Đơn đăng ký sở hữu công nghiệp được xem là hợp lệ khi nào?
Tôi tên Huyền Trang hiện sinh sống và làm việc tại Nghệ An, vừa qua tôi có tìm hiểu về đơn sở hữu công nghiệp, biết được đơn hợp lệ khi đáp ứng các quy định gì, nhưng vẫn chưa biết cụ thể: Đơn sở hữu công nghiệp được xem là hợp lệ khi không thuộc vào các trường hợp nào? Nên rất mong Ban tư vấn hỗ trợ giúp.
(*******@gmail.com)
Tại Mục 13 Thông tư 01/2007/TT-BKHCN hướng dẫn thi hành Nghị định 103/2006/NĐ-CP hướng dẫn thi hành Luật Sở hữu trí tuệ về sở hữu công nghiệp do Bộ Khoa học và Công nghệ ban hành, được sửa đổi bởi Khoản 12 Điều 1 Thông tư 16/2016/TT-BKHCN, có quy định đơn được coi là hợp lệ nếu đáp ứng các quy định tại điểm 7 của Thông tư này và không thuộc một trong các trường hợp sau đây:
- Đơn được làm bằng ngôn ngữ khác tiếng Việt, trừ trường hợp quy định tại điểm 7.3 và điểm 7.4 của Thông tư này;
- Trong tờ khai không có đủ thông tin về tác giả (đối với đơn đăng ký sáng chế, đơn đăng ký kiểu dáng công nghiệp và đơn đăng ký thiết kế bố trí), về người nộp đơn, về người đại diện, không có chữ ký và/hoặc con dấu (nếu có) của người nộp đơn hoặc của người đại diện;
- Có cơ sở để khẳng định rằng người nộp đơn không có quyền đăng ký;
- Đơn được nộp trái với quy định tại Điều 89 của Luật Sở hữu trí tuệ;
- Đơn có các thiếu sót nêu tại điểm 13.3 của Thông tư này ảnh hưởng đến tính hợp lệ của đơn và mặc dù đã được Cục Sở hữu trí tuệ yêu cầu sửa chữa, người nộp đơn vẫn không sửa chữa hoặc sửa chữa không đạt yêu cầu;
- Có cơ sở để khẳng định ngay rằng, rõ ràng đối tượng nêu trong đơn là đối tượng không được Nhà nước bảo hộ theo quy định tại các Điều 59, 64, 69, 73 và Điều 80 của Luật Sở hữu trí tuệ.
- Đơn được nộp trái với quy định về kiểm soát an ninh đối với sáng chế trước khi đăng ký ra nước ngoài tại khoản 2 Điều 23b của Nghị định số 103/2006/ NĐ-CP, kể cả trường hợp đơn quốc tế nộp trực tiếp cho Văn phòng quốc tế.
Trên đây là nội dung tư vấn.
Trân trọng!