Từ ngày 15/8/2023, Việt Nam miễn thị thực (visa) cho công dân nước nào?

Bấm vào đây để xem bản dịch tiếng Anh của bài viết này Click HERE to see the English translation of this article
Ngày hỏi: 16/08/2023

Xin hỏi: Từ ngày 15/8/2023, Việt Nam miễn thị thực (visa) cho công dân nước nào?- Câu hỏi của anh An (Hà Nội).

    • Từ ngày 15/8/2023, Việt Nam miễn thị thực (visa) cho công dân nước nào?

      Tại Điều 1 Nghị quyết 128/NQ-CP năm 2023 có sửa đổi về miễn thị thực cho công dân các nước như sau:

      Sửa đổi Điều 1 Nghị quyết số 32/NQ-CP ngày 15 tháng 3 năm 2022 như sau:

      Miễn thị thực cho công dân các nước: Cộng hoà Liên bang Đức, Cộng hoà Pháp, Cộng hoà I-ta-li-a, Vương quốc Tây Ban Nha, Liên hiệp Vương quốc Anh và Bắc Ai-len, Liên bang Nga, Nhật Bản, Đại Hàn Dân Quốc, Vương quốc Đan Mạch, Vương quốc Thuỵ Điển, Vương quốc Na-uy, Cộng hoà Phần Lan và Cộng hoà Bê-la-rút với thời hạn tạm trú 45 ngày kể từ ngày nhập cảnh, không phân biệt loại hộ chiếu, mục đích nhập cảnh, trên cơ sở đáp ứng đủ các điều kiện nhập cảnh theo quy định của pháp luật Việt Nam.

      Như vậy, từ ngày 15/8/2023, Việt Nam miễn thị thực cho công dân của 13 nước sau:

      (1) Cộng hoà Liên bang Đức

      (2) Cộng hoà Pháp

      (3) Cộng hoà I-ta-li-a

      (4) Vương quốc Tây Ban Nha

      (5) Liên hiệp Vương quốc Anh và Bắc Ai-len

      (6) Liên bang Nga

      (7) Nhật Bản

      (8) Đại Hàn Dân Quốc

      (9) Vương quốc Đan Mạch

      (10) Vương quốc Thuỵ Điển

      (11) Vương quốc Na-uy

      (12) Cộng hoà Phần Lan

      (13) Cộng hoà Bê-la-rút

      Theo đó, công dân các nước trên được miễn thị thực khi nhập cảnh vào Việt Nam có thời hạn tạm trú là 45 ngày kể từ ngày nhập cảnh.

      Từ ngày 15/8/2023, Việt Nam miễn thị thực (visa) cho công dân nước nào? (Hình từ Internet)

      05 trường hợp được miễn thị thực tại Việt Nam?

      Tại Điều 12 Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam 2014 được bổ sung bởi khoản 7 Điều 1 Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam sửa đổi 2019 có quy định về 05 trường hợp được miễn thị thực của người nước ngoài tại Việt Nam bao gồm:

      (1) Theo điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.

      (2) Sử dụng thẻ thường trú, thẻ tạm trú theo quy định của Luật này.

      (3) Vào khu kinh tế cửa khẩu, đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt.

      + Vào khu kinh tế ven biển do Chính phủ quyết định khi đáp ứng đủ các điều kiện: có sân bay quốc tế; có không gian riêng biệt; có ranh giới địa lý xác định, cách biệt với đất liền; phù hợp với chính sách phát triển kinh tế - xã hội và không làm phương hại đến quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội của Việt Nam.

      (4) Được đơn phương miễn thị thực đủ các điều kiện bao gồm:

      + Có quan hệ ngoại giao với Việt Nam;

      + Phù hợp với chính sách phát triển kinh tế - xã hội và đối ngoại của Việt Nam trong từng thời kỳ;

      + Không làm phương hại đến quốc phòng, an ninh và trật tự, an toàn xã hội của Việt Nam.

      (5) Người Việt Nam định cư ở nước ngoài có hộ chiếu hoặc giấy tờ có giá trị đi lại quốc tế do cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài cấp và người nước ngoài là vợ, chồng, con của họ;

      Người nước ngoài là vợ, chồng, con của công dân Việt Nam được miễn thị thực theo quy định của Chính phủ.

      Người nước ngoài được cấp thị thực rời tại Việt Nam trong trường hợp nào?

      Tại Điều 11 Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam 2014 được bổ sung bởi khoản 6 Điều 1 Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam sửa đổi 2019 có quy định về các trường hợp được cấp thị thực rời như sau:

      Các trường hợp được cấp thị thực rời

      1. Hộ chiếu đã hết trang cấp thị thực.

      2. Hộ chiếu của nước chưa có quan hệ ngoại giao với Việt Nam.

      3. Giấy tờ có giá trị đi lại quốc tế.

      4. Vì lý do ngoại giao, quốc phòng, an ninh.

      5. Thị thực cấp theo quy định tại điểm b khoản 2 Điều 7 của Luật này.

      Tại Điều 7 Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam 2014 được bổ sung bởi khoản 2 Điều 1 Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam sửa đổi 2019 có quy định về hình thức và giá trị sử dụng của thị thực như sau:

      Hình thức và giá trị sử dụng của thị thực

      1. Thị thực được cấp vào hộ chiếu, cấp rời hoặc cấp qua giao dịch điện tử. Thị thực cấp qua giao dịch điện tử là thị thực điện tử.

      2. Thị thực được cấp riêng cho từng người, trừ các trường hợp sau đây:

      a) Cấp thị thực theo cha hoặc mẹ hoặc người giám hộ đối với trẻ em dưới 14 tuổi chung hộ chiếu với cha hoặc mẹ hoặc người giám hộ;

      b) Cấp thị thực theo danh sách xét duyệt nhân sự của cơ quan quản lý xuất nhập cảnh đối với người nước ngoài tham quan, du lịch bằng đường biển hoặc quá cảnh đường biển có nhu cầu vào nội địa tham quan, du lịch theo chương trình do doanh nghiệp lữ hành quốc tế tại Việt Nam tổ chức; thành viên tàu quân sự nước ngoài đi theo chương trình hoạt động chính thức của chuyến thăm ngoài phạm vi tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nơi tàu, thuyền neo đậu.

      ...

      Như vậy, người nước ngoài được cấp thị thực rời tại Việt Nam trong trường hợp:

      (1) Hộ chiếu đã hết trang cấp thị thực.

      (2) Hộ chiếu của nước chưa có quan hệ ngoại giao với Việt Nam.

      (3) Giấy tờ có giá trị đi lại quốc tế.

      (4) Vì lý do ngoại giao, quốc phòng, an ninh.

      (5) Thị thực cấp theo danh sách xét duyệt nhân sự của cơ quan quản lý xuất nhập cảnh đối với người nước ngoài tham quan, du lịch bằng đường biển hoặc quá cảnh đường biển có nhu cầu vào nội địa tham quan, du lịch theo chương trình do doanh nghiệp lữ hành quốc tế tại Việt Nam tổ chức;

      Thành viên tàu quân sự nước ngoài đi theo chương trình hoạt động chính thức của chuyến thăm ngoài phạm vi tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nơi tàu, thuyền neo đậu.

      Trân trọng!

    Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của LawNet . Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email: nhch@lawnet.vn

    Căn cứ pháp lý của tình huống
    THÔNG TIN NGƯỜI TRẢ LỜI
    Hãy để GOOGLE hỗ trợ bạn