.

      Căn cứ quy định trên, căn cứ lập kế hoạch lựa chọn nhà thầu cung cấp thuốc tại các cơ sở y tế công lập gồm:

      +) Nguồn ngân sách nhà nước

      +) Nguồn quỹ bảo hiểm y tế, nguồn thu từ dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh

      +) Đối với thuốc mua từ nguồn thu hợp pháp khác của đơn vị

      Nếu không có nhà thầu đáp ứng yêu cầu nêu trong hồ sơ mời thầu thuốc tại các cơ sở y tế công lập thì bên mời thầu xử lý các thuốc đó như thế nào?

      Tại khoản 5 Điều 35 Thông tư 15/2019/TT-BYT được sửa đổi bởi khoản 23 Điều 1 Thông tư 06/2023/TT-BYT có quy định phê duyệt và thông báo kết quả lựa chọn nhà thầu như sau:

      Phê duyệt và thông báo kết quả lựa chọn nhà thầu

      1. Trong thời hạn 10 ngày (với gói thầu quy mô nhỏ trong thời gian tối đa 5 ngày làm việc), kể từ ngày nhận đủ hồ sơ trình duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu của đơn vị tổ chức thẩm định quy định tại Khoản 3 Điều 34 Thông tư này, Thủ trưởng cơ sở y tế có trách nhiệm phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu.

      2. Khi kết quả lựa chọn nhà thầu được phê duyệt, bên mời thầu có trách nhiệm thông báo bằng văn bản kết quả lựa chọn nhà thầu cho các nhà thầu theo các quy định của pháp luật về đấu thầu.

      3. Đối với nhà thầu không được lựa chọn, trong thông báo bằng văn bản kết quả lựa chọn nhà thầu phải ghi rõ lý do nhà thầu không trúng thầu.

      4. Trường hợp gói thầu thuốc có nhiều phần riêng biệt mà thời gian đánh giá hồ sơ dự thầu có thể ảnh hưởng tới tiến độ cung cấp thuốc của cơ sở y tế thì bên mời thầu được xem xét, phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu cho một hoặc nhiều phần thành các đợt khác nhau để bảo đảm tiến độ cung cấp thuốc.

      5. Trường hợp có một phần hoặc nhiều phần thuộc gói thầu không có nhà thầu tham dự thầu hoặc không có nhà thầu đáp ứng yêu cầu nêu trong hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu hoặc không xử lý được theo quy định tại khoản 3 Điều 32 Thông tư này, bên mời thầu tách các thuốc đó thành gói thầu riêng để trình người có thẩm quyền hoặc đơn vị được phân cấp thẩm quyền phê duyệt điều chỉnh kế hoạch lựa chọn nhà thầu. Việc lựa chọn nhà thầu đối với các phần có nhà thầu tham dự và đánh giá đáp ứng yêu cầu về kỹ thuật vẫn được thực hiện theo quy định.

      Theo đó, trường hợp không có nhà thầu đáp ứng yêu cầu nêu trong hồ sơ mời thầu thuốc tại các cơ sở y tế công lập thì bên mời thầu tách các thuốc đó thành gói thầu riêng để trình người có thẩm quyền hoặc đơn vị được phân cấp thẩm quyền phê duyệt điều chỉnh kế hoạch lựa chọn nhà thầu.

      Việc lựa chọn nhà thầu đối với các phần có nhà thầu tham dự và đánh giá đáp ứng yêu cầu về kỹ thuật vẫn được thực hiện theo quy định.

      Trân trọng!

    Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của LawNet . Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email: nhch@lawnet.vn

    Căn cứ pháp lý của tình huống
    THÔNG TIN NGƯỜI TRẢ LỜI
    Hãy để GOOGLE hỗ trợ bạn