Người bán thịt lợn bị dịch tả châu Phi sẽ bị xử lý thế nào?

Thời gian vừa qua, cả nước đang có xảy ra tình trạng dịch bệnh, cụ thể là lợn bị dịch tả châu Phi, và nếu ăn phải thịt lợn bị mắc dịch này thì sẽ rất nguy hại đến sức khỏe. Nhưng tôi lo các thương lái, tiểu thương vì xót tiền mà sẽ tuồn thịt lợn bị dịch tả châu Phi ra ngoài thị trường. Nếu họ làm như vậy thì họ sẽ bị xử lý thế nào ạ?

Theo quy định tại Luật an toàn thực phẩm 2010 thì pháp luật hiện hành nghiêm cấm các tổ chức, cá nhân thực hiện hành vi sử dụng động vật chết do bệnh, dịch bệnh hoặc chết không rõ nguyên nhân, bị tiêu hủy để sản xuất, kinh doanh thực phẩm.

Trường hợp tổ chức, cá nhân nào có thực hiện hành vi vi phạm trên đây, thì tùy từng trường hợp cụ thể, tính chất, mức độ nguy hiểm của hành vi vi phạm mà tổ chức, cá nhân đó có thể bị xử phạt hành chính, hoặc nặng hơn thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật. Cụ thể như sau:

Trường hợp xử phạt hành chính

Tại Khoản 5 và Điểm b Khoản 8 Điều 8 Nghị định 90/2017/NĐ-CP có quy định:

"Điều 8. Vi phạm về chống dịch bệnh động vật trên cạn

5. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 6.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

a) Vận chuyển, buôn bán động vật, sản phẩm của động vật bị nhiễm bệnh dịch đã được công bố trong vùng bị dịch uy hiếp, vùng đệm;

b) Mang đi tiêu thụ thân thịt, phụ phẩm, sản phẩm khác của động vật bị giết mổ bắt buộc chưa được xử lý bảo đảm yêu cầu vệ sinh thú y;

c) Chăn nuôi hoặc xuất bán động vật mắc bệnh truyền nhiễm nguy hiểm khi cơ quan thú y có thẩm quyền đã yêu cầu phải giết mổ bắt buộc hoặc tiêu hủy;

d) Không tiêu hủy, giết mổ bắt buộc động vật mắc bệnh, có dấu hiệu mắc bệnh, động vật chết theo hướng dẫn của cơ quan quản lý chuyên ngành thú y.

...

8. Biện pháp khắc phục hậu quả:

...

b) Buộc tiêu hủy động vật, sản phẩm động vật đối với hành vi vi phạm quy định tại điểm a và điểm đ khoản 4, khoản 5, khoản 6 và khoản 7 Điều này."

Như vậy: Căn cứ quy định được trích dẫn trên đây thì trường hợp chủ thể có hành vi bán thịt lợn bị mắc bệnh dịch tả châu Phi sẽ bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 6.000.000 đồng và bị buộc phải tiêu hủy theo quy định của pháp luật.

Ngoài ra, Tại Điểm b Khoản 4 và Khoản 5 Điều 4 Nghị định 115/2018/NĐ-CP có quy định:

"Điều 4. Vi phạm quy định về sử dụng nguyên liệu để sản xuất, chế biến, cung cấp thực phẩm

4. Phạt tiền từ 80.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

b) Sử dụng động vật chết do bệnh, dịch bệnh hoặc động vật bị tiêu hủy theo quy định của pháp luật để chế biến thực phẩm hoặc cung cấp, bán thực phẩm có nguồn gốc từ động vật chết do bệnh, dịch bệnh hoặc động vật bị tiêu hủy mà sản phẩm trị giá từ 10.000.000 đồng trở lên mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự.

5. Phạt tiền từ 05 lần đến 07 lần giá trị sản phẩm vi phạm đối với hành vi quy định tại khoản 4 Điều này trong trường hợp áp dụng mức tiền phạt cao nhất của khung tiền phạt tương ứng mà vẫn còn thấp hơn 07 lần giá trị sản phẩm vi phạm mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự."

Như vậy: Căn cứ quy định được trích dẫn trên đây thì chủ thể sử dụng lợn bị dịch tả châu Phi để chế biến thực phẩm hoặc cung cấp, bán thực phẩm có nguồn gốc từ lợn bị dịch tả châu Phi mà sản phẩm trị giá từ 10.000.000 đồng trở lên mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự thì bị phạt tiền từ 80.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng.

Trường hợp phạt đến 100.000.000 đồng nhưng vẫn còn thấp hơn 07 lần giá trị sản phẩm vi phạm thì bị phạt từ 05 lần đến 07 lần giá trị sản phẩm vi phạm.

Trường hợp truy cứu trách nhiệm hình sự:

Theo quy định tại Điều 317 Bộ luật hình sự 2015 (được sửa đổi bởi Khoản 119 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017) thì người nào bán thịt lợn bị mắc bệnh dịch tả châu Phi mà sản phẩm trị giá từ 10.000.000 đồng trở lên hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính về một trong các hành vi quy định tại Điều này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm; hoặc gây ngộ độc ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của từ 05 người đến 20 người hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60% thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội vi phạm quy định về an toàn thực phẩm.

Tùy vào từng trường hợp cụ thể, tính chất, mức độ nguy hiểm của hành vi phạm tội mà người phạm tội có thể bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 01 năm đến 20 năm.

Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.

Trên đây là quan điểm tư vấn của chúng tôi đối với vấn đề mà bạn đang thắc mắc.

Trân trọng!

Cùng chủ đề
lawnet.vn
Bác sĩ không hành nghề bao lâu thì bị thu hồi giấy phép hành nghề? Thời gian thực hành cấp giấy phép hành nghề khám chữa bệnh đối với bác sĩ là bao lâu?
lawnet.vn
Mẫu đơn đề nghị cấp giấy phép hành nghề y đối với điều dưỡng cập nhập mới nhất 2024?
lawnet.vn
Đối tượng nào tham gia bảo hiểm y tế? Những khoản chi phí khám bệnh nào sẽ được quỹ bảo hiểm y tế chi trả?
lawnet.vn
Chính thức đã có Kế hoạch Tiêm chủng mở rộng năm 2025?
lawnet.vn
Bệnh bạch hầu là gì? Dấu hiệu và cách phòng tránh bệnh bạch hầu theo hướng dẫn của Bộ Y tế?
lawnet.vn
Bệnh lao là gì? Người nghi mắc bệnh lao có biểu hiện gì?
lawnet.vn
Thực phẩm bảo vệ sức khỏe là gì? Điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm trong sản xuất thực phẩm bảo vệ sức khỏe?
lawnet.vn
Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị bệnh rối loạn tự kỷ ở trẻ em theo quy định của Bộ Y tế?
lawnet.vn
Có được mua bán chất độc xyanua không? Giết người bằng chất độc xyanua thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự tội gì?
lawnet.vn
Giấy khám sức khỏe, sổ khám sức khỏe định kỳ được trả trong bao lâu?
Tác giả: LawNet
Lượt xem: 0
Bài viết mới nhất

Đơn vị chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT.
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3935 2079
P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;