Bệnh lao là gì? Người nghi mắc bệnh lao có biểu hiện gì?

Bệnh lao là gì? Người nghi mắc bệnh lao có biểu hiện gì? Điều trị bệnh lao 13 tháng liên tiếp, người lao động có bị chấm dứt hợp đồng lao động không?

Điều trị bệnh lao 13 tháng liên tiếp, người lao động có bị chấm dứt hợp đồng lao động không?

Tại Điều 37 Bộ luật Lao động 2019 quy định trường hợp người sử dụng lao động không được thực hiện quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động như sau:

Trường hợp người sử dụng lao động không được thực hiện quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động

1. Người lao động ốm đau hoặc bị tai nạn, bệnh nghề nghiệp đang điều trị, điều dưỡng theo chỉ định của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền, trừ trường hợp quy định tại điểm b khoản 1 Điều 36 của Bộ luật này.

2. Người lao động đang nghỉ hằng năm, nghỉ việc riêng và trường hợp nghỉ khác được người sử dụng lao động đồng ý.

3. Người lao động nữ mang thai; người lao động đang nghỉ thai sản hoặc nuôi con dưới 12 tháng tuổi.

Theo khoản 1 Điều 36 Bộ luật Lao động 2019 quy định người sử dụng lao động có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trong trường hợp sau đây:

Quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động của người sử dụng lao động

1. Người sử dụng lao động có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trong trường hợp sau đây:

a) Người lao động thường xuyên không hoàn thành công việc theo hợp đồng lao động được xác định theo tiêu chí đánh giá mức độ hoàn thành công việc trong quy chế của người sử dụng lao động. Quy chế đánh giá mức độ hoàn thành công việc do người sử dụng lao động ban hành nhưng phải tham khảo ý kiến tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở đối với nơi có tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở;

b) Người lao động bị ốm đau, tai nạn đã điều trị 12 tháng liên tục đối với người làm việc theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn hoặc đã điều trị 06 tháng liên tục đối với người làm việc theo hợp đồng lao động xác định thời hạn có thời hạn từ 12 tháng đến 36 tháng hoặc quá nửa thời hạn hợp đồng lao động đối với người làm việc theo hợp đồng lao động xác định thời hạn có thời hạn dưới 12 tháng mà khả năng lao động chưa hồi phục.

Khi sức khỏe của người lao động bình phục thì người sử dụng lao động xem xét để tiếp tục giao kết hợp đồng lao động với người lao động;

c) Do thiên tai, hỏa hoạn, dịch bệnh nguy hiểm, địch họa hoặc di dời, thu hẹp sản xuất, kinh doanh theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền mà người sử dụng lao động đã tìm mọi biện pháp khắc phục nhưng vẫn buộc phải giảm chỗ làm việc;

d) Người lao động không có mặt tại nơi làm việc sau thời hạn quy định tại Điều 31 của Bộ luật này;

đ) Người lao động đủ tuổi nghỉ hưu theo quy định tại Điều 169 của Bộ luật này, trừ trường hợp có thỏa thuận khác;

e) Người lao động tự ý bỏ việc mà không có lý do chính đáng từ 05 ngày làm việc liên tục trở lên;

g) Người lao động cung cấp không trung thực thông tin theo quy định tại khoản 2 Điều 16 của Bộ luật này khi giao kết hợp đồng lao động làm ảnh hưởng đến việc tuyển dụng người lao động.

Theo quy định trên thì người sử dụng lao động có thể đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động với người lao động đang điều trị ốm đau, tai nạn 12 tháng liên tục.

Trường hợp phải điều trị bệnh lao từ 13 tháng trở lên và liên tục theo chỉ định của bác sĩ thì Công ty có thể chấm dứt hợp đồng lao động. Việc chấm dứt hợp đồng lao động của công ty là không trái vi phạm pháp luật.

Bệnh lao là gì?

Căn cứ Tiểu mục 1.1 Mục 1 Phần 1 Hướng dẫn Chẩn đoán, điều trị và dự phòng bệnh Lao ban hành kèm theo Quyết định 162/QĐ-BYT năm 2024 quy định về bệnh Lao như sau:

Một số khái niệm cơ bản

1.1. Bệnh lao: là một bệnh lây nhiễm do vi khuẩn lao (Mycobacterium tuberculosis - MTB) gây nên. Bệnh lao có thể gây tổn thương ở tất cả các bộ phận của cơ thể, trong đó lao phổi là thể lao phổ biến (chiếm 80-85%), nguồn lây chính cho người xung quanh. Bệnh lao lây qua đường không khí do hít phải các hạt bụi nhỏ có chứa vi khuẩn lao được sinh ra khi người mắc lao phổi trong giai đoạn tiến triển ho, khạc, hắt hơi. Bệnh lao có thể gây tử vong, nhưng có thể điều trị khỏi và dự phòng.

