Ngày 26 tháng 10 là ngày gì? Điều dưỡng có bắt buộc có giấy phép hành nghề không?
Ngày 26 tháng 10 là ngày gì?
Ngày 26/10/1990, Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng ban hành Quyết định 375-CT năm 1990 cho phép thành lập Hội Y tá - Điều dưỡng Việt Nam.
Như vậy, ngày 26 tháng 10 hằng năm là ngày Điều dưỡng Việt Nam
Ngày 26 tháng 10 được chọn là Ngày Điều dưỡng Việt Nam với mục đích biểu dương và thể hiện lòng biết ơn đối với những y tá và điều dưỡng đang ngày đêm tận tình chăm sóc bệnh nhân. Đây là ngày quan trọng để tri ân và dành những tình cảm đặc biệt đối với những người làm công việc điều dưỡng, tận tâm chăm sóc người bệnh.
Năm 1986, khi kỳ Đại hội 8, kỳ Đại hội đánh dấu bước ngoặt của đất nước diễn ra, tất cả các lĩnh vực kinh tế xã hội thay đổi toàn diện. Bộ Y tế bắt đầu xác định thành lập những trường đào tạo ngành Y trọng điểm.
Từ đó Trường Đại học Y Hà Nội, Trường Đại học Y Dược TP. Hồ Chí Minh chính thức được xây dựng, trở thành 2 trường có chuyên khoa đào tạo Điều dưỡng đầu tiên ở Việt Nam. Năm 1990, các Sở Y tế đã được thành lập khắp các địa phương trong cả nước, nhận thấy cần có một tổ chức sự nghiệp đảm bảo được quyền lợi cho ngành Điều dưỡng, đặc biệt là các Điều dưỡng viên.
Đến ngày 26/10/1990, Hội Điều dưỡng Việt Nam chính thức được thành lập. Kể từ đó ngày 26 hằng năm được quy định là ngày Điều dưỡng của Việt Nam.
Ngày 26 tháng 10 là ngày gì? Điều dưỡng có bắt buộc có giấy phép hành nghề không? (Hình từ Internet)
Điều dưỡng có bắt buộc có giấy phép hành nghề không?
Căn cứ Điều 26 Luật Khám bệnh, chữa bệnh 2023 quy định chức danh chuyên môn phải có giấy phép hành nghề:
Điều 26. Chức danh chuyên môn phải có giấy phép hành nghề
1. Chức danh chuyên môn phải có giấy phép hành nghề bao gồm:
a) Bác sỹ;
b) Y sỹ;
c) Điều dưỡng;
d) Hộ sinh;
đ) Kỹ thuật y;
e) Dinh dưỡng lâm sàng;
g) Cấp cứu viên ngoại viện;
h) Tâm lý lâm sàng;
i) Lương y;
k) Người có bài thuốc gia truyền hoặc có phương pháp chữa bệnh gia truyền.
2. Chính phủ quy định chức danh chuyên môn và điều kiện cấp mới, cấp lại, gia hạn, điều chỉnh, đình chỉ hành nghề, thu hồi giấy phép hành nghề đối với chức danh chuyên môn được bổ sung ngoài các chức danh quy định tại khoản 1 Điều này phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước trong từng thời kỳ sau khi báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
3. Bộ trưởng Bộ Y tế quy định phạm vi hành nghề đối với từng chức danh chuyên môn.
Như vậy, điều dưỡng là một trong các chức danh chuyên môn phải có giấy phép hành nghề khám chữa bệnh.
Giấy phép hành nghề khám chữa bệnh bị thu hồi trong trường hợp nào?
Căn cứ Điều 35 Luật Khám bệnh, chữa bệnh 2023 quy định thu hồi giấy phép hành nghề:
Điều 35. Thu hồi giấy phép hành nghề
1. Giấy phép hành nghề bị thu hồi trong trường hợp sau đây:
a) Hồ sơ đề nghị cấp giấy phép hành nghề không đúng quy định;
b) Giả mạo tài liệu trong hồ sơ đề nghị cấp giấy phép hành nghề;
c) Cấp sai chức danh chuyên môn hoặc phạm vi hành nghề trong giấy phép hành nghề so với hồ sơ đề nghị cấp giấy phép hành nghề;
d) Người hành nghề không hành nghề trong thời gian 24 tháng liên tục, trừ trường hợp tham gia chương trình đào tạo chuyên khoa;
đ) Người hành nghề thuộc một trong các trường hợp bị cấm hành nghề quy định tại các khoản 1, 2, 3, 4 và 6 Điều 20 của Luật này;
[...]
Như vậy, giấy phép hành nghề khám chữa bệnh bị thu hồi trong trường hợp sau:
[1] Hồ sơ đề nghị cấp giấy phép hành nghề không đúng quy định
[2] Giả mạo tài liệu trong hồ sơ đề nghị cấp giấy phép hành nghề
[3] Cấp sai chức danh chuyên môn hoặc phạm vi hành nghề trong giấy phép hành nghề so với hồ sơ đề nghị cấp giấy phép hành nghề
[4] Người hành nghề không hành nghề trong thời gian 24 tháng liên tục, trừ trường hợp tham gia chương trình đào tạo chuyên khoa
[5] Người hành nghề thuộc một trong các trường hợp bị cấm hành nghề sau:
- Đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự về hành vi vi phạm pháp luật có liên quan đến chuyên môn kỹ thuật.
- Đang trong thời gian thi hành án treo, án phạt cải tạo không giam giữ về hành vi vi phạm pháp luật có liên quan đến chuyên môn kỹ thuật.
- Đang trong thời gian thử thách đối với người bị kết án phạt tù có liên quan đến chuyên môn kỹ thuật nhưng được tha tù trước thời hạn có điều kiện.
- Đang trong thời gian thi hành án phạt tù hoặc đang bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc.
- Mất năng lực hành vi dân sự hoặc có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi hoặc hạn chế năng lực hành vi dân sự.
[6] Người hành nghề bị Hội đồng chuyên môn xác định có sai sót chuyên môn kỹ thuật đến mức phải thu hồi giấy phép hành nghề;
[7] Người hành nghề lần thứ hai bị Hội đồng chuyên môn xác định có sai sót chuyên môn kỹ thuật đến mức phải đình chỉ hành nghề trong thời hạn của giấy phép hành nghề
[8] Người hành nghề lần thứ hai bị cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác định là có vi phạm đạo đức nghề nghiệp đến mức phải đình chỉ hành nghề trong thời hạn của giấy phép hành nghề
[9] Người hành nghề tự đề nghị thu hồi giấy phép hành nghề
[10] Trường hợp khác do Chính phủ quy định sau khi đã báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội.