Hồ sơ mở quầy thuốc năm 2024 gồm những giấy tờ gì?
Hồ sơ xin giấy phép mở quầy thuốc gồm những giấy tờ nào? Hướng dẫn quy trình mở quầy thuốc năm 2024 mới nhất? Địa bàn nào có thể mở quầy thuốc?
Hồ sơ xin giấy phép mở quầy thuốc gồm những giấy tờ nào?
Căn cứ khoản 1 Điều 38 Luật Dược 2016 quy định hồ sơ đề nghị cấp, cấp lại, điều chỉnh Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dược:
Hồ sơ đề nghị cấp, cấp lại, điều chỉnh Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dược
1. Hồ sơ đề nghị cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dược đối với trường hợp quy định tại điểm a và điểm c khoản 1 Điều 36 của Luật này bao gồm:
a) Đơn đề nghị cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dược;
b) Tài liệu kỹ thuật tương ứng với cơ sở kinh doanh dược quy định tại khoản 2 Điều 32 của Luật này;
c) Bản sao có chứng thực Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc tài liệu pháp lý chứng minh việc thành lập cơ sở;
d) Bản sao có chứng thực Chứng chỉ hành nghề dược.
...
Theo quy định trên, hồ sơ xin giấy phép mở quầy thuốc là hồ sơ đề nghị cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dược gồm những giấy tờ sau:
- Đơn đề nghị cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dược;
- Tài liệu kỹ thuật liên quan đến cơ sở bán lẻ thuốc.
- Bản sao có chứng thực Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc tài liệu pháp lý chứng minh việc thành lập cơ sở;
- Bản sao có chứng thực Chứng chỉ hành nghề dược.
Hồ sơ mở quầy thuốc năm 2024 gồm những giấy tờ gì? (Hình từ Internet)
Hướng dẫn quy trình mở quầy thuốc năm 2024 mới nhất?
Căn cứ Điều 33 Nghị định 54/2017/NĐ-CP được sửa đổi bởi khoản 12, khoản 79 Điều 5 Nghị định 155/2018/NĐ-CP quy định trình tự cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dược:
Trình tự cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dược
1. Cơ sở đề nghị cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dược nộp hồ sơ trực tiếp hoặc gửi qua đường bưu điện về:
a) Bộ Y tế đối với trường hợp đề nghị cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dược thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm a, b, c, e, g và h khoản 2 Điều 32 của Luật dược;
b) Sở Y tế nơi đặt cơ sở đó đặt địa điểm kinh doanh đối với trường hợp đề nghị cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dược thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm d và đ khoản 2 Điều 32 của Luật dược;
2. Sau khi nhận hồ sơ, cơ quan tiếp nhận hồ sơ trả cho cơ sở đề nghị Phiếu tiếp nhận hồ sơ theo Mẫu số 01 tại Phụ lục I ban hành kèm theo Nghị định này.
...
Theo đó, quy trình mở quầy thuốc năm 2024 được thực hiện như sau:
Bước 1: Nộp hồ sơ
Cơ sở đề nghị cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dược nộp hồ sơ trực tiếp hoặc gửi qua đường bưu điện về Sở Y tế nơi đặt cơ sở đó đặt địa điểm kinh doanh.
Bước 2: Nhận hồ sơ
Sở Y tế nơi đặt cơ sở đó đặt địa điểm kinh doanh nhận hồ sơ và trả cho cơ sở đề nghị cấp Giấy chứng nhận Phiếu tiếp nhận hồ sơ
Bước 3: Sở Y tế nơi đặt cơ sở đó đặt địa điểm kinh doanh thực hiện:
(1) Trường hợp có yêu cầu sửa đổi bổ sung hồ sơ
Khi có yêu cầu sửa đổi, bổ sung hồ sơ thì trong thời hạn 07 ngày làm việc, kể từ ngày ghi trên Phiếu tiếp nhận hồ sơ, cơ quan tiếp nhận hồ sơ có văn bản gửi cơ sở đề nghị, trong đó phải nêu cụ thể các tài liệu, nội dung cần sửa đổi, bổ sung.
(2) Trường hợp không có yêu cầu sửa đổi, bổ sung hồ sơ
- Cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dược trong thời hạn 20 ngày, kể từ ngày ghi trên Phiếu tiếp nhận hồ sơ đối với trường hợp cơ sở vật chất, kỹ thuật và nhân sự đã được kiểm tra, đánh giá đáp ứng Thực hành tốt phù hợp với phạm vi kinh doanh, không phải tổ chức đánh giá thực tế tại cơ sở đề nghị cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dược;
- Tổ chức đánh giá thực tế tại cơ sở đề nghị cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dược trong thời hạn 20 ngày, kể từ ngày ghi trên Phiếu tiếp nhận hồ sơ.
Bước 4: Cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dược
Địa bàn nào có thể mở quầy thuốc?
Tại Điều 36 Nghị định 54/2017/NĐ-CP quy định địa bàn mở quầy thuốc, tủ thuốc trạm y tế xã, cụ thể như sau:
Địa bàn mở quầy thuốc, tủ thuốc trạm y tế xã
1. Địa bàn mở quầy thuốc:
a) Xã, thị trấn;
b) Các địa bàn mới được chuyển đổi từ xã, thị trấn thành phường, nếu chưa có đủ một cơ sở bán lẻ thuốc phục vụ 2.000 dân thì được tiếp tục mở mới quầy thuốc và được phép hoạt động không quá 03 năm kể từ ngày địa bàn được chuyển đổi;
c) Các quầy thuốc không thuộc địa bàn quy định tại điểm a khoản này đã có Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh thuốc được cấp trước ngày Nghị định này có hiệu lực, cơ sở được phép hoạt động đến hết thời hạn hiệu lực của Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh thuốc. Trường hợp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh thuốc không ghi thời hạn hiệu lực thì được phép hoạt động không quá 03 năm kể từ ngày Nghị định này có hiệu lực.
2. Địa bàn mở tủ thuốc:
a) Trạm y tế xã;
b) Trạm y tế của thị trấn vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, hải đảo, vùng có điều kiện kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn.
Theo đó, những địa bàn sau đây có thể mở quầy thuốc:
- Xã, thị trấn;
- Các địa bàn mới được chuyển đổi từ xã, thị trấn thành phường, nếu chưa có đủ một cơ sở bán lẻ thuốc phục vụ 2.000 dân. Đối với trường hợp này thì được tiếp tục mở mới quầy thuốc và được phép hoạt động không quá 03 năm kể từ ngày địa bàn được chuyển đổi;
- Các quầy thuốc không thuộc địa bàn xã, thị trấn đã có Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh thuốc được cấp trước ngày 01/7/2017, cơ sở được phép hoạt động đến hết thời hạn hiệu lực của Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh thuốc. Trường hợp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh thuốc không ghi thời hạn hiệu lực thì được phép hoạt động không quá 03 năm kể từ ngày 01/7/2017.
Trân trọng!