...

Như vậy, bệnh Lao là bệnh lây nhiễm do vi khuẩn lao gây ra, có thể gây tổn thương ở tất cả các bộ phận của cơ thể, trong đó lao phổi là thể lao phổ biến nhất và là nguồn lây chính cho người xung quanh.

Bệnh Lao lây qua đường không khí do hít phải các hạt bụi nhỏ có chứa vi khuẩn lao được sinh ra khi người mắc bệnh lao phổi ho, khạc, hắt hơi. Bệnh Lao có thể gây tử vong, nhưng có thể điều trị khỏi và dự phòng.

Bệnh lao là gì? Người nghi mắc bệnh lao có biểu hiện gì? (Hình từ Internet)

Người nghi mắc bệnh lao có biểu hiện gì?

Căn cứ Phần 2 Hướng dẫn Chẩn đoán, điều trị và dự phòng bệnh Lao ban hành kèm theo Quyết định 162/QĐ-BYT năm 2024 quy định người nghi mắc bệnh lao:

Người nghi mắc bệnh lao

Người nghi mắc bệnh lao là người có ít nhất một trong các biểu hiện sau: (1) triệu chứng lâm sàng nghi mắc bệnh lao, (2) tình trạng bệnh lý hoặc yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh lao, (3) hình ảnh bất thường nghi lao trên Xquang ngực hoặc phương pháp chẩn đoán hình ảnh khác.

...

Như vậy, người nghi mắc bệnh lao là người có ít nhất một trong các biểu hiện sau:

(1) Triệu chứng lâm sàng nghi mắc bệnh lao

- Đối với người lớn: Ho kéo dài trên 02 tuần (ho khan, ho có đờm, ho ra máu) là triệu chứng nghi lao quan trọng nhất. Ngoài ra có thể có các biểu hiện:

+ Gầy sút, kém ăn, mệt mỏi

+ Sốt nhẹ về chiều, sốt kéo dài không rõ nguyên nhân trên 02 tuần

+ Ra mồ hôi đêm

+ Đau ngực, đôi khi khó thở

- Đối với trẻ em: Bệnh diễn biến kéo dài trên 02 tuần, với ít nhất một trong các biểu hiện:

+ Ho kéo dài

+ Khò khè kéo dài, tái diễn không đáp ứng với thuốc giãn phế quản

+ Giảm cân hoặc không tăng cân không rõ nguyên nhân trong vòng 03 tháng gần đây

+ Sốt không rõ nguyên nhân

+ Mệt mỏi, giảm chơi đùa

+ Chán ăn

+ Ra mồ hôi đêm

+ Triệu chứng viêm phổi cấp tính không đáp ứng với điều trị kháng sinh 02 tuần

- Triệu chứng lâm sàng nghi mắc bệnh lao ngoài phổi: có thể có các triệu chứng toàn thân và các triệu chứng tại cơ quan ngoài phổi nghi mắc lao.

(2) Tình trạng bệnh lý hoặc yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh lao

- Người tiếp xúc trực tiếp với nguồn lây, đặc biệt trẻ em.

- Người có tiền sử chẩn đoán, điều trị bệnh lao.

- Người có rối loạn, suy giảm miễn dịch, như: bệnh tự miễn, nhiễm HIV, sử dụng các thuốc ức chế miễn dịch kéo dài (Corticosteroid), hoá chất điều trị ung thư, hoặc mắc các bệnh suy giảm miễn dịch khác.

- Người mắc các bệnh mạn tính: đái tháo đường, suy thận mạn, v.v...

- Trẻ em suy dinh dưỡng, đặc biệt là suy dinh dưỡng nặng và trẻ em chưa được tiêm phòng vaccine BCG.

- Người sống trong môi trường khép kín, thông gió kém, như: quản giáo, tù nhân, người bệnh tâm thần,…

- Người nghiện ma tuý, rượu, thuốc lá, thuốc lào.

- Nhân viên y tế, đặc biệt nhân viên y tế chuyên khoa lao và bệnh phổi.

