Bảo vệ đập của công trình thủy điện được quy định như thế nào?

Chưa có bản dịch tiếng Anh của bài viết này, nhấn vào đây để quay về trang chủ tiếng Anh There is no English translation of this article. Click HERE to turn back English Homepage
Ngày hỏi: 12/12/2016

Bảo vệ đập của công trình thủy điện được quy định như thế nào? Xin chào Ban biên tập Thư Ký Luật, tôi có vấn đề muốn hỏi như sau: Tôi đang sống gần một khu vực thủy điện cấp tỉnh. Gần đây do có nhiều những sai phạm trong hoạt động của các đơn vị thủy điện gây ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống của người dân. Cũng do một số yêu cầu về công việc nên tôi có kết hợp tìm hiểu một số quy định về quản lý an toàn đập của công trình thủy điện nhưng vẫn còn nhiều điều chưa rõ. Tôi muốn hỏi: Bảo vệ đập của công trình thủy điện được quy định như thế nào? Do văn bản nào hướng dẫn? Mong Ban biên tập Thư Ký Luật trả lời giúp tôi. Xin cám ơn! Hạnh Phúc, SĐT: 0911***.

    • Bảo vệ đập của công trình thủy điện được hướng dẫn tại Điều 11 Thông tư 34/2010/TT-BCT quy định về quản lý an toàn đập của công trình thủy điện do Bộ Công thương ban hành, theo đó:

      1. Chủ đập có trách nhiệm xây dựng phương án bảo vệ đập và trình cơ quan có thẩm quyền phê duyệt được quy định tại khoản 4 Điều này.

      2. Chủ đập phải thực hiện việc cắm mốc chỉ giới phạm vi bảo vệ đập theo quy định tại Điều 25 Pháp lệnh Khai thác và bảo vệ công trình thuỷ lợi. Mốc chỉ giới phải được đặt ở những chỗ có thể nhìn thấy từ mọi phía. Khoảng cách giữa hai mốc chỉ giới liền kề không quá 50m.

      Chủ đập có trách nhiệm quản lý, sửa chữa mốc chỉ giới phạm vi bảo vệ đập; trong phạm vi còn lại của vùng phụ cận đập, cấm các hoạt động gây mất an toàn cho đập hoặc cản trở việc quản lý, vận hành đập.

      3. Nội dung phương án bảo vệ đập

      Phương án bảo vệ đập phải có các nội dung chính sau:

      a) Thông tin chung về đập

      - Tên đập;

      - Địa điểm xây dựng;

      - Chủ đập;

      - Quy mô/tầm quan trọng của đập (đập quan trọng/đập lớn/đập nhỏ);

      - Các thông số kỹ thuật, sơ đồ mặt bằng đập;

      - Đánh giá về hiện trạng an toàn đập.

      b) Phương án bảo vệ đập

      - Xác định phạm vi bảo vệ;

      - Chế độ bảo vệ thường xuyên, kiểm tra định kỳ và đột xuất;

      - Tổ chức lực lượng bảo vệ: bố trí, phân công và trách nhiệm bảo vệ.

      - Tổ chức, chỉ huy; Thông tin liên lạc;

      - Xử lý tình huống hư hỏng đập;

      - Vật tư, thiết bị, phương tiện, nhân lực, lương thực dự phòng.

      c) Phương án xử lý, khắc phục hành vi xâm hại đập.

      d) Phương án phối hợp với chính quyền địa phương.

      đ) Phương án dự phòng ứng phó với các sự kiện có khả năng gây mất an toàn cho đập

      - Các kế hoạch hành động dựa trên các phân tích tình trạng bất thường có thể xảy ra;

      - Diễn tập ứng phó.

      4. Thẩm quyền phê duyệt phương án bảo vệ đập

      a) Đối với đập quan trọng quốc gia, Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với Bộ Công an, Bộ Quốc phòng và Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh trình Thủ tướng Chính phủ quyết định phương án bảo vệ đập;

      b) Đối với đập của công trình thủy điện còn lại, phương án bảo vệ đập do Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh theo địa bàn phê duyệt.

      Trên đây là trả lời của Ban biên tập Thư Ký Luật về bảo vệ đập của công trình thủy điện, được quy định tại Thông tư 34/2010/TT-BCT. Bạn vui lòng tham khảo văn bản này để có thể hiểu rõ hơn.

      Trân trọng!

    Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của LawNet . Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email: nhch@lawnet.vn

    Căn cứ pháp lý của tình huống
    THÔNG TIN NGƯỜI TRẢ LỜI
    Hãy để GOOGLE hỗ trợ bạn