Khi người ủy quyền chết, hợp đồng sẽ hết hiệu lực

Chưa có bản dịch tiếng Anh của bài viết này, nhấn vào đây để quay về trang chủ tiếng Anh There is no English translation of this article. Click HERE to turn back English Homepage
Ngày hỏi: 30/08/2016
Gia đình tôi tranh chấp đất đai với gia đình hàng xóm. Do sức khỏe yếu, bố tôi ủy quyền cho tôi đứng ra giải quyết. Tuy nhiên, trước khi phiên tòa sơ thẩm diễn ra thì bố tôi bị tai nạn và qua đời. Tòa án ra quyết định tạm đình chỉ giải quyết vụ án với lý do nguyên đơn chết, hợp đồng ủy quyền chấm dứt nên không có người thay thế tham gia tố tụng. Tòa án giải quyết như vậy có đúng không? Tôi phải làm thế nào để bảo vệ quyền và lợi ích của gia đình?
    • Theo Điều 147 Bộ luật Dân sự, một trong các trường hợp làm chấm dứt việc đại diện theo uỷ quyền của cá nhân là người uỷ quyền hoặc người được uỷ quyền chết, bị Toà án tuyên bố mất năng lực hành vi dân sự...
      Liên quan đến điều luật nói trên, Điều 77 Bộ luật tố tụng dân sự, khoản 4 Điều 589 Bộ luật dân sự cũng quy định "bên uỷ quyền hoặc bên được uỷ quyền chết” cũng sẽ làm cho hợp đồng uỷ quyền chấm dứt.

      Như vậy, khi bố bạn (người ủy quyền) chết thì hợp đồng ủy quyền giữa bố bạn và bạn (người nhận ủy quyền) sẽ chấm dứt nên việc đại diện theo uỷ quyền của bạn cũng bị chấm dứt. Khi đó, bạn không còn quyền tham gia tố tụng với tư cách là người đại diện theo ủy quyền của bố bạn nữa. Trong trường hợp đó, Tòa án đang giải quyết tranh chấp đất đai của gia đình bạn với gia đình hàng xóm sẽ ra quyết định tạm đình chỉ giải quyết vụ án.

      Mặc dù vậy, tranh chấp vẫn có thể được tiếp tục giải quyết nếu có người thừa kế của bố bạn trực tiếp tham gia tố tụng. Khoản 1 Điều 62 Bộ luật tố tụng dân sự còn quy định, trường hợp đương sự là cá nhân đang tham gia tố tụng chết mà quyền, nghĩa vụ về tài sản của họ được thừa kế thì người thừa kế tham gia tố tụng.

      Khoản 2 Điều 78 Bộ luật tố tụng dân sự cũng quy định, trong trường hợp chấm dứt đại diện theo uỷ quyền, đương sự hoặc người thừa kế của đương sự trực tiếp tham gia tố tụng hoặc uỷ quyền cho người khác đại diện tham gia tố tụng theo thủ tục do Bộ luật này quy định. Như vậy, bạn và các đồng thừa kế sẽ là người kế thừa quyền, nghĩa vụ tố tụng đương nhiên của bố bạn trong vụ án tranh chấp đất đai đó.

      Những người thừa kế của bố bạn (hàng thừa kế thứ nhất bao gồm: vợ, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của bố bạn) sẽ trực tiếp tham gia tố tụng hoặc các đồng thừa kế này ủy quyền cho một người trong số họ hoặc người khác đại diện tham gia tố tụng. Do đó, việc Tòa án ra quyết định tạm đình chỉ giải quyết vụ án với lý do “chấm dứt đại diện hợp pháp của đương sự mà chưa có người thay thế là chưa phù hợp với quy định của pháp luật.

      Điều 189 Bộ luật tố tụng dân sự quy định các trường hợp Tòa án có thẩm quyền ra quyết định tạm đình chỉ giải quyết vụ án dân sự bao gồm: Đương sự là cá nhân đã chết, cơ quan, tổ chức đã sáp nhập, chia, tách, giải thể mà chưa có cá nhân, cơ quan, tổ chức kế thừa quyền và nghĩa vụ tố tụng của cá nhân, cơ quan, tổ chức đó; Chấm dứt đại diện hợp pháp của đương sự mà chưa có người thay thế….”. Như vậy, chỉ trong trường hợp “Đương sự là cá nhân đã chết... mà chưa có cá nhân kế thừa quyền và nghĩa vụ tố tụng của cá nhân” thì Tòa án mới ra quyết định tạm đình chỉ giải quyết vụ án dân sự.

      Theo quy định tại khoản 3 Điều 190 Bộ luật tố tụng dân sự, quyết định tạm đình chỉ giải quyết vụ án dân sự có thể bị kháng cáo, kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm. Do vậy, để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của gia đình bạn, bạn có thể kháng cáo quyết định tạm đình chỉ giải quyết vụ án theo thủ tục phúc thẩm. Đồng thời xúc tiến ngay việc các đồng thừa kế ủy quyền cho bạn hoặc người khác đại diện để tiếp tục tham gia tố tụng.

    Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của LawNet . Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email: nhch@lawnet.vn

    Căn cứ pháp lý của tình huống
    THÔNG TIN NGƯỜI TRẢ LỜI
    Hãy để GOOGLE hỗ trợ bạn