(3) Hình ảnh bất thường nghi lao trên Xquang ngực hoặc phương pháp chẩn đoán hình ảnh khác

- Đối với người lớn:

+ Tổn thương hay gặp ở phân thùy 1, 2 của thùy trên và phân thùy 6 của thùy dưới. Trong thực hành vị trí 1/3 trên của phổi là những vị trí hay gặp tổn thương lao. Các hình thái tổn thương thường gặp là:

+ Đông đặc nhu mô phổi: thường là đông đặc một vài phân thùy tại các vị trí khác nhau, vùng phổi đông đặc thường không đồng nhất, hay đi kèm các đường mờ (xơ), hiếm gặp hơn là đông đặc cả thùy phổi (viêm phổi do lao). Đông đặc có thể hình thành bởi các nốt lớn có bờ viền không rõ, các nốt này tập trung hay kết dính thành đám.

+ Hang: là tổn thương hay gặp, số lượng có thể nhiều hay duy nhất một hang, kích thước hang có thể to, nhỏ, thành dày, mỏng khác nhau nhưng thành bên trong của hang luôn nhẵn đều, hang rỗng (khác biệt với hang do ung thư hoặc do nấm, đặc biệt là nấm Aspergillus phổi mạn tính). Hang thường xuất hiện bên trong vùng phổi đông đặc hay bên trong nốt, hình ảnh mức dịch trong hang không phổ biến.

+ Tràn dịch màng phổi: số lượng dịch có thể nhiều, ít. Dịch hay gặp một bên nhưng có thể hai bên. Dịch tự do hay khư trú. Tràn dịch màng phổi có thể đơn thuần hoặc kèm theo tổn thương trong nhu mô phổi. Tràn dịch màng phổi có thể đồng hành với dày hay vôi màng phổi.

+ Các tổn thương hiếm gặp hơn gồm:

++ Nốt: hình thái tổn thương này có thể gặp nốt nhỏ, dạng kê lan tỏa hai phổi, u lao dưới dạng 1 nốt. Hình thái phổ biến hơn cả của nốt là các nốt có bờ viền mờ to hơn nốt kê (nốt phế nang), các nốt này thường kết dính thành từng đám, hình thành các ổ đông đặc. Khi nốt xuất hiện cùng hang hay đông đặc nhưng ở khác thùy, hình ảnh này phản ánh tổn thương phát triển theo hướng phế quản.

++ Xẹp phổi: xẹp phổi do tổn thương đường thở (lao đường thở) hay xẹp do xơ sẹo (co kéo). Xẹp thường ở thùy trên, cá biệt có thể gây xẹp một phổi. Hình thái xẹp do xơ sẹo thường gặp hơn là do tổn thương đường thở.

 

Cùng chủ đề
Hỏi đáp Pháp luật
Ngân sách nhà nước đóng bảo hiểm y tế cho ai? Mức đóng là bao nhiêu?
Hỏi đáp Pháp luật
Cơ quan bảo hiểm xã hội đóng bảo hiểm y tế cho đối tượng nào? Mức đóng bảo hiểm y tế là bao nhiêu?
Hỏi đáp Pháp luật
Từ ngày 01/7/2025, người làm việc theo hợp đồng lao động từ 1 tháng trở lên thuộc đối tượng tham gia BHYT bắt buộc?
Hỏi đáp Pháp luật
Biện pháp xử lý hành vi chậm đóng, trốn đóng bảo hiểm y tế từ ngày 01/7/2025?
Hỏi đáp Pháp luật
Ban hành Luật Bảo hiểm y tế sửa đổi 2024?
Hỏi đáp Pháp luật
10 lời khuyên dinh dưỡng hợp lý đến năm 2030?
Hỏi đáp Pháp luật
Ban hành Thông tư 38/2024/TT-BYT quy định xây dựng, quản lý, khai thác, sử dụng Hệ thống thông tin về quản lý hoạt động khám bệnh, chữa bệnh?
Hỏi đáp Pháp luật
Tiêu chuẩn chất lượng cơ bản đối với bệnh viện từ ngày 01/01/2025?
Hỏi đáp Pháp luật
Bảng tiêu chuẩn sức khỏe của người lái xe, người điều khiển xe máy chuyên dùng từ ngày 01/01/2025?
Hỏi đáp Pháp luật
Bảng giá dịch vụ khám chữa bệnh tại Bệnh viện Bạch Mai áp dụng từ ngày 01/11/2024?
Tác giả: LawNet
Lượt xem: 0
Bài viết mới nhất

Đơn vị chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT.
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3935 2079
P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;