Ngôn ngữ trong hợp đồng chuyển giao công nghệ được sử dụng ngôn ngữ nước ngoài hay không?
Ngôn ngữ trong hợp đồng chuyển giao công nghệ được sử dụng ngôn ngữ nước ngoài hay không? Hợp đồng chuyển giao công nghệ phải có những nội dung gì? Bên chuyển giao công nghệ có những quyền và nghĩa vụ gì?
Xin chào ban biên tập, em là sinh viên thực tập và đang nghiên cứu về hợp đồng chuyển giao công nghệ, thông thường em thấy môt số hợp đồng ở Việt Nam được quy định ngôn ngữ sử dụng là tiếng Việt, tuy nhiên nếu một bên hợp đồng là công ty nước ngoài thì có thể sử dụng ngôn ngữ nước ngoài trong hợp đồng không?
1. Ngôn ngữ trong hợp đồng chuyển giao công nghệ được sử dụng ngôn ngữ nước ngoài hay không?
Căn cứ Điều 22 Luật Chuyển giao công nghệ 2017 quy định giao kết và thực hiện hợp đồng chuyển giao công nghệ như sau:
1. Việc giao kết hợp đồng chuyển giao công nghệ phải được lập thành văn bản hoặc hình thức khác được coi là giao dịch bằng văn bản theo quy định của Bộ luật Dân sự. Văn bản hợp đồng phải được các bên ký, đóng dấu (nếu có); ký, đóng dấu giáp lai (nếu có) vào các trang của hợp đồng, phụ lục hợp đồng.
2. Ngôn ngữ trong hợp đồng chuyển giao công nghệ do các bên thỏa thuận.
3. Hợp đồng chuyển giao công nghệ được giao kết và thực hiện theo quy định của Luật này, Bộ luật Dân sự, Luật Thương mại, Luật Sở hữu trí tuệ, Luật Cạnh tranh và quy định khác của pháp luật có liên quan.
Như vậy, trong hợp đồng chuyển giao công nghệ thì các bên có thể thỏa thuận ngôn ngữ sử dụng. Do đó, khi bạn nghiên cứu về hợp đồng chuyển giao công nghệ sẽ thấy ngôn ngữ sử dụng trong các hợp đồng là khác nhau.
2. Hợp đồng chuyển giao công nghệ phải có những nội dung gì?
Theo Điều 23 Luật Chuyển giao công nghệ 2017 quy định nội dung hợp đồng chuyển giao công nghệ như sau:
1. Tên công nghệ được chuyển giao.
2. Đối tượng công nghệ được chuyển giao, sản phẩm do công nghệ tạo ra, tiêu chuẩn, chất lượng sản phẩm.
3. Chuyển nhượng quyền sở hữu, chuyển giao quyền sử dụng công nghệ.
4. Phương thức chuyển giao công nghệ.
5. Quyền và nghĩa vụ của các bên.
6. Giá, phương thức thanh toán.
7. Thời hạn, thời điểm có hiệu lực của hợp đồng.
8. Khái niệm, thuật ngữ sử dụng trong hợp đồng (nếu có).
9. Kế hoạch, tiến độ chuyển giao công nghệ, địa điểm thực hiện chuyển giao công nghệ.
10. Trách nhiệm bảo hành công nghệ được chuyển giao.
11. Phạt vi phạm hợp đồng.
12. Trách nhiệm do vi phạm hợp đồng.
13. Cơ quan giải quyết tranh chấp.
14. Nội dung khác do các bên thỏa thuận.
Theo đó, hợp đồng chuyển giao công nghệ phải có những nội dung được quy định ở trên.
3. Bên chuyển giao công nghệ có những quyền và nghĩa vụ gì?
Theo Điều 25 Luật Chuyển giao công nghệ 2017 quy định quyền và nghĩa vụ của bên giao công nghệ như sau:
1. Bên giao công nghệ có quyền sau đây:
a) Yêu cầu bên nhận công nghệ thực hiện đúng cam kết trong hợp đồng;
b) Được thanh toán đầy đủ và hưởng quyền, lợi ích khác theo thỏa thuận trong hợp đồng;
c) Được thuê tổ chức, cá nhân thực hiện dịch vụ chuyển giao công nghệ theo quy định của pháp luật;
d) Yêu cầu cơ quan có thẩm quyền bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp liên quan đến công nghệ được chuyển giao;
đ) Yêu cầu bên nhận công nghệ áp dụng biện pháp khắc phục, bồi thường thiệt hại trong trường hợp bên nhận công nghệ không thực hiện đúng nghĩa vụ quy định trong hợp đồng, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác;
e) Các quyền khác theo quy định của pháp luật.
2. Bên giao công nghệ có nghĩa vụ sau đây:
a) Bảo đảm quyền chuyển giao công nghệ là hợp pháp và không bị hạn chế bởi bên thứ ba, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác;
b) Thực hiện đúng cam kết trong hợp đồng; bồi thường thiệt hại cho bên nhận công nghệ, bên thứ ba do vi phạm hợp đồng;
c) Giữ bí mật thông tin về công nghệ và thông tin khác trong quá trình đàm phán, ký kết, thực hiện hợp đồng chuyển giao công nghệ theo thỏa thuận;
d) Thông báo cho bên nhận công nghệ và thực hiện các biện pháp thích hợp khi phát hiện có khó khăn về kỹ thuật của công nghệ được chuyển giao làm cho kết quả chuyển giao công nghệ có khả năng không đúng cam kết trong hợp đồng;
đ) Đề nghị cấp Giấy phép chuyển giao công nghệ trong trường hợp chuyển giao công nghệ hạn chế chuyển giao từ Việt Nam ra nước ngoài, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác;
e) Thực hiện nghĩa vụ về tài chính, nghĩa vụ khác theo quy định của pháp luật.
Như vậy, bên chuyển giao công nghệ có các quyền và nghĩa vụ được quy định ở trên.
Trân trọng!