Người nước ngoài có các hành vi nào thì bị hủy bỏ giấy tờ có giá trị xuất nhập cảnh và cư trú tại Việt Nam?
Người nước ngoài có các hành vi nào thì bị hủy bỏ giấy tờ có giá trị xuất nhập cảnh và cư trú tại Việt Nam? Người nước ngoài được miễn thị thực trong trường hợp nào?
Người nước ngoài có các hành vi nào thì bị hủy bỏ giấy tờ có giá trị xuất nhập cảnh và cư trú tại Việt Nam?
Căn cứ Điều 6 Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam 2014 quy định thu hồi, hủy bỏ giấy tờ có giá trị nhập cảnh, xuất cảnh, cư trú do cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp:
Thu hồi, hủy bỏ giấy tờ có giá trị nhập cảnh, xuất cảnh, cư trú do cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp
Người nước ngoài có hành vi vi phạm quy định tại các khoản 3, 4, 5 và 6 Điều 5; khoản 3 Điều 21; điểm b khoản 2 Điều 44 của Luật này thì bị thu hồi, hủy bỏ giấy tờ có giá trị nhập cảnh, xuất cảnh, cư trú tại Việt Nam.
Theo đó, người nước ngoài có các hành vi vi phạm sau thì thu hồi, hủy bỏ giấy tờ có giá trị xuất nhập cảnh và cư trú tại Việt Nam:
- Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú trái phép tại Việt Nam;
- Làm giả, sử dụng giấy tờ giả để nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú tại Việt Nam.
- Cung cấp thông tin, tài liệu sai sự thật để được nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú tại Việt Nam.
- Lợi dụng việc nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú tại Việt Nam để chống lại nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; xâm hại quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân.
- Mua, bán, thuê, cho thuê, mượn, cho mượn, tẩy, xóa, sửa chữa nội dung giấy tờ có giá trị nhập cảnh, xuất cảnh, cư trú để người nước ngoài nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú tại Việt Nam.
- Giả mạo giấy tờ, khai sai sự thật để được cấp giấy tờ có giá trị nhập cảnh, xuất cảnh, cư trú.
- Hoạt động tại Việt Nam không phù hợp với mục đích nhập cảnh;
Người nước ngoài có các hành vi nào thì bị hủy bỏ giấy tờ có giá trị xuất nhập cảnh và cư trú tại Việt Nam? (Hình từ Internet)
Người nước ngoài được miễn thị thực trong trường hợp nào?
Căn cứ Điều 12 Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam 2014 bổ sung bởi khoản 7 Điều 1 Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam sửa đổi 2019 quy định các trường hợp được miễn thị thực của người nước ngoài, bao gồm:
- Theo điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.
- Sử dụng thẻ thường trú, thẻ tạm trú theo quy định;
- Vào khu kinh tế cửa khẩu, đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt.
- Vào khu kinh tế ven biển do Chính phủ quyết định khi đáp ứng đủ các điều kiện:
+ Có sân bay quốc tế;
+ Có không gian riêng biệt;
+ Có ranh giới địa lý xác định, cách biệt với đất liền;
+ Phù hợp với chính sách phát triển kinh tế - xã hội
+ Không làm phương hại đến quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội của Việt Nam.
- Thuộc trường hợp đơn phương miễn thị thực:
+ Có quan hệ ngoại giao với Việt Nam;
+ Phù hợp với chính sách phát triển kinh tế - xã hội và đối ngoại của Việt Nam trong từng thời kỳ;
+ Không làm phương hại đến quốc phòng, an ninh và trật tự, an toàn xã hội của Việt Nam.
- Người Việt Nam định cư ở nước ngoài có hộ chiếu hoặc giấy tờ có giá trị đi lại quốc tế do cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài cấp và người nước ngoài là vợ, chồng, con của họ; người nước ngoài là vợ, chồng, con của công dân Việt Nam được miễn thị thực theo quy định của Chính phủ.
Người nước ngoài định kỳ bao nhiêu năm phải đổi thẻ thường trú?
Tại Điều 43 Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam 2014 có quy định về cấp đổi, cấp lại thẻ thường trú cho người nước ngoài như sau:
Cấp đổi, cấp lại thẻ thường trú
1. Thẻ thường trú do Công an tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương cấp. Định kỳ 10 năm một lần, người nước ngoài thường trú phải đến Công an tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nơi thường trú để cấp đổi thẻ. Hồ sơ bao gồm:
a) Tờ khai đề nghị cấp đổi thẻ thường trú;
b) Thẻ thường trú;
c) Bản sao hộ chiếu có chứng thực, trừ trường hợp người không quốc tịch.
2. Trường hợp thẻ thường trú bị mất, bị hỏng hoặc thay đổi nội dung ghi trong thẻ, người nước ngoài thường trú phải làm thủ tục cấp lại thẻ tại Công an tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nơi thường trú. Hồ sơ bao gồm:
a) Tờ khai đề nghị cấp lại thẻ thường trú;
b) Thẻ thường trú, trường hợp thẻ thường trú bị mất phải có đơn báo mất;
c) Bản sao hộ chiếu có chứng thực, trừ trường hợp người không quốc tịch;
d) Giấy tờ chứng minh nội dung thay đổi ghi trong thẻ thường trú.
3. Trong thời hạn 20 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ, Công an tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nơi người nước ngoài thường trú cấp lại thẻ.
Như vậy, người nước ngoài định kỳ 10 năm phải đổi thẻ thường trú tại Công an cấp tỉnh nơi thường trú và hồ sơ cấp đổi thẻ thường trú bao gồm:
- Tờ khai đề nghị cấp đổi thẻ thường trú;
- Thẻ thường trú;
- Bản sao hộ chiếu có chứng thực, trừ trường hợp người không quốc tịch.
Trân trọng!